Kinh tế tư nhân trong thể thao: Khi nào làm đầu tàu?

Thứ Năm, 15/05/2025 05:45 GMT+7

Google News

Là lĩnh vực xã hội hóa sớm nhất, nhưng so với giáo dục và y tế, tiến trình phát triển kinh tế tư nhân trong thể thao gần như dậm chân một chỗ. Nghịch lý còn ở việc, kinh tế tư nhân không chỉ được xem là quan trọng nhất, mà còn mang tính cốt lõi của thể thao chuyên nghiệp. Không có nhiều rào cản hoặc các quy định ràng buộc, nhưng "đầu tàu" kinh tế tư nhân trong thể thao dường như chưa bao giờ… khởi hành.

Hay thử kể tên một doanh nghiệp thể thao lớn của Việt Nam? Dễ đoán nhất, có lẽ chỉ mỗi Tập đoàn Động Lực của ông Lê Văn Thành. Như vậy, ngay cả lĩnh vực có yếu tố kinh tế tư nhân nhất là sản xuất sản phẩm phục vụ thi đấu cũng không có nhiều doanh nghiệp lớn.

Thế nên những địa hạt như tiếp thị thương mại, tổ chức thi đấu, kinh doanh bản quyền, bảo hiểm, du lịch, truyền thông chuyên về thể thao… gần như vắng bóng các doanh nghiệp tên tuổi, thậm chí ngay cả số lượng các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này cũng vô cùng ít ỏi, nếu có cũng là đa ngành chứ không chuyên biệt thể thao.

Ở một tầm vóc lớn hơn là đầu tư thể thao thì lại càng hiếm. 30 năm trước, bầu Hưng đã từng xây dựng hẳn một trung tâm thể thao Thành Long có chất lượng Đông Nam Á . Đó là một tổ hợp đẳng cấp dành cho bóng đá, bơi lội, quần vợt với dịch vụ khép kín từ lưu trú đến hồi phục sau tập luyện. Thật đáng tiếc, cho đến nay đó vẫn là "cú đầu tư" đầu tiên và duy nhất của tư nhân vào hoạt động kinh doanh "dịch vụ bất động sản thể thao" ở góc độ sở hữu hoàn toàn.

Sẽ không thể có một nền kinh tế thể thao nếu không tồn tại lĩnh vực đầu tư trong các hoạt động liên quan đến kinh doanh thể thao. Nghĩa là phải xem thể thao là ngành kinh doanh chính, bỏ vốn lớn và thu lợi dài hạn. Có như vậy thì doanh nghiệp mới tận tâm, sáng tạo trong kinh doanh thể thao.

Kinh tế tư nhân trong thể thao: Khi nào làm đầu tàu? - Ảnh 1.

Tập đoàn Động Lực là một doanh nghiệp tư nhân đã có nhiều năm gắn bó với thể thao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Thế nhưng, hoạt động đầu tư phổ biến nhất vẫn chủ yếu là phục vụ cho các lợi ích cục bộ, ví dụ như đầu tư sân tập, khu đào tạo, huấn luyện của CLB mình. Thương vụ đầu tư lớn nhất mới xuất hiện gần đây khi gia đình doanh nhân Đặng Hồng Anh xây dựng tổ hợp Pickleball tại TP.HCM nhằm phát triển môn chơi thời thượng này. Tuy nhiên, về hình thức vẫn mang tính chất cục bộ, hoặc phục vụ cho mục đích khác chứ chưa chắc đơn thuần là thể thao.

Cũng gần 30 năm trước, ở Việt Nam khi đó có 2 Công ty chuyên về tiếp thị thể thao khá tên tuổi. Đầu tiên là Công ty Á Vận của cựu Phó Tổng thư ký – trọng tài quốc tế Trần Văn Nghĩa, chuyên môi giới và tổ chức các giải đấu đỉnh cao của bóng chuyền, bơi và quần vợt. Công ty thứ 2, là Strata, một doanh nghiệp nước ngoài, là những người tham gia "khai sinh" V-League thông qua việc "thầu" thương quyền giải đấu này trong 3 mùa đầu tiên với giá 2 triệu USD. Á Vận thì dừng hoạt động sau khoản 10 năm kinh doanh, trong khi đó Strata dần "lặng lẽ" hơn. Có tin cho biết họ đứng đằng sau CLB bóng đá TP.HCM và trung tâm đào tạo có liên kết với Juventus ở Bà Rịa Vũng Tàu.

Tóm lại, có sự khởi đầu khá sớm và rõ nét, nhưng hoạt động của kinh tế tư nhân trong thể thao lại có xu hướng thu hẹp hoặc mất phương hướng trong bối cảnh mà kinh tế thể thao bùng nổ với quy mô toàn cầu lên đến 3.000 tỷ USD, hình thành một ngành công nghiệp chuyên biệt và luôn tăng trưởng nhờ sự phát triển của các nền tảng trực tuyến.

Có lẽ, "mảnh đất" duy nhất mà kinh tế tư nhân đang phát triển ổn định và nhiều tiềm năng vươn xa là E-sports. Tuy nhiên, ngay cả môn này còn lâu mới hình thành những thương hiệu lớn như các lĩnh vực kinh doanh khác.

Thế nên, thay vì hỏi khi nào mới có kinh tế thể thao, thì hãy tập trung vào việc làm sao để đầu tư kinh tế tư nhân thực sự nổ máy và… chạy.

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›