Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn dành sự trân trọng với người đồng hương Tiền Giang của mình: "Với nhà văn Đoàn Giỏi, sự sáng tạo đồng nghĩa với một cuộc đấu tranh, một cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt. Trong quá trình sáng tác Đất rừng phương Nam, tôi có cảm tưởng anh Năm Đoàn Giỏi đánh vật với từng chữ (…). Xuất thân là một họa sĩ, anh vẽ thiên nhiên bằng trang văn đầy màu sắc".
Quả vậy, không chỉ là nhà văn, Đoàn Giỏi còn là nhà báo, họa sĩ. Có lẽ chính điều này giúp ông có thế mạnh về chi tiết, trải nghiệm, "vẽ" nên những trang văn sinh động về vùng đất và con người phương Nam. Để rồi, qua trang văn của ông, độc giả trong và ngoài nước thương mến vùng đất thành đồng này của Tổ quốc.
Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 - 17/5/2025), Nhà xuất bản Kim Đồng vừa tái bản lại những tác phẩm đặc sắc, mà điểm nhấn là Đất rừng phương Nam, được đầu tư vẽ minh họa màu. Đây là tác phẩm nổi bật nhất của ông, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Những tác phẩm ấn tượng
Đoàn Giỏi được đánh giá là 1 trong những cây bút hàng đầu của dòng văn học sinh thái, khi ngòi bút của ông từ lâu đã dấn thân, chủ động viết về môi trường, bảo vệ thiên nhiên. Ngoài Đất rừng phương Nam, Cá bống mú là tác phẩm độc đáo của Đoàn Giỏi, vẽ lên khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống khẩn hoang. Ở đó, tâm hồn những người dân nông dân phương Nam được khắc chạm sống động. Tê giác trong ngàn xanh thể hiện tình yêu thiên nhiên, xoay quanh loài tê giác quý hiếm trong môi trường rừng xanh, đồng thời phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên.

Nhà văn Đoàn Giỏi
Ông gặt nhiều thành công trong mảng văn học về đề tài lịch sử. Bên cạnh Đất rừng phương Nam, 1 trong những tác phẩm chạm nhiều cảm xúc độc giả là Hoa hướng dương. Tác phẩm được ông sử dụng ngôn ngữ tự sự khéo léo. Bằng lối miêu tả đậm chất hiện thực, nhà văn Đoàn Giỏi đã khắc họa vùng đất, tâm hồn người miền Tây Nam bộ thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám vô cùng ấn tượng.
Hành trình của người mẹ cũng là người chiến sĩ can trường, sinh con trong muôn ngàn nguy biến được lồng thép trong văn hóa sông nước Nam Bộ, hiện lên sống động, lôi cuốn như những thước phim hay nhất về chiến tranh và sự sống con người.
Hoặc, Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày viết về nguyên mẫu Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng là tác phẩm có dấu ấn trong đề tài này. Trong cuộc tranh đấu khắc nghiệt ở nơi địa ngục trần gian, chân dung người thủy thủ kỳ cựu, người chiến sĩ cách mạng tiên phong Tôn Đức Thắng hiện lên sống động như ánh dương chiếu đến từng góc tù ngục tối tăm.
Cùng là tác phẩm văn học viết đề tài lịch sử, Cuộc truy tầm kho vũ khí là tác phẩm phiêu lưu hấp dẫn. Nhà văn khéo léo kết hợp yếu tố ly kỳ của thể loại trinh thám với không khí căng thẳng của cuộc đấu tranh cách mạng, thể hiện tinh thần đoàn kết, trí tuệ và lòng dũng cảm của con người Việt Nam.
Còn tập truyện ngắn Rừng đêm xào xạc được ví như những bước chân hải hà dài theo thế kỷ 20. Mỗi trang viết đều dồi dào tư liệu tri thức, sự trải nghiệm của người cầm bút.
Dấu ấn trong văn học Việt Nam
Nhắc đến Đoàn Giỏi là nhắc đến kiệt tác Đất rừng phương Nam, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Khá bất ngờ, tác phẩm được viết theo đặt hàng của ông Nguyễn Thắng Vu (Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ), năm 1957. Bản đầu tiên mỏng đáng kể so với bản hiện nay. Là người kỹ tính, mỗi lần tái bản, Đoàn Giỏi lại sửa chữa tác phẩm. Theo nhà văn Lê Phương Liên, cựu biên tập viên NXB Kim Đồng, bản in năm 1982 là bản cuối được Đoàn Giỏi sửa chữa, tái bản cho đến nay.

Bộ sách của Đoàn Giỏi do NXB Kim Đồng vừa tái bản
Tác phẩm kể về cuộc phiêu lưu của cậu bé An trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp, nổi bật với bút pháp miêu tả thiên nhiên sinh động, đặc biệt là hệ sinh thái phong phú của miền Tây Nam bộ. Thông qua hành trình của An, Đoàn Giỏi không chỉ khắc họa tinh thần yêu nước mãnh liệt, mà còn thể hiện tình người ấm áp giữa hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Đến nay, An vẫn là một hình tượng nhân vật nổi bật, Đất rừng phương Nam vẫn là một dấu ấn sâu đậm trong văn học thiếu nhi nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.
Có thể xem Đất rừng phương Nam là một bản anh hùng ca về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành bộ phim truyền hình 20 tập nổi tiếng - làm nên tên tuổi của diễn viên nhí Hùng Thuận lúc bấy giờ; là cảm hứng để ra đời bộ phim điện ảnh cùng tên, và là nguồn cảm hứng chủ đạo cho nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ viết nên ca khúc Bài ca đất phương Nam. Sáng tác được đặt hàng dành riêng cho phim truyền hình Đất rừng phương Nam, nhưng về sau, sự thành công vượt bậc của ca khúc đã đi vào lòng khán giả hàng chục năm qua.
Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Khá may cho Đoàn Giỏi là sau ba mươi năm, nhiều bài của anh đọc lại, vẫn chịu được. Kỹ thuật chăng? Tài năng chăng? Chớ về thông tin, về chất liệu thì quả là vừa vậy vừa không phải vậy. Năm Căn tôi đã đến rồi, cây đước tôi đã thấy rồi, bà má Năm Căn và hàng ngàn bà má khác tôi đã gặp rồi, thế sao đọc các bài văn kia tôi vẫn xúc động. Có gì ở đằng sau chất liệu kia, trên hay dưới, hay bạt ngàn chung quanh chất liệu kia, vừa là nó và không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đi qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian". Nhà thơ của Điêu tàn khẳng định: "Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề, nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ…".

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi
Còn PGS-TS Bùi Thanh Truyền nhận định: "Văn xuôi của ông là những bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc. Khả năng miêu tả thiên nhiên với nhiều mới lạ, độc đáo trong cách nhìn, cách cảm là một nét phong cách nghệ thuật của văn xuôi Đoàn Giỏi. Tác giả đã vận dụng tất cả các giác quan để nắm bắt cái hồn của cảnh vật, từ đó đem đến cho độc giả những bức tranh sống động, phong phú, độc đáo, giàu đường nét, màu sắc và âm thanh.
Có thể thấy, trong sáng tác của mình, ông rất hạn chế dùng ngôn ngữ sách vở, hàn lâm, mà chuộng sử dụng ngôn ngữ đời thường, đôi khi bình dân, thông tục, đậm sắc thái địa phương. Lối kể chuyện chân chất, hóm hỉnh đã mang đến cho người đọc những câu chuyện hấp dẫn về thiên nhiên, cảnh sắc, cuộc sống, con người.
Tình yêu tha thiết với quê hương xứ sở đã kết tinh thành những áng văn hay và thực sự có giá trị cho nền văn học hiện đại Việt Nam".
Tính từ 1957, khi Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam, đến nay đã gần 70 năm. Chặng đường dài đủ để đánh giá tầm vóc một nhà văn. Tác phẩm của ông vẫn là dấu ấn sâu đậm trong văn đàn Việt Nam, nên ông xứng danh là nhà văn lớn trong lịch sử văn học nước nhà.
Nhà văn Đoàn Giỏi, tên khai sinh là Đoàn Văn Giỏi (17/5/1925 - 2/4/1989). Ông còn được biết đến với các bút danh khác như: Nguyễn Hoài, Huyền Tư, Nguyễn Phú Lễ. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho, nay đổi thành xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Vào thời điểm kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tự nguyện hiến nhà cửa, ruộng đất cho cách mạng, ủng hộ kháng chiến.
Tags