Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật...

Thứ Sáu, 16/05/2025 14:57 GMT+7

Google News

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đạt kết quả nhất định; góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, thị trường, kiểm soát hàng hóa, bảo vệ sức khỏe người dân, sự bình yên, an ninh, trật tự…

Tuy nhiên gần đây, nhiều vụ án nghiêm trọng được khám phá như: Vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại Thành phố Hồ Chí Minh... Hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội; tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… tác động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý người dân, an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội.

Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật... - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ngày 14/5. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Cũng liên quan đến vấn nạn này, đã có nhiều vụ việc điển hình liên quan đến việc quảng cáo các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hiểu biết hay kiểm chứng nội dung, trong đó tình trạng nghệ sĩ, MC, người có ảnh hưởng tham gia quảng bá các sản phẩm chưa qua kiểm chứng hoặc có nội dung thổi phồng công dụng đang diễn ra phổ biến.

Những quảng cáo này thường được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, nơi mà người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin. Một số nghệ sĩ, người có ảnh hưởng đã quảng cáo các sản phẩm như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh mà không có chứng nhận y tế rõ ràng, hoặc sử dụng thông tin sai lệch về chất lượng, xuất xứ. Những sản phẩm này không chỉ không mang lại hiệu quả như quảng cáo mà còn có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật... - Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VH,TT&DL) đã xử phạt Biên tập viên Quang Minh và MV Vân Hugo do sai phạm trong quảng cáo. (Ảnh chụp màn hình)

Chẳng hạn, một số nghệ sĩ đã quảng cáo các loại thuốc được cho là có khả năng chữa khỏi nhiều bệnh nan y mà không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Hệ quả là nhiều người tiêu dùng đã tin tưởng và sử dụng sản phẩm này, dẫn đến những tác động tiêu cực đến sức khỏe. Những quảng cáo này vừa làm tổn hại đến sức khỏe của người dân vừa làm xói mòn lòng tin vào các sản phẩm chính hãng, gây ra sự hoài nghi trong cộng đồng.

Quảng cáo sai sự thật không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn có những hệ lụy nghiêm trọng khác. Đầu tiên, nó làm giảm lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm và dịch vụ. Khi người tiêu dùng phát hiện ra rằng mình đã bị lừa dối, họ sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, dẫn đến sự sụt giảm trong chi tiêu và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật... - Ảnh 3.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Quang Linh và Hằng Du Mục bị phạt theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, do có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng đã được công bố.

Tiếp đến, sự phát triển của các doanh nghiệp chân chính sẽ bị cản trở. Khi hàng giả và hàng nhái tràn lan, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh. Điều này vừa làm giảm động lực đổi mới sáng tạo vừa dẫn đến sự thất thoát nguồn lực và nhân tài. Một nền kinh tế không có sự cạnh tranh công bằng sẽ không thể phát triển bền vững.

Cuối cùng, việc thiếu văn hóa kinh doanh và tiêu dùng còn làm xói mòn lòng tin của người dân vào các cơ quan chức năng và hệ thống pháp luật. Khi người tiêu dùng thấy rằng các hành vi vi phạm không bị xử lý nghiêm minh, họ sẽ cảm thấy bất lực và không còn tin tưởng vào khả năng bảo vệ quyền lợi của mình. Điều này có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội, khi người dân cảm thấy không được bảo vệ và không có tiếng nói trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật... - Ảnh 4.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả qui mô lớn hồi trung tuần tháng 4 vừa qua. Ảnh: TTXVN

Việc Thủ tướng chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, trong thời gian từ ngày 15/5-15/6 không chỉ là một chiến dịch kiểm tra thông thường mà là tuyên bố hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc không chấp nhận thỏa hiệp với bất lương và vi phạm pháp luật.

Từ góc nhìn văn hóa, mệnh lệnh này là lời khẳng định về sự cần thiết phải bảo vệ những giá trị đạo đức trong kinh doanh, giữ gìn niềm tin xã hội và xây dựng một môi trường thương mại minh bạch, lành mạnh. Văn hóa kinh doanh không chỉ là tuân thủ pháp luật mà còn là sự trung thực, trách nhiệm và tôn trọng người tiêu dùng. Khi những người lợi dụng uy tín cá nhân, đặc biệt là những người nổi tiếng, quảng cáo sai sự thật, họ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn làm tổn thương niềm tin của cộng đồng, làm suy yếu nền tảng văn hóa ứng xử trong xã hội.

Bảo vệ văn hóa kinh doanh bằng cuộc chiến chống hàng giả, quảng cáo sai sự thật... - Ảnh 5.

Ngày 14/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã phá chuyên án, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy mô lớn do hai vợ chồng Ngô Kim Diệu, Nguyễn Thị Ngọc Hương cầm đầu; khởi tố, bắt tạm giam 22 đối tượng. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ VH,TT&DL nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh những người lợi dụng uy tín để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên môi trường mạng – nơi mà thông tin lan truyền nhanh, rộng và khó kiểm soát không chỉ là bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn là bảo vệ văn hóa truyền thông, giữ gìn sự trong sáng của môi trường thông tin.

Đây là bước đi cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh, nơi mà niềm tin được đặt đúng chỗ, người tiêu dùng được bảo vệ và các doanh nghiệp chân chính có điều kiện phát triển công bằng. Đồng thời, đó cũng là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong kinh doanh và truyền thông.

Cuộc chiến chống gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc quảng cáo sai sự thật vừa là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng vừa là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn sản phẩm chính hãng; các cơ quan truyền thông và mạng xã hội cần tăng cường kiểm duyệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, trung thực.

Mệnh lệnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, quyết liệt để bảo vệ niềm tin, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân, đồng thời giữ gìn và phát huy văn hóa kinh doanh lành mạnh – nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.


Phạm Huy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›