Ngày 15/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), với sự tham dự của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học phía Nam.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đánh giá, những năm qua, hoạt động giáo dục đại học đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét, nhưng vẫn còn tồn tại không ít bất cập cần được khắc phục. Bối cảnh mới, xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho việc sửa đổi Luật. Bộ được Chính phủ giao chủ trì sửa đổi Luật Giáo dục đại học, một văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành. Xã hội cũng đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi Luật lần này sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới. Việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học lần này hướng tới đơn giản hóa và mạch lạc hóa hệ thống giáo dục đại học, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định pháp luật hiện hành. Một trong những định hướng quan trọng là tăng cường quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp hồi tháng 3/2025. Ảnh minh họa: TTXVN
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tiến Thảo thông tin, có 6 nhóm chính sách được đề xuất trong dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến; hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời; định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư hiện đại hóa giáo dục đại học; phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính; thay đổi cách thức tiếp cận quản trị chất lượng trong hoạt động đảm bảo chất lượng.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) được xây dựng kế thừa các điều khoản nội dung không đổi Luật Giáo dục đại học hiện hành (trên 55%); không trùng lặp các điều khoản với Luật Giáo dục (và Luật Giáo dục sửa đổi), Luật Nhà giáo, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo… Cùng với giảm số điều, chương, các quy định cũng giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính so với Luật Giáo dục đại học hiện hành.
Các đại biểu cho rằng, ngoài việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học theo hướng tối ưu, cần tính toán gỡ điểm vướng ở những bộ luật khác có liên quan; cần nghiên cứu, bổ sung một số ngành khoa học cơ bản vào nhóm các ngành đặc thù để có chính sách hỗ trợ phù hợp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các đại biểu cũng cho rằng, để hội nhập quốc tế, luật cũng cần thống nhất định nghĩa về cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn mực chung; phát huy vai trò của hội đồng trường, thúc đẩy tự chủ đại học...
Hiện nay, cả nước có 265 cơ sở giáo dục đại học, gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, 5 đại học khác và 255 trường đại học, học viện; tổng quy mô đào tạo trình độ đại học năm 2024 đạt 2,3 triệu sinh viên. Toàn hệ thống hiện có trên 4.900 chương trình đại học và 2.770 chương trình sau đại học.
Tags