10 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai
Ngày 3/7/2015, tại kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới diễn ra ở Bonn (CHLB Đức), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai. Mười năm đã trôi qua kể từ dấu mốc đáng nhớ ấy, Phong Nha - Kẻ Bàng hôm nay không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế của một di sản quý giá, mà còn là điểm đến hấp dẫn, nơi kết tinh giữa vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và trách nhiệm gìn giữ của con người.
Ẩn mình giữa núi rừng Quảng Bình, Phong Nha - Kẻ Bàng là điểm đến mà bất kỳ người yêu thiên nhiên nào cũng ao ước một lần được đặt chân tới. Với diện tích hơn 123.000 ha, nơi đây sở hữu hệ thống núi đá vôi cổ được hình thành cách đây khoảng 400-450 triệu năm - thuộc loại cổ nhất ở châu Á. Trải qua hàng trăm triệu năm kiến tạo địa chất, vùng đất này đã tạo nên một mê cung hang động khổng lồ, kỳ vĩ, mà nhiều hang động con người vẫn chưa thể khám phá hết.
Từ động Phong Nha - “Kỳ quan đệ nhất động” với dòng sông ngầm xanh thẳm, đến động Thiên Đường - dài hơn 31 km với nhũ đá huyền ảo như chốn tiên cảnh, hay hang Én - hang động lớn thứ ba thế giới với đỉnh hang cao hàng trăm mét… mỗi điểm đến tại đây đều là một tác phẩm nghệ thuật do thiên nhiên chạm khắc. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng, được công nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, mang trong mình cả một hệ sinh thái riêng biệt với rừng nguyên sinh và sông ngầm, là điểm nhấn nổi bật nâng tầm danh tiếng của Phong Nha - Kẻ Bàng trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Du khách tham quan tại Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát
Về hệ sinh thái, Phong Nha - Kẻ Bàng có 15 kiểu sinh cảnh, với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích; trong đó, trên 90% diện tích là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và gần như còn nguyên vẹn. Đây cũng là một trong những Vườn quốc gia có độ che phủ, tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam.
Không chỉ nổi bật về địa chất và hệ sinh thái, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng còn là nơi chứa đựng giá trị cao về đa dạng sinh học với 2.900 loài thực vật bậc cao và khoảng 1.400 loài động vật được ghi nhận, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ thế giới, như: voọc Hà Tĩnh, sơn dương, báo gấm, mèo rừng châu Á… Hàng chục loài mới cũng đã lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới. Sự đa dạng sinh học ấy không chỉ mang giá trị khoa học mà còn là nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái bền vững và giáo dục môi trường.

Du khách tham quan động Thiên Đường (Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát
Chính sự hội tụ đặc biệt giữa cảnh quan kỳ vĩ, cấu trúc địa chất cổ đại và hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng đã tạo nên bản sắc độc nhất vô nhị của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Đó cũng chính là lý do khiến di sản này được UNESCO hai lần vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Lần đầu tiên vào năm 2003, tại kỳ họp lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức tại Paris (Pháp), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (viii) - về giá trị địa chất và địa mạo. Sự kiện này ghi nhận hệ thống núi đá vôi cổ hàng trăm triệu năm tuổi, cùng hàng trăm hang động độc đáo, có giá trị hàng đầu về nghiên cứu địa chất và địa mạo toàn cầu.

Bên trong hang Hung Thoòng (vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: TTXVN phát
Đến ngày 3/7/2015, tại kỳ họp lần thứ 39 tổ chức tại Bonn (CHLB Đức), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai theo các tiêu chí (ix) và (x) - về hệ sinh thái hang động và các loài động, thực vật đọc đáo và hệ thống đa dạng sinh học phong phú. Với ba tiêu chí được ghi danh, Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những di sản thiên nhiên toàn diện và hiếm có bậc nhất thế giới. Đặc biệt, sự vinh danh lần thứ hai đã nâng tầm vị thế của di sản này. Đây là minh chứng rằng Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ đẹp về mặt địa chất, mà còn là một kho tàng sinh học quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Cũng chính sự công nhận ấy đã đưa Phong Nha - Kẻ Bàng từ một vùng núi rừng hoang sơ trở thành điểm đến lý tưởng của những ai khao khát hòa mình vào thiên nhiên nguyên sơ, cảm nhận sự hùng vĩ của tạo hóa và trải nghiệm những không gian thật sự khác biệt.
Mười năm sau lần vinh danh thứ hai, nơi đây đã có những bước chuyển mình ấn tượng: cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư bài bản, công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh, thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc nhất vô nhị của di sản này.
Từ một vùng núi rừng ít người biết đến, Phong Nha - Kẻ Bàng đã và đang trở thành điểm đến hàng đầu trong hành trình du lịch xanh và khám phá di sản thiên nhiên của Việt Nam. Di sản hôm nay không chỉ là niềm tự hào, mà còn là minh chứng sống động cho sự kết hợp hài hòa giữa phát triển và bảo tồn - một hướng đi tất yếu và bền vững trong tương lai. Hành trình ấy chính là sự tiếp nối trách nhiệm với thiên nhiên, với văn hóa, với lịch sử của thế các hệ hôm nay và mai sau.