Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Viết nhạc là lý tưởng sống của tôi"

Thứ Hai, 12/05/2025 07:00 GMT+7

Google News

Hẹn gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung ngay sau Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi anh có ca khúc Viết tiếp câu chuyện hòa bình được ngân vang nhiều nơi. Đến nay, ca khúc đã có hơn 3 tỷ lượt nghe trên các nền tảng nghe nhạc. Nguyễn Văn Chung chia sẻ, với anh hiện nay thì viết nhạc không còn đơn thuần là công việc để mưu sinh, mà đã thành lý tưởng sống, nên muốn tìm kiếm các giá trị lâu bền.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, người đã được trao giải Khát vọng Dế Mèn ngay trong lần tổ chức đầu tiên, năm 2020, với chùm ca khúc thiếu nhi đặc sắc.

Hành trình kỳ diệu của "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"

* Cơ duyên nào anh sáng tác "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"?

- Ca khúc này được sáng tác vào tháng 11/2023. Lúc đó, tôi muốn thử sức ở mảng đề tài quê hương, đất nước, sau khi đã thành công về tình yêu, gia đình, thiếu nhi. Trùng hợp, lúc đó ca sĩ Duyên Quỳnh ngỏ ý muốn thực hiện một album có đề tài đất nước để dành tặng cho ba cô ấy, một cựu chiến binh, cùng đồng đội của ông.

Nhiều năm sinh hoạt ở Hội Âm nhạc TP.HCM, tôi tham gia những chuyến đi về nguồn hoặc các cuộc vận động sáng tác về Bác Hồ, về những chiến sĩ Trường Sa, về sự phát triển của TP.HCM trong thời đại mới… Mỗi chuyến đi đều mang đến cho tôi những cảm xúc đặc biệt. Khi đứng trước đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, biết tuổi đời của họ còn rất trẻ, tôi đã lặng người đi. Khi ra Côn Đảo hoặc đến thăm nhà tù Phú Quốc, tôi đều tự hỏi tại sao trong điều kiện khốn khó, các chàng trai, cô gái ngày ấy vẫn tràn đầy niềm tin, lý tưởng. Tôi đã nung nấu và đợi ngày khơi gợi ký ức, cảm xúc để viết.

Tôi bèn gom những sáng tác đó vào album, nhưng lại thiếu một bài hát bao quát. Tôi muốn ca khúc đó đóng vai trò như một cây cầu nối di sản của thế hệ ông cha ta ngày trước đến mong ước của thanh niên hiện đại. Viết tiếp câu chuyện hòa bình được ra đời như thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Viết nhạc là lý tưởng sống của tôi" - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - Đại sứ truyền cảm hứng của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025

* Ra đời cuối năm 2023 nhưng mãi đến dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, bài hát mới lan tỏa mạnh. Có lẽ đây là ca khúc khác biệt của anh nhỉ?

- Tôi gọi đây là một hành trình kỳ diệu. Album được phát hành vào cuối năm 2023, Duyên Quỳnh cố gắng đưa ca khúc đi khắp nơi, nhưng phải đến giữa năm 2024, có bạn trẻ phối lại một đoạn nhạc và ghép hình ảnh đội tuyển Việt Nam vào video, đăng tải lên mạng xã hội thì mới tạo ra sự bùng nổ, lan tỏa.

Nhưng bất ngờ hơn cả là vào sáng 30/4, ca khúc được chọn biểu diễn trong Đại lễ, do ca sĩ Võ Hạ Trâm và Đông Hùng thể hiện, đã chạm đến hàng triệu trái tim của những người xem diễu binh. Sự lan tỏa nồng nhiệt đó giúp bài hát đạt hơn 3 tỷ lượt nghe trên các nền tảng nghe nhạc.

"Thiên thời địa lợi nhân hòa", tất cả đều có đủ trong ca khúc này. Ngay khi viết, tôi đã đặt trọn tâm mình ở trong đó. Duyên Quỳnh bất kể nắng mưa đem ca khúc đi muôn nơi. Bạn sản xuất còn rất trẻ, vì yêu thích đã tặng bản phối. Đông Hùng, Võ Hạ Trâm biểu diễn ca khúc bằng niềm tự hào của người con Việt Nam. Tất cả cùng nhau tạo nên nhân duyên này.

* Chứng kiến sức lan tỏa của bài hát, sự đón nhận nồng nhiệt của người nghe, âm vang đó còn theo anh đến giờ chứ?

- Sức lan tỏa của bài hát vượt khỏi sự tưởng tượng của tôi. Lúc đặt bút viết, tôi chỉ nghĩ đơn thuần về sự cống hiến, bởi đề tài tình yêu quê hương, đất nước thường khó tạo được hiệu ứng, khó leo lên các bảng xếp hạng âm nhạc. Nhưng mình vẫn làm. Không ngờ bài hát được khán giả ở mọi độ tuổi biết đến, càng không có giới hạn ngành nghề, vị trí xã hội...

Từ sáng tác này, tôi nhận được tình yêu của mọi người ở khắp nơi. Từ những người mình không quen biết, chưa từng gặp gỡ, nhưng họ lại bày tỏ sự yêu mến. Có những tin nhắn, tôi không thể trả lời hết được, nhưng luôn ưu tiên cho các cựu chiến binh. Không dễ để viết một bài hát tác động đến tâm hồn mọi người như thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Viết nhạc là lý tưởng sống của tôi" - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Chung cho biết ca khúc “Viết tiếp câu chuyện hòa bình” được viết từ những chuyến đi thực tế và lắng nghe các câu chuyện của những cựu chiến binh

* Cảm xúc của anh thế nào khi nghe 2 phiên bản của ca khúc này?

- Tôi biết ơn ca sĩ thể hiện bài hát. Mọi người đều làm tốt vai trò của mình. Duyên Quỳnh đã lan tỏa, còn Võ Hạ Trâm - Đông Hùng làm nhiệm vụ quốc gia và chạm đến trái tim người nghe.

Phiên bản của Duyên Quỳnh giúp bài hát phổ biến trong giới trẻ, còn phiên bản của Võ Hạ Trâm - Đông Hùng lan tỏa đến mọi người dân. Tôi không có ý định so sánh ai hát hay hoặc dở, vì việc này tùy vào gu âm nhạc của mỗi người.

Khán giả có quyền so sánh, họ có quyền yêu thích riêng, nhưng tôi mong mọi người đánh giá nhẹ nhàng. Nếu không có nỗ lực của Duyên Quỳnh, bài hát sẽ không được chọn biểu diễn. Nếu không có sự thể hiện tốt của Võ Hạ Trâm - Đông Hùng, ca khúc không được đến tai mọi người. Nên tôi dành sự yêu quý và tôn trọng đến tất cả.

Khu vườn âm nhạc thiếu nhi

Từ ngày 12/5/2025, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trở thành Đại sứ truyền cảm hứng của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025. Anh bất ngờ khi được báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) mời làm đại sứ, nhưng vui vẻ nhận lời, vì mong muốn trẻ em có thêm cảm hứng để đọc sách và viết cho thiếu nhi.

* Ở mỗi đề tài, anh đều có dấu ấn nhất định. Khó khăn nhất của anh là ở thể loại nào?

- Tôi thích làm những việc không ai làm, hoặc ít làm. Ngày xưa tôi may mắn thành công khi có những sáng tác về tình yêu. Nhưng tôi phải làm khác đi, bởi nếu cố tình đi lại con đường đó sẽ không được ghi nhận, mà bản thân cũng không thấy tự hào. Nên tôi quyết định rẽ hướng.

Khi viết về gia đình, tôi không hy vọng sẽ thành công đâu, đơn thuần vì thích thôi. Hơn nữa ở độ tuổi đó, mình đã trưởng thành, cảm xúc và quan điểm sống đều phù hợp với mảng đề tài này.

Sau đó khi có con, tôi viết về đề tài thiếu nhi. Đây là giai đoạn khó khăn nhất. Tôi dành 8 năm (từ 2012 đến 2020) để viết 300 bài hát thiếu nhi. Tôi chấp nhận đánh đổi đời sống vật chất bởi không ai mua các ca khúc này, không danh tiếng, không tiền bạc.

Nhưng tôi muốn làm cho con và tin rằng khu vườn âm nhạc này một ngày nào đó sẽ nở rộ. Mặc dù không đình đám, nhưng tôi xem đây là thành công, có các ca khúc được các bé yêu thích như Một gia đình nhỏ một hạnh phúc to, Mẹ ơi có biết…

Cũng thú nhận rằng sau khi viết xong đề tài thiếu nhi, tôi nhận thấy thị trường âm nhạc đã qua một chương mới. Nghệ sĩ trẻ giờ vừa có thể sáng tác vừa hát được, thậm chí họ còn làm hình ảnh, truyền thông rất tốt.

Tình yêu quê hương, yêu đất nước là một chủ đề nằm trong đề tài cộng đồng, tôi còn muốn viết nhiều ca khúc khác nữa. Bài hát về tình yêu khi nổi tiếng thì là niềm vui cá nhân, còn bài hát cộng đồng sẽ là niềm vui chung. Khi đến các trường học hoặc doanh trại, tôi cảm nhận được sự tôn trọng và quý mến của thầy cô, học sinh hoặc các quân nhân dành cho mình.

Tôi thích mơ mộng, ai cũng muốn được trúng số độc đắc, nhưng lại không chịu mua vé số. Tôi dám mua bằng việc tự bỏ tiền sản xuất album và đã trúng độc đắc.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Viết nhạc là lý tưởng sống của tôi" - Ảnh 4.

Nguyễn Văn Chung tự hào vì sáng tác mới được lan tỏa rộng rãi vào đời sống tinh thần của người dân

* Việc anh rẽ lối, thử sức ở một đề tài mới có thể xem là sự dấn thân?

- Đó là trách nhiệm của nhạc sĩ. Nếu viết nhạc để bán và kiếm tiền, đó là một nghề. Nhưng đây không còn là nghề nghiệp, viết nhạc là lý tưởng sống của tôi. Bởi giờ đây tôi có cuộc sống ổn định, nên muốn hướng đến giá trị lâu dài, có tác động đến nhiều người. Con tôi sau này sẽ được mọi người yêu thương hơn, và thằng bé sẽ tự hào về cha mình. Đó là lý tưởng sống của tôi.

* Trong hành trình đó, có khi nào anh nản chí, muốn từ bỏ?

- Nản lòng nhất là giai đoạn viết 300 bài hát thiếu nhi. Trong nhiều năm không có doanh thu, không được ghi nhận, tôi đã có ý định từ bỏ. Bỗng dưng, tôi nhận được tin nhắn từ một người mẹ nói rằng cảm ơn tôi vì nhờ bài hát mà con trai chị nói câu "con yêu mẹ", điều mà trước giờ chị chưa nhận được. Một người khác nói con chị bị chậm nói, nhưng một ngày nó về hát "mẹ ơi có biết con yêu mẹ nhiều" làm chị khóc như mưa. Những dòng tin nhắn đó đã kéo tôi quay lại và hoàn thành con đường còn dang dở.

Những thành công từ đó giúp tôi có thêm niềm tin là mình có vận may. Mẹ tôi cũng từng nói: "Con không giỏi hơn người khác, con chỉ có nhiều cơ duyên hơn thôi". Đúng vậy thật. Trong Hội Âm nhạc TP.HCM có rất nhiều cô chú nhạc sĩ sáng tác về quê hương, đất nước, tôi hy vọng thành công của bản thân sẽ là tia lửa để những bài hát của họ có thêm cơ hội lan tỏa nhiều hơn trong đời sống người dân.

Niềm tự hào của mẹ và "di sản" cho con trai

* Vậy việc anh vừa tặng bộ sách nhạc 300 ca khúc thiếu nhi cho trường học và phụ huynh cũng là muốn tạo dựng giá trị cộng đồng?

- Đó là điều kỳ diệu của cuộc sống mà tôi được nếm trải. Tôi may mắn thành công từ những bài hát đầu tiên, khi bước đi trên con đường khó hơn cũng được ghi nhận.

Tôi muốn trao đi những gì có thể, nên quyết định tặng sách nhạc cho trường học. Âm nhạc rất quan trọng với thiếu nhi, nó gieo hạt giống thẩm mỹ, đạo đức, giúp trẻ ít bạo lực và biết yêu thương. Còn ở những vùng không có điều kiện, tôi thực hiện những video dạy trẻ hát do Duyên Quỳnh phụ trách để các thầy cô giảng dạy ngay cả khi không có thiết bị.

Tôi mong muốn sau này khi mình mất đi, mọi người sẽ ghi nhận Nguyễn Văn Chung là một nhạc sĩ có tâm, có giá trị với cộng đồng. Điều đó rất quan trọng. Trên đời này tôi yêu nhất là mẹ và con trai. Tôi muốn sống cho mẹ tự hào và con trai được mọi người yêu thương. Đó là cách tôi bảo vệ con, bởi sau này khi tôi không còn, người ta chỉ cần thương tôi mà không hại nó cũng là phước đức rồi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: "Viết nhạc là lý tưởng sống của tôi" - Ảnh 5.

Anh luôn muốn thay đổi trong việc sáng tác, không thích theo lối mòn

* Mẹ anh ảnh hưởng đến âm nhạc và cuộc sống của anh ra sao?

- Không có sự chăm sóc, la rầy, dạy dỗ hoặc không có những ngày mẹ thức cùng tôi qua các kỳ thi, không có những bữa ăn của mẹ hoặc sự quan tâm lúc có chuyện buồn, tôi sẽ không viết được Nhật ký của mẹ. Đây là bài hát tôi tự hào nhất trước khi có Viết tiếp câu chuyện hòa bình.

Khi còn sống, mẹ dặn tôi không được viết những bài yêu đương vớ vẩn (cười lớn), nên tôi muốn làm gì đó cho mẹ tự hào.

Mẹ mất, tôi đau, nhưng may mắn tôi không phải gánh chịu nỗi day dứt, nuối tiếc. Vì những năm cuối đời của mẹ, tôi đã được ở bên cạnh và dành hết tình yêu, sự quan tâm cho mẹ. Giờ tôi không còn đau, nhưng nỗi nhớ mẹ cứ da diết, cứ quặn thắt trong lòng, nhất là mỗi khi thành công, tôi lại càng nhớ mẹ. Tôi nhận được quà của mọi người, tôi muốn khoe với mẹ lắm, muốn chụp và gửi cho mẹ xem. Nhưng giờ lại không biết khoe với ai. Dù vậy, tôi tin rằng mẹ sẽ rất tự hào về con trai.

* Cuộc sống độc thân của anh thế nào?

- Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi có thời gian chăm con, lo lắng cho ba, vì sau khi mẹ mất, tôi quan tâm ba nhiều nhất. Tôi cũng biết ưu tiên cho bản thân, cho phép mình tận hưởng những thú vui đơn giản như đá banh, xem phim, ăn uống... Vì trước đây, khi có những biến cố, tôi phải cày bừa để kiếm tiền lo cho gia đình. Giờ đây khi cuộc sống ổn định, tôi muốn tận hưởng những niềm vui nhỏ bé như thế.

* Cảm ơn anh.

Ngày 10/5/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 61/CĐ-TTg về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ Hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.

Công điện đề cập đến việc huy động, khuyến khích các nghệ sĩ, nghệ nhân, vận động viên thể dục thể thao, các chuyên gia tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, phát triển năng khiếu; xây dựng môi trường phù hợp thực hiện việc học, sử dụng ngoại ngữ trong cộng đồng, các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, thu hút trẻ em, học sinh, sinh viên tham gia, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, kỹ năng sống, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện.

Kim Chi (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›