Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh. Dự kiến, nếu được ban hành, thông tư này sẽ thay thế Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT (hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông), từng ban hành năm 1988.
Đáng nói, trong dự thảo này, các hình thức kỷ luật vốn có trong mục III của Thông tư cũ như cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần, đuổi học 1 năm... không còn được áp dụng. Thay vào đó, các hình thức kỷ luật mới bao gồm nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Nhìn lại, các hình thức kỷ luật như đuổi học, cảnh cáo trước toàn trường là lựa chọn được áp dụng trong một giai đoạn đặc thù. Ở mức độ nhất định, chúng cũng từng phát huy tác dụng trong bối cảnh cần tới sự nghiêm khắc để kiểm soát khuôn khổ, hành vi của học sinh - nhất là chiếu theo nhu cầu đề cao tính răn đe trong việc đảm bảo kỷ cương.

Tranh minh hoạ. Nguồn: thuvienphapluat.vn
Nhưng, sau gần 40 năm, xã hội hôm nay đã khác. Ở đó, trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức và mà còn uốn nắn hành vi. Hơn nữa, giáo dục phải xét tới việc bồi đắp nhân cách, hiểu được động lực các hành vi sai lầm và đồng hành cùng quá trình thay đổi.
Đã có những ý kiến băn khoăn rằng những hình thức kỷ luật mới có phần hơi nhẹ. Nhưng hãy nhìn rõ: Nếu chỉ tạo ra sự sợ hãi, mà không khơi dậy được trách nhiệm tự thân, mục tiêu của giáo dục cũng chưa thể hoàn thành.
Bởi thế, những thay đổi dự kiến không hẳn là sự nương tay. Đó là gợi mở cho cách tiếp cận cao hơn: Làm sao để thay đổi hành vi học sinh bằng sự thuyết phục và khơi gợi?
Nói cách khác, Thông tư mới tạo điều kiện - và yêu cầu - nhà trường xây dựng những "phương án mềm", cũng như trao cho giáo viên quyền chủ động nhiều hơn trong việc giáo dục các em.
Không còn hình thức "cảnh cáo trước toàn trường", nhà trường sẽ phải tìm ra những cách thức giáo dục mà không gây tổn thương cho học sinh. Không còn đuổi học 1 tuần hoặc 1 năm, các thầy cô sẽ phải dõi theo tiến trình thay đổi của một học sinh đến cùng, thay vì đẩy các em ra khỏi môi trường học tập.
Có nghĩa, dự thảo Thông tư mới không làm nhẹ đi trách nhiệm xử lý vi phạm, mà khiến ngành giáo dục phải chuyển mình từ xử phạt sang đồng hành.
Với mỗi học sinh, một bản kiểm điểm được viết bằng sự suy nghĩ và ân hận tự thân - với sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, và gia đình - có thể sẽ mang giá trị cao hơn nhiều lần so với một "án phạt" đuổi học hay cảnh cáo trước toàn trường. Bởi nếu kỷ luật là một phần của quá trình giáo dục, nó phải tạo ra được cơ hội sửa sai - chứ không đẩy học sinh vào mặc cảm hoặc những cảm xúc tiêu cực với môi trường sư phạm.
***
Ở góc độ khác, sự thay đổi trong cách kỷ luật học sinh cũng mở ra một câu chuyện khác: Gia đình không thể giữ tâm lý "khoán" hẳn việc giáo dục trẻ em cho nhà trường.
Tại đó, phụ huynh cần hiểu rằng: Việc con mình không bị đuổi học không có nghĩa là không cần quan tâm. Khi nhà trường chọn cách xử lý mềm mỏng hơn, đó chính là lúc gia đình cần gần gũi, chia sẻ - và thậm chí cùng ngồi lại với thầy cô để giúp học sinh trưởng thành sau một sai lầm.
Bởi, việc thay đổi hình thức kỷ luật cũng nhắc chúng ta nhớ rằng: Mọi sai phạm không giống nhau, và không phải học sinh nào cũng cần "uốn nắn" bằng một khuôn mẫu chung. Mỗi trường hợp cần được nhìn nhận đầy đủ, với sự quan tâm từ người lớn, để chọn đúng cách giáo dục.
Một học sinh mắc lỗi không đáng sợ bằng việc một người lớn từ chối trách nhiệm đồng hành cùng các em. Cũng như, một nền giáo dục tiến bộ không nằm ở số lượng hình phạt, mà nằm ở cách chúng ta giúp học sinh sửa lỗi và trưởng thành.
Tags