Tiểu thuyết đồ họa (graphic novel) đang dần trở thành phương tiện hiệu quả để chuyển tải những sự kiện lịch sử dưới góc nhìn giàu cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật, không hề thua kém các thể loại văn học truyền thống.
Một minh chứng nổi bật là bộ đôi tác phẩm Kí ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến II và Chân đăng - Phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới (NXB Kim Đồng), vừa được ra mắt tại Hà Nội. Cả 2 cuốn đều thuộc thể loại tiểu thuyết đồ họa, do họa sĩ Pháp gốc Việt Clément Baloup sáng tác.
Sức mạnh của tiểu thuyết đồ họa
Clément Baloup sinh năm 1978, có mẹ người Pháp và cha là Việt kiều Pháp. Nhiều năm gần đây, anh chuyên tâm nghiên cứu và tái hiện lại những lát cắt lịch sử ít được biết đến của cộng đồng người Việt Nam xa xứ thông qua thể loại tiểu thuyết đồ họa.
Cụ thể, Lính thợ kể về số phận những người lao động Việt Nam bị trưng tập sang Pháp trong Thế chiến II (1939 - 1945). Họ được gọi là "lính thợ" khi vừa làm việc trong các nhà máy quân sự, vừa phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, chịu nhiều thiệt thòi về thân phận, quyền lợi. Trong khi đó, Chân đăng đưa người đọc quay về gần 1 thế kỷ trước, khi hàng nghìn nông dân Việt Nam rời bến Hải Phòng, vượt đại dương đến các quần đảo xa xôi ở châu Đại Dương làm phu mỏ.

Từ trái qua phải: Dịch giả Phùng Hồng Minh, nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long, họa sĩ Clément Baloup và phiên dịch viên trong buổi ra mắt “Kí ức kiều bào” tại Hà Nội
Dù ở 2 bối cảnh khác nhau, cả 2 tác phẩm đều tái hiện chân thực và cảm động về cuộc đời những người Việt Nam nơi đất khách. Họ là những con người mang trong mình phẩm chất điển hình của dân tộc: Cần cù, dũng cảm, không khuất phục nghịch cảnh và luôn hướng về cội nguồn.
Clément Baloup lựa chọn tiểu thuyết đồ họa để kể lại những lát cắt quá khứ phức tạp của một cộng đồng từng bị lãng quên trong dòng chảy lịch sử. Quyết định này không chỉ đến từ cá nhân sáng tạo, mà còn từ hành trình trải nghiệm nghệ thuật của chính anh.
"Trước đây, tôi học mỹ thuật tại trường Mỹ thuật Angoulême (Pháp), sau đó có thời gian học tại trường Mỹ thuật Yết Kiêu (Hà Nội) vào cuối thập niên 1990, đầu 2000. Đó cũng là giai đoạn truyện tranh Pháp có sự chuyển mình mạnh mẽ" - anh chia sẻ - "Trước kia, truyện tranh chủ yếu dành cho trẻ em. Nhưng từ thời điểm ấy, nó đã phát triển thành graphic novel (tiểu thuyết đồ họa), một hình thái mới mang tính văn học, sáng tạo và suy tư sâu sắc hơn. Điều đó truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi".
Tác giả nhấn mạnh: Khi lựa chọn tiểu thuyết đồ họa làm phương tiện kể chuyện, điều quan trọng không chỉ nằm ở việc tái hiện một sự kiện lịch sử, mà còn là khả năng khắc họa tâm thế, cách nghĩ và cách ứng xử của con người trong bối cảnh thời gian đó.
"Chúng ta không thể dùng hoàn toàn những tư duy hay thước đo của hiện tại để phán xét quá khứ, hay đặt ra câu hỏi kiểu như: Nếu là tôi, tôi sẽ hành động khác. Tại sao họ lại làm vậy?" - anh chia sẻ - "Điều cốt lõi của truyện tranh và tiểu thuyết đồ họa là giúp chúng ta bước vào một không gian cụ thể của lịch sử, hiểu con người ở thời điểm đó, tâm lý, hoàn cảnh, và cả những lựa chọn mà họ phải đối mặt".
Theo họa sĩ, sức mạnh đó khiến tiểu thuyết đồ họa trở thành một công cụ quý giá để tiếp cận lịch sử một cách toàn diện hơn. Không chỉ kể lại quá khứ, nó còn mở ra một cái nhìn sâu sắc, cảm thông và khách quan hơn khi phân tích và đánh giá lịch sử từ góc nhìn của người hôm nay.

Hai cuốn của bộ truyện “Kí ức kiều bào” (NXB Kim Đồng) gồm “Lính thợ” và “Chân đăng”
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Tiểu thuyết đồ họa đang chứng tỏ là một hình thức tự sự có sức mạnh riêng, có khả năng bù đắp cho những giới hạn của các hình thức tự sự truyền thống lâu nay. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của thể loại này trong việc phản ánh những vấn đề gai góc như nạn phân biệt chủng tộc, việc bị gạt ra ngoài lề của các cộng đồng thiểu số trong nền văn hóa dòng chính.
"Ở những điểm đó, các tác giả văn học đã sử dụng tiểu thuyết đồ họa như một phương tiện hiệu quả để thể hiện những vấn đề nhạy cảm, vốn rất khó truyền tải nếu chỉ bằng ngôn từ thuần túy" - ông phân tích - "Hình thức này giúp câu chuyện trở nên sinh động, dễ tiếp cận, đồng thời chạm đến được nhiều tầng lớp độc giả".
Nhà nghiên cứu này cũng khẳng định, thế mạnh của tiểu thuyết đồ họa không chỉ nằm ở khả năng "làm mềm" vấn đề, mà còn ở sức mạnh biểu đạt đặc biệt của hình ảnh và màu sắc. Ông nói: "Tiểu thuyết đồ họa, nhờ sự kết hợp độc đáo giữa lời và hình, đã giúp truyền tải những vấn đề gai góc, thậm chí là nghiêm trọng trong đời sống một cách đầy nhân văn và thuyết phục".
Gia thăng chiều kích cảm xúc
"Nếu chúng tôi không kể lại, chúng ta sẽ mất đi một phần ký ức tập thể. Qua tác phẩm, chúng tôi chỉ đơn giản là tạo điều kiện để những người từng là lính thợ được cất tiếng" - Clément Baloup.
Từ trải nghiệm sáng tác, họa sĩ Clément Baloup cho rằng: Một trong những giá trị quan trọng của thể loại tiểu thuyết đồ họa chính là khả năng góp phần hoàn thiện bức tranh lịch sử với những mảnh ghép còn thiếu.
"Ví dụ, trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp từ thế kỷ 19 - 20, các câu chuyện được kể trong tác phẩm của tôi giúp soi sáng thêm nhiều góc khuất của lịch sử. Với tư cách là người sáng tác, tôi cho rằng khi mình còn thời gian, còn sức lực và khả năng, thì đó cũng là lúc mình phải thực hiện "nghĩa vụ ký ức" - anh bày tỏ - "Bởi vì nếu không, ký ức sẽ phai nhạt dần, và rất nhiều thông tin, rất nhiều mảnh đời sẽ mãi mãi bị lãng quên".
Theo họa sĩ, việc giữ gìn ký ức không chỉ là một trách nhiệm nghề nghiệp mà còn là cuộc chạy đua với thời gian. Anh dẫn chứng: "Trong cuốn Lính thợ, có rất nhiều nhân chứng từng trực tiếp tham gia đã qua đời kể từ khi sách ra mắt. Nếu chúng ta không kịp ghi lại lời kể, hình ảnh, tư liệu của họ vào đúng thời điểm ấy, thì toàn bộ ký ức đó sẽ biến mất, không thể phục dựng lại".
"Câu chuyện về những người lính thợ, lực lượng từng bị đưa sang Pháp trong thời kỳ chiến tranh, phần lớn vẫn nằm ngoài sách giáo khoa hoặc các ghi chép chính thống. Đó là những mảnh đời tản mạn, bình dị, không gắn với chiến công hay vinh quang như hình ảnh người anh hùng thường thấy trong văn học" - họa sĩ phân tích - "Nhưng chính vì thế, họ lại càng xứng đáng được nhắc nhớ. Nếu chúng tôi không kể lại, chúng ta sẽ mất đi một phần ký ức tập thể. Qua tác phẩm, chúng tôi chỉ đơn giản là tạo điều kiện để những người từng là lính thợ được cất tiếng".

Phác thảo của họa sĩ Clément Baloup khi sáng tác cuốn Chân đăng
Mặt khác, theo họa sĩ, bên cạnh giá trị ghi chép lịch sử, tiểu thuyết đồ họa còn sở hữu một thế mạnh nổi bật: Khả năng tái hiện không gian và cảm xúc bằng ngôn ngữ hình ảnh.
Anh cho rằng, việc vẽ không đơn thuần để "tả thực" giống như ảnh hay tài liệu lưu trữ. Thay vào đó, tiểu thuyết đồ họa mở ra không gian cho trí tưởng tượng và sự sáng tạo - những điều mà hình thức nghiên cứu truyền thống khó có thể truyền tải.
"Khi mới bắt đầu sáng tác, tôi đã không có xu hướng tả thực tuyệt đối. Tôi không muốn vẽ lại một cảnh như ảnh chụp, mà muốn tái hiện lại cảm giác, không khí của không gian ấy, điều đó với tôi quan trọng hơn nhiều. Nếu vẽ quá tả thực, nó sẽ triệt tiêu khả năng tưởng tượng và làm mất đi sự tự do sáng tạo" - anh lý giải - "Vì vậy, tôi sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: màu nước, acrylic, bút chì, các kỹ thuật vẽ trừu tượng, để gợi mở, chứ không ràng buộc vào hiện thực".
Dù sử dụng ngôn ngữ hội họa giàu tính biểu cảm, quá trình sáng tác của họa sĩ Clément Baloup vẫn bắt đầu bằng sự nghiên cứu nghiêm túc: "Tôi phải tiếp cận rất nhiều kho lưu trữ, từ cấp tỉnh, thành phố cho tới quốc gia tại Pháp, như một nhà nghiên cứu thực thụ. Sau khi tích lũy đủ dữ liệu và hình dung rõ bối cảnh, tôi mới bắt đầu vẽ".
Anh cũng chia sẻ, mình thường khai thác các yếu tố từ chủ nghĩa ấn tượng và biểu hiện để khơi dậy những lớp cảm xúc khác nhau: Có thể là những nét mờ gợi lại thời khắc khó khăn, hay những bông hoa tượng trưng cho một ký ức hạnh phúc.
Và, chính sự "gợi mở" này lại mang đến tính chân thực riêng biệt cho tác phẩm. "Tôi từng cho các nhân vật thật trong sách xem lại tranh minh họa, đôi khi chỉ là vài chấm nét trừu tượng và họ lại nhận ra ngay nơi chốn, không khí, thần thái mình từng trải qua. Điều đó khiến tôi tin rằng nghệ thuật không nhất thiết phải mô tả, mà nên khơi gợi" - anh chia sẻ.
Một giá trị quan trọng khác của tiểu thuyết đồ họa, theo họa sĩ, chính là khả năng bổ sung chiều kích cảm xúc cho những chủ đề vốn nặng về dữ kiện. Anh cho rằng: "Trong việc tìm hiểu lịch sử, dĩ nhiên chúng ta cần đến các công trình nghiên cứu khoa học, các tư liệu của giới sử học, nhà báo. Nhưng tiểu thuyết đồ họa lại có thể chuyển tải những câu chuyện ấy bằng một thứ ngôn ngữ mang tính cảm xúc, gần gũi, dễ chạm đến trái tim người đọc hơn.
Chúng tôi, những người sáng tác và các nhà khoa học luôn bổ sung cho nhau. Không ai có thể nói hết mọi điều, nhưng mỗi người có thể nói theo cách riêng của mình" - anh khẳng định.
Về họa sĩ Clément Baloup
Sinh ra ở Pháp, sau khi học thiết kế tại Marseille, anh theo học mỹ thuật tại Trường Mỹ thuật Angoulême (Pháp) và Đại học Mỹ thuật Hà Nội (Việt Nam).
Clément là tác giả của một số truyện tranh về chủ đề phiêu lưu và lịch sử. Các tác phẩm của anh đã được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ngoài truyện tranh, anh còn là họa sĩ minh họa báo chí. Các tác phẩm của anh đã gặt hái được nhiều giải thưởng uy tín như Giải Ban giám khảo bầu chọn tại Liên hoan Truyện tranh quốc tế Angoulême năm 2011 và Giải thưởng Bác sĩ không biên giới tại Clermont-Ferrand.
Tags