Vĩnh biệt nhà ngôn ngữ ghi nhật ký bóng đá bằng thơ

Cách đây đúng một tuần, tôi gọi cho PGS-TS Phạm Văn Tình nhờ ông giới thiệu một số chuyên gia về văn hóa Nga để xin phỏng vấn. Ai ngờ, đó lại chính là cuộc nói chuyện cuối cùng của tôi với ông.

Hôm ấy là ngày 3/5 tôi gọi cho PGS-TS Phạm Văn Tình. Như thường lệ, ông tận tình giới thiệu và chia sẻ cho tôi một loạt danh bạ những người mà ông cho là hiểu biết nhất về văn hóa Nga để tôi liên hệ. Thậm chí ông còn nhiệt tình tới mức: "Nếu cần để chú gọi nói trước với họ". Ông là thế, con người lúc nào cũng tràn đầy năng lượng tích cực, nhiệt huyết và sẵn lòng giúp đỡ thế hệ hậu sinh. Với tôi, bất cứ khi nào cần đến ông, đều có thể nhấc máy lên gọi, dù là đêm muộn. Nếu cần phải trả lời ngay để cho kịp thời sự, ông sẽ nói luôn qua điện thoại hoặc qua email rất nhanh.

Chủ đề mà tôi hay "xin ý kiến" PGS-TS Phạm Văn Tình là về lĩnh vực ngôn ngữ học, đặc biệt là về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt – một chủ đề mà ông luôn dành nhiều tâm huyết và quan tâm sâu sắc. Mỗi lần gặp gỡ, ông đều thể hiện sự am hiểu uyên thâm, kiến thức rộng lớn và thái độ nghiêm túc, tận tâm với công việc nghiên cứu.

Vĩnh biệt nhà ngôn ngữ ghi nhật ký bóng đá bằng thơ - Ảnh 1.

Trong các cuộc trò chuyện, ông không chỉ phân tích kỹ lưỡng về những biến đổi trong tiếng Việt hiện đại, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sự trong sáng, chuẩn mực của ngôn ngữ trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển và giao thoa văn hóa mạnh mẽ. Ông luôn nhấn mạnh rằng tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn là linh hồn, là bản sắc văn hóa của dân tộc, do đó mỗi người Việt cần có trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị đó. Đặc biệt trong nghề viết, câu ông dặn luôn "đóng đinh" trong đầu tôi, đấy là: "Muốn thành một người viết giỏi, trước tiên phải giỏi tiếng Việt". Ông giải thích rằng, nếu không thành thạo tiếng Việt – từ vựng, ngữ pháp, cú pháp, cách dùng từ – người viết sẽ khó truyền tải chính xác và rõ ràng những gì mình muốn nói. Tóm lại, giỏi tiếng Việt là nền tảng thiết yếu để trở thành người viết giỏi vì nó quyết định khả năng truyền đạt, sáng tạo và giữ gìn giá trị văn hóa trong từng tác phẩm.

Qua những lần phỏng vấn, tôi nhận thấy PGS-TS Phạm Văn Tình là người rất khiêm tốn, giản dị nhưng lại có một tâm hồn lớn và sự đam mê cháy bỏng với nghề. Ông không chỉ là một học giả xuất sắc với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, mà còn là người truyền cảm hứng cho tôi và chắc chắn nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp. Sự kết hợp giữa chuyên môn sâu sắc và khả năng truyền đạt dễ hiểu giúp ông trở thành một chuyên gia được kính trọng trong ngành ngôn ngữ học. Trong cộng đồng những người nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ học hẳn phải thừa nhận rằng, ông là chuyên gia đã có những đóng góp to lớn cho nghiên cứu ngôn ngữ học tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt của thế hệ trẻ hiện nay. Qua nhiều công trình khoa học được xuất bản. Ông không chỉ làm sáng tỏ những biến đổi, xu hướng trong ngôn ngữ mà còn góp phần nâng cao nhận thức về giá trị và sự phát triển của tiếng Việt trong bối cảnh xã hội hiện đại. Những nghiên cứu của ông là tài sản quý giá cho ngành ngôn ngữ học Việt Nam và là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học giả, sinh viên.

Vĩnh biệt nhà ngôn ngữ ghi nhật ký bóng đá bằng thơ - Ảnh 3.

Bài “Ước mơ nào cũng quý” của nhà ngôn ngữ Phạm Văn Tình trong sách “Tiếng Việt 1”

Bên cạnh vai trò nhà nghiên cứu, PGS-TS Phạm Văn Tình còn là một nhà thơ với phong cách độc đáo, giàu cảm xúc. Ngoài những bài viết cho chuyên mục "Chữ và Nghĩa", ông thường xuyên cộng tác với báo Thể thao và Văn hóa - TTXVN qua chuyên mục "Nhật ký Euro bằng thơ" và "Nhật ký World Cup bằng thơ" mỗi khi những ngày hội bóng đá này khởi tranh. Với niềm đam mê bóng đá cháy bỏng, ông theo dõi tất cả các trận đấu ở mọi khung giờ, và ngay sau mỗi lượt trận, ông lại gửi đến Thể thao và Văn hóa những vần thơ tinh tế, sắc sảo, vừa thể hiện tình yêu thể thao, vừa phản ánh sâu sắc những cảm xúc, diễn biến trên sân cỏ.

Những bài thơ của ông không chỉ là những dòng nhật ký thể thao mà còn là những tác phẩm nghệ thuật, kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ học và thi ca, mang đến cho độc giả trải nghiệm độc đáo, vừa thưởng thức bóng đá vừa cảm nhận được vẻ đẹp của ngôn từ. Qua đó, ông đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa – thể thao của cộng đồng.

Vĩnh biệt nhà ngôn ngữ ghi nhật ký bóng đá bằng thơ - Ảnh 4.

Vì thấy ông liên tục "thức khuya, dậy sớm" để làm "Nhật ký Euro bằng thơ" và "Nhật ký World Cup bằng thơ" nên cá nhân nhân người viết cũng nhiều đêm cũng "không dám ngủ" để chờ thơ ông gửi đến. Đành rằng sáng sớm đăng các bài thơ của ông cũng được thôi, nhưng nếu thế, tôi nghĩ vô tình phụ đi tấm lòng, niềm say mê, sự nhiệt tình của ông dành cho bạn đọc của Thể thao văn hóa, giảm đi tính thời sự của những tác phẩm mà ông đã mất ngủ để sáng tác.

Nhưng giờ đây, ông đã ngủ say mãi mãi, sẽ không phải thức khuya dậy sớm mỗi mùa Euro hay World Cup về nữa. Sự ra đi của ông là một mất mát lớn đối với giới học thuật, văn hóa và những người yêu mến ông. Những công trình nghiên cứu, những vần thơ đầy tâm huyết và tình yêu cuộc sống của ông sẽ mãi là di sản quý báu, tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ mai sau.

Phạm Huy