Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên từng là người đẹp Việt đầu tiên giành ngôi vị Miss Grand International – Hoa hậu Hoà bình Quốc tế năm 2021 tại Thái Lan. Sau đó, cô được vinh danh 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, đại diện cho lĩnh vực nghệ thuật.
Thế nhưng, hào quang danh hiệu và thành công của cô gái sinh năm 1998 vụt tắt kể từ sau những buổi livestream chốt đơn và cú trượt cuối mang tên kẹo Kera đã khép lại một hành trình đầy hào quang.
Mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công Ty Cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, trong đó có Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên.

Từ trái qua phải: Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên, Phạm Thị Diễm Trinh và Trần Thị Lệ Thu. Ảnh: TTXVN phát
Thông thường, nhắc đến Hoa hậu là nhắc đến biểu tượng của sắc đẹp đại diện cho những giá trị nhân văn. Nhưng thực tế hiện nay, không ít người mẫu, hoa hậu, người nổi tiếng trở thành những… "dược sĩ bất đắc dĩ" với chuyên môn sâu rộng sau... vài buổi livestream bán hàng. Họ nói theo kịch bản được đặt hàng trong khi người tiêu dùng, vì yêu quý thần tượng, sẵn sàng móc ví tin tưởng. Để rồi chính các fan này trở thành "vật thí nghiệm" cho những lời có cánh từ các người đẹp.
Có lẽ, khi nhan sắc và danh hiệu được đặt lên bàn cân với vài trăm triệu đồng tiền cát-xê quảng cáo, thì lương tâm và trách nhiệm dường như là thứ có thể… "để mai tính".
Ở góc nhìn văn hóa, vụ việc này không chỉ là câu chuyện của một cá nhân hay một doanh nghiệp, mà còn là tấm gương phản chiếu thực trạng xã hội hiện nay: khi các giá trị biểu tượng bị thương mại hóa, khi danh hiệu bị sử dụng như công cụ tiếp thị, và khi niềm tin của công chúng vào những hình mẫu bị thử thách nghiêm trọng. Hoa hậu – người từng được kỳ vọng truyền cảm hứng sống đẹp, sống có trách nhiệm – nay lại xuất hiện trong những bản tin tiêu cực, khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng các giá trị văn hóa đang bị đảo lộn? Phải chăng xã hội đang thiếu đi những điểm tựa tinh thần vững chắc?
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn, vụ việc cũng là dịp để xã hội tự soi chiếu lại mình, để nhận diện rõ hơn những lỗ hổng trong nhận thức, trong quản lý và trong thực hành các giá trị văn hóa. Đó là sự dễ dãi trong việc "thần tượng hóa" người nổi tiếng, là thói quen tin vào quảng cáo mà thiếu kiểm chứng, là sự buông lỏng trong quản lý các hoạt động thương mại, đặc biệt là lĩnh vực thực phẩm chức năng, mỹ phẩm – những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trước thực trạng đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan pháp luật đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực. Việc khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh các cá nhân, tổ chức liên quan không chỉ là hành động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn là thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm làm trong sạch thị trường, lập lại trật tự xã hội. Pháp luật, với vai trò là "người gác cổng" của các giá trị công bằng và minh bạch, đang từng bước lấy lại niềm tin cho xã hội – niềm tin rằng không ai đứng trên luật pháp, rằng mọi hành vi gian dối, dù được che đậy dưới vỏ bọc hào nhoáng nào, nổi tiếng, ảnh hưởng đến xã hội đến đâu cũng sẽ bị phơi bày và xử lý thích đáng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đây là tuyên bố hành động mạnh mẽ của Chính phủ trong việc không chấp nhận thỏa hiệp với bất lương và vi phạm pháp luật.
Và chiều nay (19/5), trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng, trong đó có có các nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5/2025 gồm: Đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), một lần nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc siết chặt quản lý, xử lý tận gốc vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân, trong khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, quảng cáo sai sự thật vẫn diễn biến phức tạp. Thủ tướng yêu cầu phải quy định rõ trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm, xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước. Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buông lỏng quản lý, để hàng trăm tấn hàng giả lọt lưới mà không bị phát hiện, nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật và hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Những động thái mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng và chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ không chỉ có ý nghĩa răn đe, mà còn góp phần định hướng lại nhận thức cộng đồng. Người tiêu dùng cần cẩn trọng hơn khi lựa chọn sản phẩm, không dễ dàng tin vào những lời quảng cáo "có cánh" của người nổi tiếng. Doanh nghiệp cũng buộc phải thay đổi cách làm ăn, chú trọng hơn đến chất lượng, uy tín và trách nhiệm xã hội. Và quan trọng hơn cả, các giá trị văn hóa – vốn từng bị lung lay bởi những vụ việc tương tự – đang dần được củng cố lại, khi xã hội chứng kiến sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.
Cuối cùng, cách tốt nhất là các bên liên quan cần chung tay xây dựng môi trường kinh doanh, truyền thông lành mạnh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn các giá trị xã hội.
Tags