"Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó"…
"Thai nhi say sóng dưới bụng tàu tập kết/ Suốt 70 năm đời còn mơ thấy dập dềnh"… Chỉ chừng 2 câu thơ như thế, đủ để nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gói cả ký ức về những năm tháng tập kết ra Bắc, ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến nay, đã tròn 50 năm, ngày ông vào Nam sau đại thắng mùa Xuân 1975, nhưng chưa khi nào những ký ức về một thời "ngày Bắc đêm Nam" trong ông vơi cạn…
Và, trong những ngày tháng Tư lịch sử này, từng cảm xúc, từng hình ảnh của 20 năm sống ở vùng tập kết, nối tiếp 50 năm gắn bó và cống hiến cho nghề báo nơi thành phố phương Nam… cứ lần lượt hiện lên trong ông nguyên vẹn, không sót một khoảnh khắc nào.
Tập kết từ trong bụng mẹ
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể, năm 1954, ba mẹ ông từ Cà Mau tập kết ra Bắc. Khi ấy, ông vẫn còn trong bụng mẹ. Ra đến Thanh Hóa, khoảng 2 - 3 tháng sau, ông chào đời trong một đêm mưa rét. Bởi thế, ông vẫn thường nhận mình "tập kết từ trong bụng mẹ". Nhớ về quãng thời gian đầu đời, ông từng viết câu thơ: "Cà Mau say sóng, Thanh Hóa say bờ", như bao trọn nỗi vất vả của gia đình mình trong hành trình lịch sử.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trên tay mẹ lúc mới chào đời năm 1955 tại Thanh Hóa
Đến năm 1955, gia đình ông đoàn tụ tại Hà Nội và lần lượt sống ở khu tập thể báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, rồi ngõ Lý Thường Kiệt. Trước đó, ba ông ra Bắc làm việc ở báo Nhân Dân, trở thành phóng viên của Ban Thống nhất, chuyên theo dõi và viết về miền Nam. Cũng từ đây, cậu bé Huỳnh Dũng Nhân bắt đầu hành trình 20 năm tuổi thơ sôi nổi ở vùng tập kết với đủ các trải nghiệm sơ tán, học năng khiếu, đi bộ đội…
"Thời gian ở miền Bắc, tôi vừa học cùng học trò Hà Nội, vừa đi sơ tán và học với trẻ em địa phương. Nhờ vậy, tôi mới hiểu sâu hơn về miền Bắc, về con người nơi đây. Thời học cấp ba, trẻ em có năng khiếu ở miền Bắc rất được ưu tiên, tôi được tham gia nhiều hoạt động, từ vẽ, bóng bàn, múa cho đến các câu lạc bộ nghi thức thiếu nhi ở Hà Nội" - ông bày tỏ - "10 năm đầu sống ở miền Bắc (1955 - 1965) là những năm tháng ấu thơ sôi động, nơi tôi học hỏi rất nhiều. Dù cuộc sống nghèo khó, nhưng tình cảm luôn ấm áp, không có sự bon chen, ai cũng sống giản dị, như nhau. Đó là ký ức mà tôi mãi ghi nhớ".
Đến năm 1973, Huỳnh Dũng Nhân vào quân ngũ, và vì thể trạng nhỏ bé và nhiều năng khiếu, ông được giao công tác báo tường, liên lạc. Năm 1975, ông thi đỗ vào khoa Văn, Đại học Tổng hợp. Khi miền Nam giải phóng vào ngày 30/4/1975, ba mẹ ông lập tức vào Nam để làm báo. Ông cũng lên đường vào Sài Gòn vào tháng 9/1975.
Và thế là, tròn 20 tuổi, anh sinh viên Huỳnh Dũng Nhân lần đầu tiên được trở về quê hương miền Nam với bao háo hức, thổn thức…
"Đến cầu Hiền Lương, tôi thực sự xúc động. Cây cầu nhỏ bé, mộc mạc, hứng chịu bao bom đạn... Những khẩu hiệu hai bên bờ vẫn còn đó, gợi lên cả một cuộc chiến kéo dài. Khi đặt chân lên cầu và bước qua, tôi biết mình đã về quê, đã về miền Nam - thiêng liêng lắm!".
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân năm 14 tuổi chụp cùng chị Phan Thị Quyên (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) khi đến thăm CLB Thiếu nhi Hà Nội
"Đây rồi… miền Nam đây rồi!", tiếng lòng thổn thức của chàng thanh niên được miền Bắc nuôi nấng, bất giác bật lên.
"Hồi đó, Sài Gòn chỉ có mỗi cây cầu - cầu Sài Gòn - nối liền với xa lộ (nay là xa lộ Hà Nội). Cầu lúc ấy rất cao, không thoai thoải như bây giờ. Khi xe lên đến đỉnh cầu, nhìn sang phía thành phố, tôi sững người: cả thành phố sáng lòa, dù vẫn còn nghèo. Ánh điện lung linh, nhà cửa cao tầng vút lên, mọi thứ khác hẳn" - ông hồi tưởng - "Ngay khoảnh khắc ấy, giữa đỉnh cầu Sài Gòn, nơi cao nhất, tôi bất giác nhớ câu thơ của Lê Anh Xuân: "Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó/ Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về". Thành phố phía trước như một vầng sáng. Một cảm xúc âm thầm dâng lên, vừa đẹp, vừa thiêng liêng, vừa xao xuyến khó tả"…
Cũng từ chính khoảnh khắc này, chàng thanh niên đôi mươi Huỳnh Dũng Nhân chính thức ôm vào lòng mảnh đất phương Nam, sau tròn 20 năm xa cách…
Tình cảm cứ lớn dần
Vào Sài Gòn rồi Huỳnh Dũng Nhân cùng gia đình thăm lại quê nhà 2 bên nội ngoại. Khi về bên nội - Bến Tre, vùng đất cách mạng, vùng đất kháng chiến, nỗi đau mất mát hiện ra rõ rệt. Ông bà nội đã hy sinh từ thời chống Pháp, còn bà con họ hàng thì nhiều người đã ngã xuống trong kháng chiến chống Mỹ. Ấn tượng đầu tiên của ông khi đó là những người thân mang trên người đầy thương tích, những dấu vết chiến tranh hằn rõ trên từng thớ da thịt...
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đi bộ đội năm 1973
Rồi, những "cú sốc văn hóa" cũng liên tiếp đến với Huỳnh Dũng Nhân trong chuyến thăm quê. Ông bỡ ngỡ hỏi từng thứ một: "xe mini là gì? bi-a là gì". Bài hát thì toàn nhạc Tây, nhạc Việt Nam chủ yếu là bolero. Tên đường phố, tên quán xá toàn tiếng Anh, tiếng Pháp… cũng lạ! Giọng miền Nam, ông nghe cũng không quen, liên tục phải hỏi đồ dùng này gọi là gì, phát âm thế nào… Đến chuyện ăn uống cũng vui. Buổi sáng, mấy anh em miền Bắc mới vào cứ cầm cái bánh mì không để "gặm". Bà ngoại thấy vậy liền kêu: "Trời ơi, sao ăn bánh mì không vậy con?" Hồi đó, bà con trong đó không ăn bánh mì không, phải kẹp trứng, thịt ăn chung. Rồi thì thói quen uống cà phê sáng của ông ngoại, anh chàng Huỳnh Dũng Nhân khi đó, cũng thấy lạ!
"Dù nghèo mấy, sáng nào ông cũng ráng dắt thằng cháu mới về đi uống cà phê, rồi giới thiệu khắp xóm: "Nó ở ngoài kia vô, nó về, nó là con của đứa út". Lđó tôi còn mặc nguyên bộ đồ bộ đội. Vì lúc vào Nam đâu có đồ mới, vẫn mặc đồ bộ đội cũ", ông kể.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho hay, có những bỡ ngỡ ban đầu nhưng nhờ tình cảm ruột thịt mà mọi rào cản đều nhanh chóng vượt qua. Hoàn cảnh còn khó khăn vô cùng nhưng tình cảm cứ lớn dần, và mạnh dần lên.
Đặc biệt, nhà báo này còn tiết lộ, ngay trước khi miền Nam giải phóng, 2 bên gia đình đã có những mối liên hệ tình cảm đặc biệt.
Lớp Ngữ văn năm thứ Nhất, Đại học Văn khoa Sài Gòn chụp khoảng năm 1976. Trong ảnh, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ngồi thứ 5 từ trái qua.
"Bắt đầu từ năm 1973, gia đình tôi đã có thông tin từ trong Nam gửi ra, liên lạc được với gia đình bên Bến Tre, bên Rạch Giá. Biết ai còn, ai mất, gia đình như thế nào… Và lúc đó có một sự trùng hợp rất đặc biệt, 2 gia đình xa nhau 20 năm, không hề liên lạc, không biết tin nhau" - ông kể - "Vậy mà, mấy người con trai ở cả 2 bên đều đệm chữ "Dũng" trong tên, như bên nhà tôi là Dũng Nhi, Dũng Nhân… Như thế, 2 phía gia đình tôi ở Nam - Bắc, có lẽ đều có niềm tin vào thắng lợi phía trước, nên chọn cái tên này".
"Văn Bắc, báo Nam"… đều có đủ
Năm đầu sống tại phương Nam, cậu sinh viên đôi mươi Huỳnh Dũng Nhân trải qua không ít bỡ ngỡ. Hồi đó, ông là một trong những sinh viên Văn khoa đầu tiên từ miền Bắc theo học tại TP.HCM. Dáng vẻ ông thời ấy gây chú ý, mặc bộ đồ bộ đội bạc màu, tóc cắt cao, nói giọng Bắc…
"Những tháng đầu, tôi rất ấn tượng bởi các bạn sinh viên trong đó rất tài tử, lịch sự, ga lăng, ăn mặc "bụi" với quần loe, tóc dài, đàn hát giỏi, lại còn rành cả tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Hán. Tôi phục lắm" - ông nhớ lại - "Còn tôi, đá bóng cũng được, đánh bóng bàn thì tốt hơn, chơi được nhiều trò. Rồi, tôi vẽ báo tường đoạt giải Nhất, được bạn học khen. Nhiều sinh viên khoa khác đọc thơ tôi viết trên báo tường, có người còn đứng chép lại… Cứ thế, họ bắt đầu chú ý hơn tới những sinh viên từ Hà Nội, cũng có phần nể hơn".
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thăm lại bệnh viện Thanh Hoá, nơi ông được sinh ra trên đường tập kết ra Bắc
Chưa kể, sau này, nhiều nữ sinh khoa Sử, khoa Ngoại văn… lại "yêu bộ đội", vì thấy bộ đội... đẹp trai. Thời ấy, trong trường có đến mấy chục đôi yêu bộ đội, là chuyện khá phổ biến.
Từ những kết nối như thế, những ngày đầu bỡ ngỡ trên thành phố phương Nam của chàng trai Huỳnh Dũng Nhân đã nhanh chóng được lấp đầy bằng tuổi trẻ và nhiệt huyết tuổi 20.
Vốn là cán bộ đoàn, ông tích cực tham gia các hoạt động. Bên cạnh lao động, văn nghệ, thể thao, ông còn say mê viết văn, viết báo. "Lúc đó chỉ có khoảng 4 - 5 tờ báo sau giải phóng, tôi cộng tác hết. Tôi cũng được gọi là cây bút, được họ mời cộng tác thường xuyên. Tôi trở thành hội viên Hội Nhà văn TP.HCM ngay từ những năm đầu tiên, cho nên tôi đã viết văn từ hồi ấy…", ông tâm sự.
Cho tới nay, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã trở thành một tên tuổi lớn của làng báo Việt Nam, ông được nhiều bạn nghề thân thiết gọi là "vua phóng sự" với sự nghiệp đồ sộ hơn 40 năm đi, yêu và viết. Giờ đây, ở tuổi 70, nhìn lại chặng đường đã qua, ông vẫn luôn thầm biết ơn những năm tháng được sống và viết trong những dấu mốc lớn của lịch sử đất nước. Những năm tháng từng sống và vượt qua khói lửa chiến tranh, qua sự khắc nghiệt của một giai đoạn lịch sử đã cho ông có được những trải nghiệm quý giá làm hành trang cho cuộc sống sau này.
"Cảm hứng viết của tôi dày lắm, vì tôi bắt đầu viết từ rất sớm. Vốn sống của tôi trải dài gần như khắp cả nước, văn Bắc, báo Nam, tôi đều có đủ" - ông giãi bày - "Tôi hiểu cách viết của người miền Bắc, thấm cả đặc tính người miền Bắc; rồi về phương Nam, tôi lại học được cái hay của bà con. Tôi lại có máu xê dịch thành ra, mọi ưu điểm của từng vùng miền, tôi đều hấp thụ được, thấm dần vào mình".
Nhà báo lão luyện này cho rằng, tác phẩm của ông có hơn ai không thì chưa chắc, nhưng ông luôn cố gắng đi nhiều hơn, viết nhiều hơn, viết nhanh hơn, chịu khó lăn lộn hơn. Thời ông, nhiều người e dè, chưa muốn dấn thân, còn ông cứ hùng hục đi, nay đây mai đó, đi suốt. Đó là một tố chất riêng của Huỳnh Dũng Nhân.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bên tấm bia kỷ niệm nơi đã đón cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc ở Thanh Hóa từ tháng 10/1954 - tháng 5/1955
"Tôi có những lợi điểm: được học cả văn lẫn báo, được sống cả 3 miền, gia đình toàn nhà văn, nhà báo. Hơn nữa, từ nhỏ tôi đã có năng khiếu, lại được đào tạo nhiều thứ nên ngay những năm đầu đi học, tôi đã có tác phẩm" - ông chia sẻ - "Sau này, tôi trở thành giảng viên báo chí, dạy môn phóng sự điều tra. Giai đoạn giảng dạy cũng là lúc tôi học thêm rất nhiều điều từ người khác, tự mình rèn giũa mỗi ngày. Gặp ai hay, tôi học người đó".
Thêm nữa, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cũng nhấn mạnh, ông may mắn sống đúng vào những giai đoạn sôi động nhất của đất nước, nhất là thời kỳ Đổi mới. Đề tài lúc ấy ngồn ngộn, không cần phải đi đâu xa cũng có cái để viết.
"Làm báo thời đó mà không giỏi mới lạ. Cuộc sống đưa mình đến với đủ mọi vấn đề gai góc của xã hội, không thể nào nhạt nhẽo được. Phải đi thôi, phải viết thôi, phải dấn thân thôi. Cứ thế, mọi người bảo tôi như thể sinh ra để làm báo" - ông tâm sự - "Còn tôi lại thành thực, tôi sợ rảnh, sợ lười. Lúc nào cũng phải nghĩ ra việc để làm. Có cái thành công, có cái không, nhưng ít nhất, tôi tích lũy được một gia tài của riêng mình".