Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 6 - 2025
Truyện kể về hành trình 120 năm phiêu bạt của chú rùa Hy Lạp xuyên qua hai thế kỷ, qua những cuộc chiến, nạn diệt chủng, khủng hoảng môi sinh và đại dịch toàn cầu… không chỉ tái hiện lịch sử nhân loại, mà còn gợi mở một thế giới nhân bản, đầy lòng trắc ẩn.
Theo đánh giá của Giải Dế Mèn, 120 năm lưu lạc của rùa xám đen Hy Lạp - ngay từ tên gọi đã thể hiện được độ dài của thời gian cũng như độ rộng của không gian mà tác giả muốn dồn nén lại trong tác phẩm công phu này. Hành trình của một chú rùa suốt hơn một thế kỷ là ý tưởng khơi gợi, mà cũng hoài niệm, nhắc nhớ về những tác phẩm phiêu lưu lớp lang, kỳ thú, trong dòng văn học thiếu nhi.
Theo đó, tập truyện kể về hành trình lưu lạc 120 năm kỳ lạ của một chú rùa, qua rất nhiều vùng đất và những sự kiện lịch sử lớn của nhân loại. Cuối cùng chú dừng chân ở Việt Nam. Ở mỗi không gian và thời gian đó, chú rùa trải qua những nỗi buồn và niềm vui, và ngẫm ra nhiều bài bài học của cuộc sống. Đây là một bản thảo có ý tưởng sáng tạo và đầy tham vọng.
Tác giả Đặng Chương Ngạn cho biết: "Tôi muốn kể một câu chuyện xuyên qua hai thế kỷ, từ đầu thế kỷ 20 đến năm 2024, nhân vật chính lưu lạc qua nhiều vùng đất trên hành tinh này, chứng kiến những sự kiện lịch sử lớn của loài người: Thế chiến I, Thế chiến II, nạn diệt chủng Holocaust, phong trào đấu tranh đòi quyền sống của người da đen, đến Chiến tranh Vùng Vịnh và đại dịch Covid-19… Trong vai trò tác giả, tôi xây dựng hình tượng rùa Xám Đen như một biểu tượng văn chương giàu ẩn dụ về thời gian, lịch sử và nhân tính. Xám Đen trở thành chứng nhân của hơn một thế kỷ biến động. Mỗi chặng đường rùa Xám Đen đi qua không chỉ tái hiện những lát cắt lịch sử mà còn thể hiện lòng trắc ẩn, khát vọng sống thiện lương và những nỗ lực không ngừng của con người để giữ lại phần nhân bản trong thế giới đầy bất ổn".
Tác giả Đặng Chương Ngạn vốn là kỹ sư cầu nhưng đam mê văn chương. Trong nhiều thập niên gắn bó với nghề viết, ông để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm cho thiếu nhi và người lớn, trong đó có các tập truyện nổi bật như Nghệ sĩ dế, Chiếc vòng cổ màu xanh, Kẻ chăn dắt,... Ông từng đoạt giải thưởng trong cuộc thi viết cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam và NXB Kim Đồng tổ chức (1985 - 1987).
Tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 năm 2024, nhà văn Đặng Chương Ngạn đã được Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo trao cho bản thảo truyện dài Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò.
Giữa muôn trùng chuyển động của đời sống hiện đại, nơi lời ru dường như đã trở thành một âm thanh quá xa xôi, tập thơ thiếu nhi À ơi của hai tác giả Thanh Tâm và Windy Trúc Hoàng xuất hiện như những thanh âm quý giá. Đó không phải là sự trở lại đơn thuần của một hình thức lời ru xưa, mà là một cuộc hồi sinh tinh tế của tinh thần ru - trong hình hài của thơ ca đương đại, trẻ em được đón nhận tình yêu thương, sự nâng niu và một không gian tưởng tượng kỳ diệu và thấm đượm lòng nhân hậu.
Không còn là những lời lẽ ru ngủ đơn điệu hay sáo rỗng, chỉ giữ được lớp vỏ ngôn ngữ mà không níu được cái thần của tiếng ru, mỗi bài thơ trong tập thơ À ơi là một thế giới riêng, có khi là cuộc dạo chơi cùng các vị thần, có khi là một giấc mơ bé nhỏ giữa thiên nhiên, có khi lại là câu hỏi ngây thơ mà bất kỳ ai cũng từng thầm thì: "Con từ đâu đến?". Bằng sự nhạy cảm và tấm lòng thiết tha với trẻ thơ, À ơi khơi dậy lại mạch nguồn tinh thần đã từng là một phần thiết yếu trong đời sống Việt Nam - không phải bằng cách lặp lại những mô-típ cũ, mà bằng cách kết nối tâm hồn với tâm hồn.
Nếu chỉ nhìn qua, người ta có thể cho rằng À ơi quá nhẹ, quá mềm mại để mang theo chiều sâu. Nhưng chính ở sự nhẹ ấy, người đọc mới cảm nhận được độ lắng của tâm hồn. Tập thơ không cao giọng, không áp đặt đạo lý. Nó chọn cách thì thầm, thủ thỉ – như người mẹ ngồi cạnh giường con, như một người bạn đồng hành trong khoảnh khắc tĩnh lặng nhất của đời sống.
Có thể khẳng định, tập thơ À ơi không chỉ là một tuyển tập thơ thiếu nhi đẹp về ngôn từ, tinh tế trong cảm xúc, ấn tượng trong sắc màu nước mềm mại, mà còn mang trong mình một thông điệp văn hóa. Đó là lời khẳng định rằng thơ vẫn có thể thành tiếng ru, vẫn có thể nâng niu và chở che tâm hồn trẻ nhỏ, dẫu có là trong một thế giới ồn ào.
Với 26 bài thơ như 26 nhịp thở êm ái, dịu dàng, bản thảo À ơi của Thanh Tâm và Windy Trúc Hoàng không chỉ là kết quả của một dự án nghệ thuật, mà là một hành động yêu thương có chủ đích - nơi thơ không chỉ để đọc, mà còn để cảm, để sống cùng, để truyền lại, để ru tiếp những giấc ngủ còn trong veo của suốt những mai sau.
Tác giả Vũ Thị Thanh Tâm (sinh năm 1986) là một nhà giáo, nhà văn và nhà hoạt động văn hóa đến từ Đà Lạt. Tốt nghiệp thạc sĩ và từng giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chị đã dành tâm huyết để phát triển văn hóa đọc cho trẻ em thông qua dự án Ô cửa sách, được khởi xướng từ năm 2018.
Ô cửa sách không chỉ là một thư viện tư nhân mà còn là một không gian sáng tạo, nơi trẻ em được khuyến khích đọc sách, viết lách và tham gia vào quá trình xuất bản. Dự án này đã giúp nhiều bạn nhỏ trở thành tác giả, minh họa viên và dịch giả cho các tác phẩm của chính mình. Một trong những thành quả nổi bật là bộ sách Covid trong mắt trẻ thơ (2021), gồm 7 truyện tranh song ngữ Việt - Anh, do chị Tâm viết lời và các bạn nhỏ từ 9-12 tuổi của Ô cửa sách vẽ minh họa và chuyển ngữ. Bộ sách này đã lọt vào Top 8 vòng chung kết Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 3 năm 2022.
Tiếp nối thành công, năm 2024, con trai chị là Lê Sinh Hùng (14 tuổi) đã giành giải Khát vọng Dế Mèn với tập truyện tranh Thư viện kỳ bí, do chính em viết và vẽ minh họa. Tác phẩm này là kết quả của quá trình nuôi dưỡng đam mê đọc sách và sáng tác tại Ô cửa sách.
Ở bộ tranh tại giải Dế Mèn, họa sĩ nhí Phạm Hải Nguyên đã sớm bộc lộ thế giới quan sâu sắc của mình về những sự việc diễn ra trong cuộc sống xung quanh. Nguyên có tư duy khá sâu sắc về con người và những sự việc diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Tuy mới 13 tuổi, nhưng nhãn quan của Nguyên có phần trưởng thành khá sớm. Sự trưởng thành ấy đã được Nguyên khắc họa bằng màu acrylic qua các đề tài như: Tham vọng, Cơn ác mộng, Tự do, Lao động… Nguyên đã có triển lãm cá nhân đầu tay Góc nhìn đa chiều tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) hồi tháng 8/2024.
Tranh của Nguyên thể hiện sự quan sát tỉ mỉ mọi khía cạnh của cuộc sống mà em được tiếp cận, hình dung qua suy nghĩ và con mắt của trẻ thơ, đặc biệt là góc nhìn về những điểm nổi bật của con người - điều mà ít bạn bè đồng trang lứa với em ghi nhận được. Song, Nguyên cũng không đánh mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của một cậu bé đang tuổi cắp sách tới trường. Ở tranh của họa sĩ nhí này, có thể nhìn thấy sự kết hợp của suy nghĩ già dặn và sự ngộ nghĩnh của trẻ thơ.
Về bút pháp, tranh phong cách biểu hiện của Nguyên chịu ảnh hưởng của Picasso - danh họa mà em rất thần tượng, luôn tìm cách học hỏi - nhưng gần đây Nguyên chuyển dần qua vẽ trừu tượng, "vẽ xóa hình", nên sự ảnh hưởng này phai dần.
Xem tranh của họa sĩ nhí này, họa sĩ Thành Chương bày tỏ sự ngạc nhiên. Ông nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ ở lứa tuổi ấy mà các em đã có thể vẽ nên những tác phẩm già dặn đến như vậy. Có lẽ bởi đời sống bây giờ phát triển hơn, trẻ em được tiếp xúc nhiều với môi trường sống đa dạng, với thông tin và văn hóa từ khắp nơi trên thế giới. Mọi thứ được cập nhật rất nhanh. Cảm nhận về thế giới xung quanh của các em hôm nay phong phú và sâu sắc hơn rất nhiều so với thời của chúng tôi. Tuổi trẻ ngày nay không còn bó hẹp trong sự hồn nhiên, ngây thơ, thậm chí là đến mức ngô nghê như trước. Các em tiếp cận với cái mới, với văn minh hiện đại một cách sớm và đầy đủ. Chính vì vậy, dù tranh của các em vẫn giữ được nét hồn nhiên, nhưng đồng thời lại mang theo sự chín chắn trong tư duy, có chiều sâu, thậm chí là những triết lý rất trưởng thành. Tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt, thể hiện sự phát triển của thế hệ trẻ".
Sinh ra và lớn lên tại Lạng Sơn, trong gia đình không có ai theo nghệ thuật. Nhưng ngay từ 5 tuổi Nguyên đã bộc lộ năng khiếu hội họa của mình, lại ở gần nhà họa sĩ Hoàng Văn Điểm, nên theo học vẽ từ năm lớp 4. Nguyên cũng là bạn của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang - từng được trao giải Khát vọng Dế Mèn tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2023.
Có một Trái Đất phẳng trong mắt em là một tập thơ thiếu nhi đặc biệt, giàu triết lý và suy tư, thể hiện tầm nhìn sâu sắc của người trẻ viết cho thế giới của trẻ em. Với giọng thơ vừa dịu dàng vừa bản lĩnh, tập thơ chạm đến những vấn đề lớn như chiến tranh, môi trường, công nghệ, tình thương và sự khác biệt, nhưng luôn giữ được sự tự nhiên và đầy tính biểu tượng trong cách diễn đạt.
Giọng điệu thơ thấm đẫm sự tâm tình, thân mật. Tác giả chọn cách trò chuyện khẽ khàng với bạn đọc nhỏ tuổi, bằng những hình ảnh gần gũi và gợi cảm xúc, và chính sự dịu dàng ấy khiến thơ trở nên dễ đón nhận hơn, dù đang nói về những điều tưởng chừng rất phức tạp.
Điểm đáng trân trọng của tập thơ còn nằm ở sự tinh tế trong lựa chọn đề tài. Với 26 bài thơ, tác giả di chuyển linh hoạt giữa những bài thơ ngắn đầy nhịp điệu như Mèo mù vớ cá rán hay Điệu cười của Trứng tươi, đến những bài thơ mang đậm chất tự sự như Tôi gói gửi em hay Khi tôi lớn lên. Đề tài rất đa dạng: từ giấc mơ trẻ nhỏ, tình cảm gia đình, hành trình lớn lên, cho đến những suy tư về thời đại phẳng, nơi thế giới vừa rộng lớn vừa cô đơn. Chẳng hạn, những con "quái vật thuôn dài" trong bài số 6 là hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời cho các ống khói nhà máy - vừa gây tò mò trẻ nhỏ, vừa khơi dậy ý thức môi trường.
Có thể khẳng định rằng dù viết cho thiếu nhi, Có một Trái Đất phẳng trong mắt em không dừng lại ở việc làm bạn với trẻ thơ, mà còn mở ra một không gian suy ngẫm dành cho người trưởng thành. Những ai đã từng là trẻ con - từng tin vào cổ tích, từng thắc mắc về thế giới - sẽ tìm thấy trong tập thơ này một tấm gương soi lại chính mình, và cả một ước vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Theo PGS-TS Văn Giá, thành viên Hội đồng giá khảo, tập thơ này có dấu ấn kết hợp giữa cái nhìn hồn nhiên và khả năng gợi nỗi suy tư sâu lắng. Đây là loại thơ viết cho tuổi mới lớn: "Cách viết của tác giả tạo được độ lắng cần thiết. Mỗi bài thơ đều mang một góc nhìn độc đáo, không cầu kỳ thách đố, nhưng đủ để gợi mở, để dẫn dắt trẻ con hướng đến những suy nghĩ không dễ dãi - những suy nghĩ vượt khỏi bề mặt của đời sống. Đời sống muôn nỗi được tác giả thể hiện bằng ngôn ngữ thơ, chạm tới nhiều vấn đề lớn của cuộc sống như chiến tranh, sinh thái, hay cả những suy tư về Tổ quốc. Tất cả đều được thể hiện qua lối viết dung dị, chạm tới cảm xúc người đọc. Tập thơ này cho thấy sự trở lại của một giọng thơ vừa có chiều sâu, vừa có sự hồn nhiên với nhiều bài thơ khá".
Tác giả Lý Thăng Long (sinh năm 2000) là hội viên Ban Văn học, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai. Hiện là chiến sĩ Đại đội Thông Tin, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai, Quân khu 7. Trước đó, Long tốt nghiệp tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM năm 2024. Long đã xuất bản tập truyện ngắn Dậy thì mới kì làm sao (NXB Kim Đồng) và có nhiều tác phẩm thơ, ký và truyện ngắn đã in trên các sách, báo, tạp chí Trung ương và địa phương.
Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá xoay quanh câu chuyện thuyền trưởng Sinbad được mời đến Vịnh Tiên Cá để dự buổi trao Thủy ngọc Quyền năng cho Công chúa Mê Ly. Tuy nhiên, Tiên cá Đen Mê La có ý định chiếm Thủy ngọc nên quyết tâm ngăn cản. Thuyền trưởng Sinbad bắt đầu cuộc hành trình bảo vệ chân lý, tiêu diệt cái ác, mang lại sự bình yên cho dòng họ Tiên cá Trắng. Tiên cá Đen sau khi được yêu thương thì cũng nhìn nhận lại bản thân và nhận ra nhiều bài học giá trị.
Tác phẩm là lời nhắc nhở cho các bé về tầm quan trọng của tình yêu thương và ý thức bảo vệ đại dương, bảo vệ môi trường sống của muôn loài. Đáng chú ý, tập truyện đã được chuyển thể thành kịch, thuộc chuỗi kịch Ngày xửa ngày xưa. Vở này đã bán hơn 14.000 vé.
Tập truyện kể về việc hai chị em Mai và Pu bị bố mẹ "thả" về quê ở với ông bà, tách rời khỏi điện thoại, iPad - những thứ chiếm vai trò quá lớn trong đời sống những đứa trẻ đô thị - với mong muốn hai đứa trẻ sẽ được "rèn luyện cho cứng cáp", "kết nối với tự nhiên và nguồn cội".
Ở Cuốn cổ thư của một mẫu thần, người đọc được tác giả dẫn dắt bay xa hơn trong thế giới được tạo ra bởi hư cấu, tưởng tượng, nhưng vẫn nguyên vẹn thế giới trẻ thơ với ngôn ngữ, giọng điệu hồn nhiên của trẻ. Thế giới vùng quê miền núi bỗng như rộng ra, thêm phần huyền bí nhờ tuổi thơ không ngừng khám phá. Tác giả đã cài cắm, đan xen các tình tiết truyện khêu gợi trí tò mò, khiến người đọc hồi hộp, thậm chí không ít lần "thót tim" trước những pha mạo hiểm của lũ trẻ.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã viết được một cuốn sách hấp dẫn, lồng ghép những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục mà không tạo cảm giác khiên cưỡng, phù hợp với tâm lý trẻ thơ ham phiêu lưu, học hỏi và thả cho trí tưởng tượng bay xa. Tác giả còn khéo léo lồng ghép vào truyện những câu chuyện kể, những bài ca đẹp đẽ, những câu ca dao tục ngữ thú vị, dĩ nhiên có sự "biến tấu" phù hợp với lứa tuổi và tâm lý tiếp nhận.
Theo Hội đồng giám khảo, sự trở lại này của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy vẫn nhất quán với một lối hành văn đẹp, đúng chất trẻ thơ. Đáng chú ý, ở Cuốn cổ thư của một mẫu thần, tác giả đã có sự phát triển nhất định khi chọn được một tình huống hay, có tính phiêu lưu, ly kỳ. Câu chuyện được triển khai trên nền cảnh quan sinh thái, địa lý, văn hóa đồng bào dân tộc miền Đông Bắc Tổ quốc cũng là một điểm nhấn của tác phẩm.
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là một cây bút trẻ đầy triển vọng ở mảng văn học thiếu nhi. Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chị từng đảm nhiệm vai trò biên tập viên, giảng viên thỉnh giảng và cộng tác viên văn hóa - nghệ thuật cho nhiều đơn vị xuất bản và báo chí. Không chỉ dừng lại ở công việc biên tập, Diệu Thủy đã dần khẳng định tên tuổi trong vai trò người viết với văn phong tinh tế, nhân hậu, giàu cảm xúc và đặc biệt gần gũi với tâm hồn trẻ nhỏ.
Một số tác phẩm nổi bật của tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy có thể kể tới như Trong vòng tay mẹ, Đu đưa trên ngọn cây bàng đoạt Giải Khát vọng Dế Mèn 2022.
Tập truyện Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu mở ra vẻ đẹp "siêu thực" ở nông trại Cúc Cu, khi đàn vịt đi bắt sâu để bảo vệ vườn rau cùng con dơi, con mèo. Trong thế giới "siêu" cổ tích đó, rất nhiều chi tiết tỏa sáng lấp lánh như cảnh con mèo và con dơi dậy từ tinh mơ bắt sâu và lần đầu tiên chúng trải nghiệm cảm giác… đón bình minh; là thư viện kia, nơi con chuột giữ sách luôn cảm thấy thấy buồn vì cuốn sách hay không có người đọc… Đây là câu chuyện về môi trường xanh, về bài học chiến thắng nỗi sợ theo một cách thức rất "thiền" - phải nhìn thẳng vào nó thì mới nhìn thấy nó; là con mèo muốn lao động; là con thỏ hoang cũng biết đòi quyền được ăn rau và điều đó khiến cho ông chủ vườn rau đã mở lòng, cho mọi loài vật được vào một khu để ăn rau thoải mái - một triết lý sinh tồn, cùng tồn tại hài hoà.
Dy Duyên đã dựng nên cả một thế giới sống động trong Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu nhờ tài năng kể chuyện của cô. Một thế giới nhân vật có dấu ấn riêng, ngộ nghĩnh đáng yêu, tình tiết được xây dựng tự nhiên mà cuốn hút, ngôn ngữ đối thoại phù hợp với tuổi thơ, có những trang văn miêu tả trong sáng, đẹp đẽ, giàu cảm xúc… Chi tiết Dy Duyên cho Dơi Sâu Bọ bày tỏ tình yêu của mình với nông trại, cách Vịt Siêu Nhân Đôi nhận ra vẻ đẹp của Dơi, hay khi Mèo Vàng nhận ra bình minh lại có thể đẹp thế. Chỉ là câu chuyện về một nông trại và những con vật ở đó, nhưng người đọc nhận ra tình yêu với thế giới rộng lớn hơn, và vì yêu, nên cần phải chung tay để bảo vệ, vì chẳng có nơi nào tốt hơn để ở lại, ghé thăm như trái đất của chúng ta.
So với Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu, cuốn Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố có dung lượng chưa bằng phân nửa. Trong thế giới Dy Duyên tạo ra, một con quái vật có thể nghiễm nhiên bước vào cuộc sống con người mà không làm bất cứ ai sợ hãi. Chỉ trong đôi mắt trẻ thơ, những con quái vật mới thôi đáng sợ, hay nói đúng hơn, đó chính là sự phá bỏ những định kiến, bám chấp định hình thế giới thông thường.
Bằng cách tạo ra một con quái vật như vậy, ngay từ đầu, Dy Duyên như muốn thông báo cho người đọc hãy sẵn sàng bước vào một cõi nhân gian phi lý, nơi mọi sự dị kỳ được chấp nhận vì thế gian ấy vận hành theo quy luật của óc tưởng tượng trẻ con. Và như thế, Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố có triết lý nhưng không sa vào thuyết lý nặng nề, với những "bài học giáo dục", "bài học đạo đức"... Đứa bé mà thuở ấu thơ, lần đầu thấy cái hố mở ra trong người quái vật, nhưng phải đợi đến mùa Hè năm 20 tuổi để thấy cái hố đầu tiên mở ra trong mình, một cái hố không hiển lộ ra hình tướng bề ngoài mà thẳm sâu trong tâm hồn.
Hai tập truyện Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu và Những thứ bạn dùng để lấp đầy một cái hố của Dy Duyên gây được ấn tượng và thiện cảm lớn đối với các thành viên giám khảo. Chấm điểm cao nhất cho cả 2 tập truyện này, PGS-TS, nhà phê bình Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng Giám khảo đánh giá cao tác giả này ở khả năng tưởng tượng độc đáo, mới lạ.
Ông nhận xét: "Tập truyện Những thứ bạn dùng để lấp một cái hố kết hợp được giữa cái hồn nhiên trẻ thơ và cái sâu xa nhân tính. Trong khi đó, tập truyện Từ những ruộng rau ở nông trại Cúc Cu lựa chọn lối viết đồng thoại, viết thế giới loài vật với khả năng tưởng tượng tốt. Thông qua những câu chuyện nhỏ trong tính liên hoàn (nhân vật, không gian, sự việc...), tập truyện mở ra một vẻ đẹp thiên nhiên, sinh thái nhất quán, tươi ròng, trong trẻo. Nó góp phần vun bồi những hiểu biết, tình yêu cho trẻ thơ hướng về thiên nhiên, đồng ruộng, loài vật, không gian".
Dy Duyên (tên thật là Đặng Thị Hoàng Duyên), sinh năm 1987, là một tác giả và nhiếp ảnh gia tự do hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Trước khi bước vào con đường văn chương, cô được biết đến với vai trò nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung, với phong cách tự nhiên và giàu cảm xúc.
Năm 2019, Dy Duyên ra mắt tác phẩm đầu tay Cúc dại và tia nắng (NXB Kim Đồng), một câu chuyện mang âm hưởng đồng thoại về tình bạn giữa một bông cúc dại và ánh nắng mai.
Trong sáng tác, Dy Duyên thường hướng đến đối tượng là những "thiếu nhi trong tâm hồn", xây dựng thế giới đồng thoại với nhân vật là thực vật, động vật được nhân hóa, kết hợp cùng nét vẽ minh họa mềm mại, tạo nên một thế giới tinh tế và lay động. Cô yêu thích đi dạo, nghĩ ngợi, đọc sách và trân trọng những điều yên tĩnh. Với Dy Duyên, mỗi ngày ý nghĩa nhất là khi được ngồi nơi góc bàn quenthuộc, bên tờ giấy trắng và cây bút chì, để viết, và viết.
Lấy bối cảnh khu tập thể công nhân xây dựng cầu Thăng Long, công trình thế kỷ của những năm 1970, Khu tập thể đường tàu không đơn thuần chỉ là một câu chuyện về tuổi thơ. Đó là một cuốn phim sống động được tái hiện từ ký ức của cậu bé Toàn tuổi Nhâm Tý, cùng bốn người bạn tinh nghịch của mình. Những câu chuyện tưởng như giản đơn lại mở ra một thế giới nhỏ chan chứa tình cảm.
Tác phẩm Khu tập thể đường tàu được giới thiệu là một truyện thiếu nhi dành cho người lớn. Tuy hệ thống nhân vật trung tâm là năm cậu bé sinh năm Nhâm Tý sống chung khu tập thể, nhưng những gì họ kinh qua, thậm chí cảm xúc của họ có thể đánh thức ký ức và cảm xúc cả tập thể. Những cảnh tem phiếu thời bao cấp, không gian sinh hoạt, lao động trong đó, có lẽ tuy dưới góc nhìn chân phương của cá nhân nhưng đã chạm vào mẫu số chung. Có thể với độc giả trưởng thành, cái "khu dân cư nửa quê nửa tỉnh, nửa thành phố nửa nông thôn" đó chính là một mảnh thiên đường tuổi thơ đã mất. Chỉ có thể tìm lại giữa những con chữ của nhà văn.
Tác giả Đặng Ngọc Hưng sinh năm 1972, hiện sống và làm việc ở Hà Nội.mCác tác phẩm đã xuất bản: Bạch Đằng dậy sóng (tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn học, 2011), Hùng binh (tiểu thuyết lịch sử, NXB Trẻ, 2018), Thổn thức gió đồng (tuyển tập truyện ngắn, in chung, NXB Hội Nhà văn, 2021)…Tiểu thuyết Hùng binh được giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 2 (2019), giải Tư tại Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 - 2020).
Truyện bắt đầu bằng kỳ nghỉ Hè của hai anh em Thuyên - Chương, về sống chung với ông nội, vì ba mẹ bận đi công tác xa. Thêm một lý do nữa là "có một khu vườn lớn và rất nhiều con vật chung quanh để tìm hiểu là điều không có ở cuộc sống đô thị" (trích Trang trại cuối rừng).
Tác phẩm Trang trại cuối rừng khởi đi từ những điều bé nhỏ nhưng đủ sức làm dịu mát tâm hồn, làm hồi sinh những cảm xúc tưởng chừng bị bào mòn, rút cạn trong nhịp sống xô bồ của thời hiện đại. Kể cả trong thời hiện đại, thì con người vẫn có thể tìm lại cho mình một góc thân thương, nơi chốn để ta quay về, như xóm nhỏ thị thành, như trang trại miền quê. Trở về để được tắm gội trong lòng thiện ban sơ mà đâu đó trên hành trình dấn bước theo nhịp đời xao động, ta đã quên mình từng mang điều tốt đẹp đó.
Tác giả Phạm Công Luận sinh năm 1961 tại TP.HCM. Đến nay, anh đã xuất bản Sài Gòn - Chuyện đời của phố (bộ 5 cuốn); Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa; Sài Gòn - Ngoảnh lại trăm năm; Với ngày như lá, tháng như mây; Sài Gòn Gia Định Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ (in chung với Lâm Nguyễn Kha Liêm); Sài Gòn đẹp xưa; Hồi ức Phú Nhuận; Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975; Có một thời ở Chợ Lớn; cùng một số tác phẩm khác.
Trong đó, tác phẩm anh viết cùng vợ, lấy bút danh chung Phạm Lữ Ân - Nếu biết trăm năm là hữu hạn - đã tái bản tới 30 lần trong vòng 10 năm.
Trong hơn 700 ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Tuyên dành riêng hơn 200 bài viết cho thiếu nhi. Những ca khúc như Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên Đoàn viên… đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của bao thế hệ. Thế nhưng, ít ai biết rằng ông còn có một "kho báu" đặc biệt: 41 bài đồng dao cổ được ông phổ nhạc, ẩn chứa vẻ đẹp hồn hậu và gần gũi của cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa dân gian Việt Nam. Lần đầu tiên, sau bao năm nằm im trong cuốn sổ nhạc, "kho báu" ấy đã được giới thiệu qua dự án sách Khúc đồng dao của bé mà chính con gái ông - nhà báo Phạm Hồng Tuyến - là người kể chuyện!
Khúc đồng dao của bé là bộ sách gồm 5 tập, trong đó Về quê - Khúc đồng dao của bé là tập đầu tiên đã được xuất bản. Trong số 41 bài đồng dao được công bố theo dự án này chỉ có 5 bài: Rềnh rềnh ràng ràng, Bà còng đi chợ, Gánh gánh gồng gồng, Bầu và Bí, Con chim chích chòe đã từng có bản thu. 36 bài còn lại, trong đó có nhiều khúc đồng dao quen thuộc như Mau mau tỉnh dậy, Thương con ba ba, Cái cò đi đón cơn mưa, Cái bống… lần đầu tiên được thu âm.
Không dừng lại ở việc "giới thiệu bài hát", Về quê - Khúc đồng dao của bé của Phạm Tuyên - Phạm Hồng Tuyến chọn hình thức sách đa phương tiện, kết hợp giữa kể chuyện, âm nhạc, minh họa và mã QR để nghe nhạc, nghe kể chuyện – tạo thành trải nghiệm liên hoàn cho trẻ nhỏ. Mỗi tập sách trong bộ Khúc đồng dao của bé vì thế là một nỗ lực thầm lặng và kiên trì để giữ gìn hồn Việt Nam, qua những nét vẽ minh họa tươi sáng, những câu chuyện giản dị và những bài hát ngọt ngào. Mỗi bài hát đồng dao không chỉ là phần nhạc, là câu chuyện, mà còn là trò chơi, qua đó giúp bài hát trở nên sống động.
Với những dấu ấn của dự án sách Khúc đồng dao của bé, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã được Hội đồng Giám khảo xem xét đến toàn bộ sự nghiệp để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn.
BAN TỔ CHỨC