Mốc son 300 ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn

Thứ Sáu, 16/05/2025 20:08 GMT+7

Google News

Ngày 16/5, tại thành phố Quy Nhơn, Tỉnh ủy Bình Định phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Hội thảo khoa học “Bình Định 300 ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam hoàn thành việc chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn”. 

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, các đồng chí nguyên là cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tại hội thảo, ông Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Sự kiện 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn (1954-1955) là một mốc son đầy tự hào trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của đất nước sau Hiệp định Geneva năm 1954, với phương châm sách lược mới, nhiệm vụ mới phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, nhưng “mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”, “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định công tác tập kết lực lượng, đưa cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam ra miền Bắc là một nhiệm vụ chính trị, quân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Mốc son 300 ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn - Ảnh 1.

Đ/c Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đình Quân - TTXVN

Trước yêu cầu thiêng liêng của cách mạng, suốt 300 ngày triển khai công tác chuyển quân, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh, đồng bào yêu nước đã tạm biệt quê hương, gia đình, chấp nhận gian khổ, vượt biển ra Bắc mang theo khát vọng độc lập, thống nhất non sông, cùng ý chí sắt đá “ra đi để trở về” với nhân dân, với cách mạng, với quyết tâm tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài vì mục tiêu độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Tại hội thảo các đại biểu đã đóng góp ý kiến, tham luận, làm sáng rõ thêm những giá trị lịch sử, chính trị, quân sự, văn hóa của sự kiện đặc biệt này. Các đại biểu khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về giá trị to lớn của cuộc chuyển quân tập kết mà còn hiểu thêm về sự cống hiến âm thầm, bền bỉ của nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Bà Trần Lệ Thu, 85 tuổi, học sinh miền Nam, xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ rất rõ chuyến đi ra Bắc bởi nó rất vất vả, không chỉ gặp nhiều khó khăn để có thể ra được tàu lớn, nhưng khi tàu chạy lại bị ảnh hưởng của bão xa, lắc lư liên tục, nhiều người bị say sóng. Sau nhiều ngày trên biển, tàu mới cập cảng ngoài Bắc. Khi đến nơi được các bà, các mẹ đón tiếp rất nhiệt tình. Những tình cảm của người dân miền Bắc đã giúp cho học sinh miền Nam chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ nhà, cố gắng học tập để có thể góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Ông Phan Đình Nham, 83 tuổi cho biết, học sinh miền Nam cho biết, “khi tập kết ra Bắc tôi mới 12 tuổi, tuy còn nhỏ nhưng rất cảm động khi được bà con tại Thanh Hóa đón tiếp nhiệt tình. Là học sinh miền Nam thì được ăn uống theo chế độ của Đảng và Nhà nước, bà con ở đó đói khổ lắm, chỉ có khoai sắn nhưng cũng chia sẻ cho học sinh miền Nam, nếu không có nhân dân miền Bắc thì không có chúng mình hôm nay”.

Mốc son 300 ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đình Quân - TTXVN

Các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử và ý kiến phát biểu tại hội thảo đều thống nhất nhận định: Chủ trương đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc là quyết định lịch sử, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện Hiệp định Geneva, hai bên có thời gian 300 ngày (22/7/1954 - 17/5/1955) để chuyển quân tập kết ra Bắc và Nam vĩ tuyến 17.

Tại Trung Bộ, tỉnh Bình Định vinh dự được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn là khu vực 300 ngày để các lực lượng vũ trang, chính trị trên địa bàn Liên khu V tập kết ra miền Bắc và cảng Quy Nhơn là địa điểm duy nhất được chọn làm nơi tập kết của toàn Liên khu V.

Đây không chỉ là việc thực hiện nghiêm túc Hiệp định Geneva, mà còn là những quyết sách quan trọng về quản lý, đãi ngộ, sử dụng và đào tạo đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, vừa đóng góp cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước sau này.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đợt tập kết ở vùng Trung Bộ tại Quy Nhơn (Bình Định) là cuộc chuyển dịch lực lượng to lớn cho cách mạng Việt Nam, sự kiện có tầm vóc và ý nghĩa quan trọng trong lịch sử dân tộc nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Đó là kết quả của tinh thần yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của mỗi người dân Việt Nam. Sự kiện đã để lại nhiều kinh nghiệm, nhiều bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; tạo tiền đề và động lực để dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Định nói riêng vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Mốc son 300 ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn - Ảnh 4.

GS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đình Quân - TTXVN

Đình Quân/TTXVN

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›