Ngày 16/5, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia Foundation - AAF), Trường Đại học Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk tổ chức tọa đàm “Phúc lợi động vật trong hoạt động giải trí - Câu chuyện voi nuôi nhốt”.
Tham dự có các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ thú y đến từ các đơn vị chuyên môn cùng gần 200 giảng viên, sinh viên ngành Thú y Trường Đại học Tây Nguyên.

Du khách mặc trang phục dân tộc Lào, trải nghiệm cho voi ăn trong chương trình “Du lịch thân thiện với voi” tại Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn. Ảnh tư liệu: Hoài Thu – TTXVN.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Hạnh, Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, phúc lợi động vật là nhân tố quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Khi áp dụng phúc lợi, động vật nuôi có chất lượng sản phẩm tốt hơn, giá trị cao hơn. Phúc lợi động vật không chỉ là một khái niệm, mà đã đến lúc trở thành tiêu chuẩn thực tế. Chăn nuôi đảm bảo phúc lợi là hòa nhập với sự phát triển của khu vực và quốc tế. Voi là một biểu tượng văn hóa - tự nhiên quan trọng, đã đồng hành cùng con người trong nhiều thế kỷ. Do đó, tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường trao đổi chuyên môn và thúc đẩy các giải pháp bền vững trong công tác bảo tồn voi; góp phần cải thiện phúc lợi động vật hoang dã tại Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã thảo luận về thực trạng bảo tồn voi tại Đắk Lắk; các thách thức trong cứu hộ, chăm sóc và phục hồi tập tính tự nhiên cho voi nhà; tác động của hoạt động giải trí đến sức khỏe thể chất và tinh thần của động vật, đặc biệt là những loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt để phục vụ du lịch. Đại biểu cũng chia sẻ các giải pháp nhằm nâng cao phúc lợi động vật, bảo tồn voi nuôi nhốt tại Việt Nam; nghe giới thiệu về mô hình “Du lịch thân thiện với voi” đang được triển khai tại Đắk Lắk.
Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và Quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh hiện có 35 cá thể voi nhà (17 voi đực, 18 voi cái). Về voi hoang dã, qua quá trình giám sát trung tâm ghi nhận, từ năm 2021 đến nay có khoảng 60 cá thể, cơ cấu bầy đàn có đủ voi đực, voi cái, voi con, voi trưởng thành, voi già. Hiện nay, tỉnh đang triển khai 7 chính sách bảo tồn voi gồm: quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả cho voi; chăm sóc sức khỏe, bảo tồn và phát triển voi nhà; hỗ trợ voi nhà sinh sản; phúc lợi voi nhà; bảo tồn sinh cảnh nơi cư trú, sinh sống của voi hoang dã; hạn chế xung đột voi với người; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Để bảo tồn voi và cải thiện phúc lợi cho các cá thể voi, năm 2021, UBND tỉnh Đắk Lắk và Tổ chức Động vật châu Á đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác chuyển đổi mô hình du lịch với voi theo hướng thân thiện, không cưỡi voi, không sử dụng voi vào các hoạt động giải trí có hại. Đến nay, 14/35 cá thể voi nhà tại Đắk Lắk đã được cải thiện điều kiện sống.
Ông David Neale, Giám đốc toàn cầu về Tri giác và phúc lợi động vật (AAF) cho rằng, việc cải thiện điều kiện sống và giảm thiểu các hình thức sử dụng động vật không phù hợp là cần thiết để hướng đến phát triển du lịch bền vững. Voi nhà tại Đắk Lắk đã giảm mạnh so với 500 cá thể vào năm 1985. Để cải thiện phúc lợi, voi cần được trao cơ hội đưa ra lựa chọn khi nào đi tìm kiếm thức ăn, khi nào khám phá môi trường và khi nào giao tiếp xã hội. Phúc lợi của voi tại các khu du lịch có thể khác nhau tùy thuộc vào phương pháp quản lý, trình độ chuyên môn, nguồn lực và từng cá thể voi. Những cá thể voi được quản lý bằng phương pháp tích cực có thể ít trải qua lo lắng hoặc sợ hãi trong quá trình huấn luyện; từ đó góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác hơn giữa nhân viên và động vật. Bên cạnh buổi tọa đàm, đơn vị đang phối hợp tổ chức tập huấn, hướng tới việc nâng cao năng lực chuyên môn về phúc lợi động vật cho giảng viên, cán bộ thú y tại địa phương.
Xem thêm tin tức TẠI ĐÂY
Tags