Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Tiếp sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Cộng hòa Kazakhstan và Cộng hòa Azerbaijan, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, từ ngày 8 đến 11/5/2025, theo lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên từ khi đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh rất có ý nghĩa khi hai nước đang cùng nhau kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950-30/1/2025). Chuyến thăm nhằm tăng cường tin cậy chính trị, xác định những định hướng mới đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga lên tầm cao mới; đồng thời thể hiện sự trân trọng, tôn vinh của Việt Nam đối với những đóng góp, hy sinh vô cùng to lớn của Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay trong chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước Kazakhstan, Azerbaijan, Belarus và thăm chính thức Liên bang Nga. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
75 năm quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc Việt Nam-Liên bang Nga
Ngược dòng lịch sử, ngày 30/1/1950, Việt Nam và Liên Xô chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày này đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt-Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia.
Từ những ngày đầu lập nước, việc phát triển quan hệ với Liên Xô luôn là một trọng tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, tháng 7/1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ sang thăm Liên Xô nhằm củng cố tình đoàn kết hữu nghị, tăng cường mối quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước.
Đáp lại tình cảm chân thành của Việt Nam, Liên Xô cũng dành cho Việt Nam những tình cảm nồng thắm và sự giúp đỡ hào hiệp. Trong những năm tháng chiến tranh, Liên Xô không chỉ giúp đỡ Việt Nam về tiền bạc, hiện vật mà còn giúp Việt Nam phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều công trình do nước bạn giúp xây dựng đã gắn bó với bao thế hệ người dân Việt Nam, đến nay vẫn phát huy hiệu quả, như: trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô... Sau chiến tranh, với sự hỗ trợ của Liên Xô, các ngành chủ chốt của nền kinh tế quốc dân Việt Nam như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-giáo dục... đã được xây dựng và không ngừng phát triển, phục vụ đắc lực cho công cuộc kiến thiết đất nước.

Thiếu nhi Nga mang theo bức tranh về ngày Chiến thắng tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Chiến thắng phát xít (1945 - 2022), trên quảng trường Đỏ (Nga, 9/5/2022). Ảnh: Trần Hiếu - TTXVN
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, quan hệ hợp tác nhiều mặt, cùng có lợi giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được coi trọng và ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới sau khi ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga (ngày 16/6/1994), đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới. Cho đến nay, lãnh đạo hai nước vẫn luôn khẳng định Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga là văn kiện lịch sử, có ý nghĩa lớn lao, là biểu tượng khởi đầu cho một giai đoạn mới trong phát triển hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, tạo ra tiền đề cho việc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện. Suốt hơn 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị bền chặt, củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương một cách toàn diện trên các lĩnh vực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Tiếp sau Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (ngày 16/6/1994), khuôn khổ quan hệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI liên tục được nâng lên bằng việc: hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2001; quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012; năm 2021 hai nước ký Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030; tháng 6/2024 ký Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga. Đây là những dấu mốc rất quan trọng, đánh dấu sự phát triển trong quan hệ giữa hai nước, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của cả nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Nga tổ chức diễu binh không quân kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát-xít (9/5/1945 - 9/5/2020). Ảnh: Trần Hiếu - TTXVN
Với nền tảng là tình cảm tốt đẹp giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ chính trị Việt Nam-Liên bang Nga có độ tin cậy cao, trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, trong đó có cấp cao, diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác toàn diện giữa hai nước. Nổi bật có các chuyến thăm, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Putin nhân dịp ông tái đắc cử Tổng thống Nga (tháng 3/2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga (tháng 9/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Nga) (tháng 10/2024); Chủ tịch nước Lương Cường gặp Phó Thủ tướng Nga Alexei Overchuk nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 tại Lima (Peru) (ngày 15/11/2024)…
Về phía Nga có các chuyến thăm Việt Nam của: Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko thăm chính thức, đồng chủ trì Khóa họp 24 Ủy ban liên Chính phủ Việt-Liên bang Nga (tháng 4/2023); Chủ tịch Đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam (tháng 5/2023); Chủ tịch Duma Quốc gia Quốc hội Nga Vyacheslav Viktorovich Volodin thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2023); Tổng thống Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam (tháng 6/2024); Tổng thống Nga Putin điện đàm và chúc mừng Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 8/2024); Thủ tướng Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam (ngày 14 và 15/1/2025)...
Ngoài các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, hai nước cũng duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật, thành lập từ năm 1992 và được nâng cấp lên cấp Phó Thủ tướng từ năm 2011; Ủy ban liên Chính phủ họp thường niên. Gần đây nhất Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga đã tổ chức tại Nga vào tháng 9/2024.
Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ tốt với các chính đảng lớn, có vị thế quan trọng trên chính trường Nga như Đảng Nước Nga thống nhất, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, Đảng "Nước Nga công bằng-Những người yêu nước-Vì sự thật".
Hai bên phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn phối hợp hành động và xây dựng niềm tin ở châu Á (CICA)...
Năm 2025, hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (30/1/1950-30/1/2025) với nhiều sự kiện, hoạt động có ý nghĩa.

Pháo hoa mừng chiến thắng trong Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày chiến thắng phát-xít, tại Moscow (Nga, 9/5/2010). Ảnh: AFP/TTXVN
Hợp tác mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực
Hợp tác kinh tế-thương mại hai nước thời gian qua liên tục phát triển. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga tăng nhanh, đặc biệt từ sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu chính thức có hiệu lực tháng 10/2016.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 3,63 tỷ USD; năm 2024 đạt 4,58 tỷ USD; 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,11 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, điện tử, dệt may, giầy dép, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Nga gồm: than đá, lúa mỳ, sắt thép, phân bón, ô tô, máy móc, thiết bị các loại…
Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 1/2025, phía Nga có 202 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 995,82 triệu USD, đứng thứ 26/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, được thực hiện tại 21/63 địa phương, bao gồm cả khu vực dầu khí ngoài khơi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện có 16 dự án đầu tư sang Nga còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu của các dự án Liên doanh dầu khí Rusvietpetro, Dự án chăn nuôi bò sữa và nông nghiệp của Tập đoàn TH tại Nga, một số dự án công nghiệp và bất động sản…
Dầu khí-năng lượng là một trụ cột quan trọng của hợp tác song phương. Hai bên hiện đang đàm phán, thúc đẩy ký kết các Nghị định thư và Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam-Nga trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí; quan tâm khôi phục và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi chia sẻ thông tin về tình hình nước Nga và hợp tác hai nước Việt Nam – Liên bang Nga. Ảnh: TTXVN phát
Hợp tác trong lĩnh vực cung cấp lương thực, nông sản cho thị trường của nhau cũng đang ngày càng phát triển giữa hai nước. Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam G.S.Bezdetko, ước tính sơ bộ tổng giá trị cung ứng ra thị trường trong năm 2024 giữa hai nước đã vượt quá 1 tỷ USD. Xu hướng tích cực này vẫn được duy trì phần lớn là do hai nước đã thiết lập được các mối liên kết trực tiếp giữa các cơ cấu kinh doanh chuyên ngành, cũng như việc mở rộng danh sách các công ty đã nhận được giấy phép hoạt động của các cơ quan thú y và kiểm dịch thực vật của hai nước.
Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch, địa phương... ngày càng được mở rộng, trong đó hợp tác khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo giữa hai nước được đẩy mạnh và nâng lên tầm chiến lược. Nga đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều sinh viên Việt Nam nhờ vào các chương trình học bổng và đào tạo chất lượng cao, trong đó có các ngành công nghiệp chủ chốt như năng lượng, dầu khí, khoa học cơ bản. Hàng chục nghìn cán bộ khoa học, kỹ sư và công nhân kỹ thuật được đào tạo tại Liên bang Nga đã có những đóng góp tích cực, hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam và là nhân tố tạo cầu nối hữu nghị giữa người dân hai nước. Kể từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Liên bang Nga.
Hợp tác văn hóa, thể thao, du lịch được triển khai tích cực với việc tổ chức thường niên và luân phiên Những ngày văn hóa tại mỗi nước. Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam kết hợp Lễ bế mạc Năm chéo Việt Nam-Nga đã được tổ chức vào tháng 7/2023; Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga đã được tổ chức vào tháng 7/2024.
Hợp tác du lịch đã có bước chuyển biến tích cực. Đường bay thẳng giữa hai nước đã được nối lại vào năm 2023. Tháng 10/2024, lượng khách Nga vào Việt Nam đạt hơn 117,8 nghìn lượt, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 4 trong số các nước châu Âu.

Chuyến bay charter (thuê bao chuyến) đầu tiên đưa du khách Nga trở lại Khánh Hòa kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Ảnh: TTXVN phát
Hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Hiện nay, đã có khoảng 20 cặp quan hệ giữa các địa phương hai nước được thiết lập, đặc biệt giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Moskva, Saint Petersburg... Năm 2024, các đoàn đại biểu của thành phố St. Petersburg và Moskva, các tỉnh Ulyanovsk, Yaroslavl và Yakutia đã đến thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam, lãnh đạo các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Trị, Thái Bình và Hải Phòng cũng đã đến thăm các tỉnh của Nga.
Cộng đồng người Việt Nam tại Nga hiện có khoảng 70.000 người, luôn gắn bó và coi Nga là quê hương thứ hai của mình. Tại Liên bang Nga đã thành lập các tổ chức của người Việt như Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội doanh nghiệp, Hội Cựu chiến binh, Hội sinh viên tại Moskva, Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Khoa học Kỹ thuật, Hội Y Dược, Hội võ thuật, các Hội đồng hương… Cộng đồng người Việt Nam tại Nga có nhiều đóng góp cho đất nước và sở tại, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lần này diễn ra vào thời điểm có nhiều ý nghĩa khi hai nước đang cùng nhau kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đồng thời, mỗi nước cũng kỷ niệm những mốc son lịch sử trọng đại: Nga kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945-9/5/2025); Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 80 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2025).
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chuyến thăm nhằm tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga, mở rộng hợp tác song phương trong các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, dầu khí, công nghiệp; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, khoa học cơ bản, y sinh học… Đồng thời, chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam là người bạn thủy chung, nghĩa tình đối với các nước bạn bè truyền thống, đầy trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tạo thêm những động lực quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đề ra, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.
Tags