Thất bại của CAHN trong cuộc chinh phục danh hiệu đầu tiên của bóng đá Việt Nam ở đấu trường cấp CLB mang đến 2 cảm xúc lẫn lộn. Người hâm mộ có quyền tự hào về nỗ lực của đội bóng Việt Nam, nhưng đồng thời cũng cảm thấy đáng tiếc khi Quang Hải và đồng đội "cầm vàng rồi để vàng rơi" trong các thời khắc quyết định. Không chỉ 1 lần. Liệu đó có phải là cái ngưỡng và phải làm gì để vượt qua?
1. Đội bóng CAHN được xem là hiện thân của chiến lược phát triển trong kỷ nguyên mới của thể thao Việt Nam nói chung: đầu tư – đầu tư – đầu tư liên tục. Ngay khi vừa thăng hạng, họ đã tạo dựng mô hình Dream Team để vô địch V-League. Ngay sau đó, là tiếp tục rót tiền để nâng cấp đội hình với dàn "ngoại binh" chất lượng. Tiếp đến, họ sẵn sàng đàm phán với mọi HLV có thành tích bậc nhất của Đông Nam Á, từ Park Hang Seo đến Alexandre Polking , công khai tham vọng vươn ra quốc tế.
Thành công của CAHN không thể phủ nhận, nhưng nếu nhìn lại 2 trận chung kết trước "đại gia" Buriram United của Thái Lan thì chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt. Ở lượt đi, CAHN 2 lần vượt lên thì 2 lần Buriram gỡ hòa. Đến trận lượt về, đội bóng Việt Nam dẫn trước 2-0 đến tận phút 83 nhưng vẫn bị gỡ hòa để phải đá hiệp phụ. Khen cho tinh thần không bỏ cuộc của CAHN khi gỡ hòa 3-3 ở hiệp phụ, nhưng có lẽ nên dành nhiều hơn lời khen cho đội bóng đến từ Thái Lan.
Đó là đội bóng đang dẫn đầu Thai League khi giải đấu chỉ còn 2 vòng nữa là kết thúc. Họ cũng đã vào chung kết Cúp quốc gia và Cúp Liên đoàn Thái Lan, là đội Đông Nam Á duy nhất vào đến tứ kết AFC Champions League Elite trước khi để thua đội bóng sau đó lên ngôi vô địch là Al Ahli. Như vậy, Buriram chơi tổng cộng 3 trận chung kết, thi đấu thành công cùng lúc trên 5 đấu trường với hơn 60 trận đấu, một cường độ không tưởng và chẳng kém gì các CLB hàng đầu châu Âu.
Nói cách khác, Buriram đã thể hiện đẳng cấp trong cả 2 trận đối đầu với CAHN, đó chính là điều mà CLB của Việt Nam chưa thể có được dù không ngại đầu tư. Chúng ta có thể tin rằng, nếu tiếp tục theo đuổi tham vọng, thì CAHN cũng sẽ có thể đạt được đẳng cấp. Nhưng vấn đề là bao giờ? Và câu hỏi còn quan trọng hơn: Có thể vượt qua ngưỡng đó được hay không?
2. Chiến lược phát triển thể dục – thể thao tầm nhìn 2045 đặt ra nhiều mục tiêu lớn cho thể thao Việt Nam (TTVN). Về lý thuyết, những mục tiêu như đoạt HCV Olympic, hay thắng 5-7 HCV ở ASIAD, đều dựa trên các thành tích đã đạt được của TTVN trong 2 thập niên qua nên không có gì bất khả thi cả.

Trận thua Buriram United của CAHN đem tới rất nhiều suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Ảnh: Đức Cường
Tuy nhiên, có một sự thật cần phải nhìn nhận cho rõ, đó là TTVN đã chạm đến các ngưỡng giới hạn, những cột mốc không dễ gì tái lập. Nghĩa là chúng ta đã lên đến "đỉnh", và nếu thực hiện theo quy trình cũ, thật khó để lập được một đỉnh mới. Sòng phẳng mà nói, không có sự đột phá về công nghệ, phương pháp huấn luyện thì chỉ riêng việc tái lập các kỳ tích cũ cũng đã khó, đừng nói đến việc vượt qua.
Xét trên tất cả các môn thể thao từng có thành tích thế giới, thì có lẽ Billiards, đặc biệt là nội dung carom, chúng ta còn phát triển mạnh, duy trì đẳng cấp hàng đầu thế giới mà không cần phải thay đổi quá nhiều. Nhưng đa số các môn còn lại, không dậm chân tại chỗ thì cũng thụt lùi kể cả khi đang sở hữu thế hệ VĐV tài năng nhất.
Lấy trường hợp của môn bóng chuyền, dù đội nữ đã vô địch châu Á nhưng khả năng thắng Thái Lan 1 trận ở SEA Games để đoạt HCV, hay vượt qua vòng play-off để dự World Cup là gần như không thể. Lý do khá đơn giản, chúng ta đã "dùng hết" những gì có sẵn, như tinh thần, khao khát, vận may …
Dễ thấy nhất là bóng đá nữ. FIFA đã mở rộng số đội dự World Cup từ 32 lên 48, nên việc sắp đến các cô gái của chúng ta dự World Cup có lẽ sẽ "như cơm bữa". Nhưng đừng nhầm lẫn: có mặt thường xuyên không đồng nghĩa với việc chúng ta đã cải thiện thứ hạng trên bản đồ bóng đá nữ thế giới. Thực tế thì từ năm 2001, tức lần đầu vô địch SEA Games đến nay, bóng đá nữ Việt Nam rất thành công, luôn là số 1 Đông Nam Á, nhưng vẫn chưa thể vào được Top 5 châu Á.
Ngay môn từng giúp Việt Nam có HCV Olympic, Cúp thế giới và ASIAD là bắn súng cũng vậy thôi. 2 chiếc huy chương của Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 là kỳ tích, bây giờ vẫn thế. Vì để làm được điều đó, cần hội tụ hàng loạt yếu tố từ sự xuất sắc của xạ thủ, đến kinh nghiệm 20 năm thi đấu của một trong những huyền thoại bắn súng Việt Nam. Hãy nhớ là Hoàng Xuân Vinh tạo kỳ tích khi đã là U40 trong khi tuổi trung bình để thắng HCV Olympic tại môn này là từ 26-30 ….
Chính cái cảm giác của CAHN trong 2 trận chung kết với Buriram có thể giúp chúng ta hình dung về TTVN: Chạm đến nhưng không thể vượt qua. Tiệm cận nhưng vẫn chưa tạo lập được đẳng cấp. Biết rất rõ tầm quan trọng của đẳng cấp nhưng thật khó để biết làm sao có được nó.
3. Khi nói đến chuyện đầu tư trọng điểm để hướng đến các mục tiêu lớn ở ASIAD và đặc biệt là Top 50 Olympic, cần phải nói thẳng về những yếu tố đột phá, khác biệt hoặc thậm chí là chưa từng có trong hoạt động huấn luyện và thi đấu của VĐV. Điều đó đòi hỏi một sự đầu tư lớn và quan trọng hơn cả, là liên tục.
Nhưng nhìn lại, thì phải thẳng thắn thừa nhận TTVN có quá ít nền tảng để "vượt ngưỡng". Ví dụ như hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị tập luyện, trong đó bao gồm chuyên gia cho từng khâu. Thử kể xem: đầu tư mạnh như CAHN nhưng hiện sân thi đấu chính phải chia sẻ với Hà Nội FC dù đó chưa phải là sân bóng hiện đại ở Việt Nam.
Bắn súng Việt Nam thì cũng chỉ mới có trường bắn tiêu chuẩn Đông Nam Á mới 2 năm gần đây để tránh tình trạng "bắn giả". Thể dục dụng cụ thì có huy chương thế giới nhưng muốn nâng tầm thì phải tập huấn nước ngoài khi điều kiện tập trong nước không cao. Điền kinh từng vô địch châu Á nhưng cả Việt Nam không có đường chạy 12 làn.
Một đại đô thị như TP.HCM nhưng khi nhà thi đấu Phú Thọ khởi động để cải tạo, sửa chữa thì xem như cả năm nữa không thể tổ chức được giải quốc tế nào ra trò…Và như đã nói, có lẽ chỉ Billiards là môn duy nhất mà chúng ta có thể tự tin đăng cai các trận đấu tầm cỡ World Cup trên phương diện cơ sở vật chất lẫn thành tích.
Trên một phương diện nào đó, nhiều mục tiêu trong chiến lược 2045 hoàn toàn có thể đạt được vì TTVN vẫn sở hữu nhiều VĐV giỏi và tinh thần thi đấu được xem là lợi thế. Nhưng không thể cứ trông đợi mãi vào các yếu tố ấy, nhất là khi đã đối đầu với những đối thủ có đẳng cấp. Trong sân chơi lớn của thế giới, chúng ta tiến một bước thì đối thủ cũng có thể tiến được nhiều bước. Con đường sẽ rất dài nếu thiếu những đột phá về đầu tư và cả tư duy.
Từ nhiều năm nay, mỗi khi thể thao Việt Nam giành thành tích ấn tượng tại Olympic hay ASIAD, người trong nghề đều hết sức khiêm tốn và chỉ cho rằng đó là câu chuyện vượt khó. Và nếu nhìn vào những gì mà VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam nhận được thì đúng là chuyện vượt khó khi mức đầu tư cho họ thua xa nhiều VĐV ngay trong khu vực Đông Nam Á. Ở cấp trung ương, ngân sách hơn 800 tỷ đồng được cấp cho Cục TDTT mỗi năm lại để chi cho nhiều mảng việc, trong đó có thể thao thành tích cao. Và chỉ riêng kinh phí thi đấu quốc tế từ nguồn ngân sách cấp cho Cục TDTT cũng không đủ đáp ứng yêu cầu nâng tầm cho các môn trọng điểm.
Và nếu theo cách tính của người trong cuộc thì kinh phí thi đấu quốc tế hằng năm của 1 môn trọng điểm cũng không đủ chi cho 1 VĐV trọng điểm của bộ môn ấy nếu xét ở các góc độ về tập huấn, thi đấu quốc tế, dinh dưỡng, hồi phục sau tập luyện, thi đấu... Đó là thực tế và người trong ngành cũng hiểu, đành "liệu cơm gắp mắm". Và khi việc đầu tư cho VĐV trọng điểm còn có khó khăn nhất định thì khó nói chuyện đầu tư mạnh cho các mảng khác dù mảng đó sẽ hỗ trợ đáng kể cho VĐV.
Tags