Nâng cao chất lượng thể thao học đường: Cần tiếp tục đổi mới về phương pháp thực hiện

Thứ Tư, 14/05/2025 05:24 GMT+7

Google News

Trong một hội nghị gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gợi ý cho ngành giáo dục việc mời ca sĩ, nhạc sĩ, vận động viên hay họa sĩ giỏi trực tiếp đứng lớp giảng cho học sinh. Gợi ý này mở ra một hướng đi mới để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học.

Thể thao học đường ngày càng có vai trò quan trọng

Thời gian qua, thể thao học đường được đánh giá đóng vai trò cốt lõi trong chiến lược phát triển giáo dục toàn diện, ngoài việc giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, còn góp phần xây dựng lối sống lành mạnh và phát triển kỹ năng. Trong quá trình đổi mới giáo dục, việc gắn kết thể thao với chương trình giảng dạy chính khóa là bước tiến quan trọng. Thể thao học đường không chỉ tạo ra môi trường học tập năng động mà còn trở thành công cụ nâng cao hiệu quả giảng dạy. Tham gia các hoạt động thể thao giúp học sinh rèn luyện thể chất, nâng cao sức bền và ý chí vượt khó, đồng thời phát triển những kỹ năng mềm như tinh thần đồng đội, tính kỷ luật và khả năng làm việc nhóm.

Thể thao học đường là một trọng tâm cần được phát triển trong bối cảnh đổi mới toàn diện giáo dục. Việc gắn kết giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ và kỹ năng sống với giáo dục thể chất đã trở thành ưu tiên quan trọng nhằm nâng cao tầm vóc và giá trị con người Việt Nam. Giáo dục đào tạo phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển học sinh cả về Đức - Trí - Thể - Mỹ. Thể thao học đường không còn là phần bổ trợ, mà đã trở thành một yếu tố cốt lõi trong chiến lược đổi mới giáo dục. Từ việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, phát triển các kỹ năng mềm, đến tạo điều kiện hội nhập quốc tế, thể thao học đường đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện và hiện đại.

Theo số liệu của ngành giáo dục và đào tạo, công tác giáo dục thể chất và hoạt động TDTT trong trường học đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện có hơn 95% số trường học trên cả nước đã thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa, 75% số trường có hoạt động TDTT ngoại khóa và số học sinh, sinh viên tham gia tập luyện TDTT ngoại khóa đạt hơn 70%. Trong quá trình xây dựng chương trình môn học Giáo dục thể chất đã từng bước được mở rộng, trong đó, có các nội dung tự chọn, có sự liên thông giữa các bậc học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy môn học Giáo dục thể chất đã có nhiều đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp, cung cấp được một phần về kiến thức, kĩ năng vận động, hình thành thói quen tập luyện TDTT cho học sinh và xây dựng lối sống lành mạnh, giáo dục đạo đức, ý chí; giúp học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào hoạt động thường ngày, nhằm nâng cao sức khỏe và hoàn thiện thể chất...

Nhìn từ Hội khỏe Phù Đổng lần X được tổ chức vào năm 2024, 20.000 VĐV ở lứa tuổi học sinh và cán bộ của 63 tỉnh, thành phố tham gia tranh tài ở 15 môn. Ngoài ra, Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13, quy tụ 1.300 VĐV học sinh, HLV đến từ 10 quốc gia trong khu vực. Đoàn VĐV chủ nhà xuất sắc dẫn đầu toàn đoàn với tổng cộng 92 huy chương, trong đó có 44 HCV, 31 HCB, 17 HCĐ, lập 9 kỷ lục đại hội ở môn bơi.

Nâng cao chất lượng thể thao học đường: Cần tiếp tục đổi mới về phương pháp thực hiện - Ảnh 1.

Thi đấu môn Thể dục Aerobic trong khuôn khổ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X. ẢNH: TTXVN

Những thống kê nêu trên cho thấy, chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học các năm gần đây có nhiều tín hiệu đáng mừng. Không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích và lý thú cho học sinh, nơi các em vượt qua những giới hạn của bản thân, vươn tới tinh thần thể thao cao thượng. Đây cũng là dịp để lan tỏa phong trào tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh và phát triển thể thao trên toàn quốc.

Cần tiếp tục đổi mới để phát triển mạnh mẽ hơn

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, không phủ nhận công tác giáo dục thể chất trong trường học đã đổi mới nhưng vẫn tồn tại vấn đề về cơ sở vật chất, lực lượng giáo viên, giảng viên còn hạn chế, chưa phát huy đam mê, sở thích của học sinh. Từ đó, dẫn đến sự phát triển thiếu đồng bộ phong trào thể thao trường học ở các địa phương trên cả nước. Theo chia sẻ của một nhà quản lý mảng thể thao cho mọi người của Cục TDTT Việt Nam, thể thao học đường gặp không ít khó khăn trong việc phát triển mạnh mẽ, đồng đều vì điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, lực lượng giáo viên, hướng dẫn viên giáo dục thể chất trong mỗi trường ở mỗi địa phương là khác nhau. Hạn chế này dẫn đến việc tạo ra nhiều sự lựa chọn cho học sinh tham gia tập luyện các môn thể thao của môn học Giáo dục thể chất cũng có nhiều trở ngại. Từ đó, tác động không nhỏ tới chất lượng công tác giáo dục thể chất.

Gợi ý của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc mời VĐV đến trường học dạy thể thao cho học sinh không chỉ tháo gỡ những khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên, giảng viên giáo dục thể chất cho ngành giáo dục bằng cách huy động nguồn lực từ bên ngoài nhà trường, đồng thời, mở ra hướng đi mới để phong trào thể thao trong trường học tiếp tục nâng cao chất lượng và tạo niềm hứng khởi cho các em học sinh tham gia. Hiện tại, thể thao Việt Nam có rất nhiều VĐV ngoài giỏi chuyên môn, còn là tấm gương vượt khó trong cuộc sống, tập luyện và thi đấu để giành vinh quang cho nước nhà, đã và đang là thần tượng của không ít em nhỏ. Nếu trong một ngày không xa, số VĐV này trở thành những người thầy, những người bạn đồng hành của các em trong các giờ giáo dục thể chất hoặc ở CLB thể thao trong trường học, chắc chắn phong trào thể thao học đường sẽ tiếp tục phát triển.

Ở góc độ khác, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường sẽ góp phần hướng tới ươm mầm tài năng cho thể thao thành tích cao. Nền tảng từ thể thao quần chúng, đặc biệt là hoạt động giáo dục thể chất, các cuộc thi, phong trào thể dục thể thao trong nhà trường chính là chân đế vững chắc nhất cho sự phát triển của thể thao thành tích cao, dễ thấy ở nhiều quốc gia phát triển ở châu Á và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ.

MỤC TIÊU 95% HỌC SINH, SINH VIÊN ĐẠT TIÊU CHUẨN RÈN LUYỆN THÂN THỂ VÀO NĂM 2045

Trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 mới được ban hành cũng đã mở ra cơ hội mới, thách thức mới trong việc thúc đẩy công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trường học tiếp tục có những đổi mới và phát triển trên mọi mặt. Mục tiêu của Chiến lược đặt ra đến năm 2030 có trên 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và định hướng đến năm 2045 là trên 95% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể và tầm vóc của thanh niên Việt Nam đạt ở mức cao trong khu vực.

Ngoài ra, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, gắn với mục tiêu giáo dục toàn diện cả về tri thức, thể chất, tâm lý và kỹ năng sống. Tăng cường chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên, có kế hoạch từng bước triển khai đầu tư xây dựng bể bơi, nhà tập đa năng cho các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện cụ thể từng cấp học, địa bàn. Đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường với các cơ sở thể thao trong hoạt động giáo dục thể chất. Tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khóa theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sở thích, tâm sinh lý và lứa tuổi của học sinh, sinh viên, trong đó chú trọng tập luyện bơi, võ cổ truyền và một số môn thể thao phù hợp khác. Phát triển mạnh các loại hình câu lạc bộ thể dục, thể thao trường học, tăng cường đào tạo năng khiếu thể thao ngay trong nhà trường. Đẩy mạnh, tiếp tục đổi mới các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao trong và liên trường, ở các cấp học và trên từng địa bàn.

Vũ Lê

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›