Sau hơn 10 năm bền bỉ với sân khấu và từng mang về 4 huy chương bạc, diễn viên Bảo Thanh vừa giành chiếc huy chương vàng đầu tiên trong nghiệp diễn sân khấu. 

Với cô, giải thưởng này không chỉ là dấu mốc nghề nghiệp mà còn là "cái ôm dành cho chính mình" sau những tháng ngày miệt mài gắn bó với ánh đèn sân khấu.

Bảo Thanh vỡ oà khi nhận HCV đầu tiên sau hơn 10 năm gắn bó với sân khấu - Ảnh 1.

Phóng viên (PV) báo Thể thao và Văn hóa/TTXVN đã có buổi trò chuyện, lắng nghe nữ diễn viên chia sẻ về sự nghiệp và cuộc sống!

PV: Huy chương vàng vừa nhận có ý nghĩa thế nào với chị sau hơn một thập kỷ gắn bó với sân khấu?

Suốt quãng thời gian gắn bó với sân khấu từ khi ra trường cho đến nay, đây là huy chương vàng đầu tiên mà tôi đạt được. Trước đó, trong các kỳ hội diễn, liên hoan, tôi chỉ đạt huy chương bạc thôi. 4 huy chương bạc mà chưa có vàng, nên các anh chị trong nhà hát còn trêu tôi là "Thanh bạc".

Bảo Thanh và huy chương vàng đầu tiên: “Giống như một cái ôm dành cho chính mình” - Ảnh 2.

Diễn viên Bảo Thanh rạng rỡ khoe cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp

Vậy nên, lúc tên mình được xướng lên trong hạng mục nghệ sĩ đạt huy chương vàng, thực sự cảm xúc của tôi khi đó rất khó tả, không biết nói thế nào.

Sau bao nhiêu năm lặng lẽ làm nghề, bao nhiêu năm đứng trên sân khấu, có lúc vui, lúc buồn, có lúc thất vọng muốn bỏ cuộc, mệt mỏi và lạc lõng, nhưng thực tâm tôi chưa bao giờ ngừng yêu ánh đèn sân khấu, chưa bao giờ ngừng cố gắng.

Rồi đến khoảnh khắc được gọi tên, nhận huy chương vàng trên tay, thực sự thấy tim mình có đôi chút loạn nhịp, ký ức tua nhanh trong chớp mắt. Mọi mệt mỏi, mọi hoài nghi trước đó đều tan biến hết. Nó như một cái ôm lớn dành cho chính mình - đứa con gái Bắc Giang bé xíu ngày nào theo nghệ thuật chỉ vì đam mê ánh đèn sân khấu.

Giải thưởng tại kỳ Liên hoan lần này còn có ý nghĩa với riêng tôi, khi mốc son cá nhân tại Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND lại đến đúng vào dịp Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Với một nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát kịch CAND, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào. 

Bảo Thanh vỡ oà khi nhận HCV đầu tiên sau hơn 10 năm gắn bó với sân khấu - Ảnh 2.

Diễn viên Bảo Thanh hạnh phúc chụp ảnh cùng các đồng nghiệp

PV: Nhìn lại những lần "đi chậm, dậm chân tại chỗ" như chị từng chia sẻ, có thời điểm nào chị từng nghĩ đến chuyện rời sân khấu không?

Có chứ… nhiều là đằng khác. Làm sân khấu mà, đâu có dễ. Nhiều khi tập vở cả tháng trời, vở diễn lên sàn, sáng đèn rồi mà khán giả có khi chưa đầy nửa rạp. Thậm chí có những đợt chúng tôi đi công tác ở tỉnh xa, chuẩn bị ra diễn thì mưa gió bão bùng phải hoãn, anh em lại vật vã dọn dẹp cảnh trí, âm thanh loa đài dưới mưa tầm tã. Rồi có những thời điểm, khi nhiều chương trình cùng tập một lúc, diễn viên không có đủ thời gian nghỉ ngơi chứ đừng nói đến việc tranh thủ về nhà ngó nghiêng gia đình, con cái. Thân - tâm - trí dồn cho vai diễn, lắm khi đến cùng kiệt mà vẫn chưa đạt được như mong đợi, cũng buồn và nản lắm.

Đến khi sinh xong bé thứ 2, kế hoạch chung của hai vợ chồng hoàn thành. Tôi chỉ cồn cào muốn được đi diễn trở lại. Nhìn ánh đèn sân khấu mà nhớ da diết, lúc đó lại chẳng còn nhớ đến những vất vả sáng đêm lăn lộn trên sàn tập. Chỉ nhớ đến những giây phút được thăng hoa trên sân khấu cùng những vai diễn. Và tôi đã quyết định trở lại sân khấu thật nhanh như ước vọng.

Bảo Thanh vỡ oà khi nhận HCV đầu tiên sau hơn 10 năm gắn bó với sân khấu - Ảnh 4.

Thời điểm tôi quay lại, nền sân khấu, đặc biệt là sân khấu kịch nói đã có dấu hiệu giảm sút về lượng khán giả, thiếu vắng đầu tư dài hơi, và gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động thường xuyên do thói quen tiếp nhận văn hóa - giải trí của khán giả đã thay đổi

Mình nghĩ đây là nỗi buồn chung của những người làm nghề, không chỉ riêng mình.

Bảo Thanh và huy chương vàng đầu tiên: “Giống như một cái ôm dành cho chính mình” - Ảnh 5.

Bảo Thanh (đeo kính) trên sân khấu

Ngày xưa, khi còn là một cô bé theo bố đi xem kịch, cả gia đình ngồi kín cả rạp, không còn chỗ trống. Cảm giác đó thật sự tuyệt vời! Nhưng bây giờ, khi nhìn quanh, những buổi tối vắng vẻ, những hàng ghế thưa thớt người, Thanh không khỏi cảm thấy một chút tiếc nuối.

Khán giả bây giờ nhiều lựa chọn quá, từ phim ảnh đến các chương trình truyền hình, rồi cả mạng xã hội nữa. Người ta muốn xem gì đó nhanh chóng không phải chờ đợi lâu như khi đến sân khấu. Nhiều khi, khi nhìn sân khấu vắng, mình cũng tự hỏi: Liệu khán giả có còn tìm thấy sự gắn kết, sự chân thật trong một vở kịch như trước không? Rồi có bao giờ, họ sẽ nhớ về cái cảm giác ngồi ở khán phòng xem biểu diễn, cùng nhau bật khóc hay bật cười trong khoảnh khắc đó không?

Thật ra thì… đúng là bây giờ sân khấu không còn sôi động, rộn ràng như hồi trước nữa. Khán giả đến rạp cũng ít hơn. Nhưng mình hiểu, cuộc sống thay đổi, cách người ta giải trí cũng thay đổi theo. Có điều, sân khấu vẫn còn đó, sân khấu vẫn sẽ sống được, nếu những nghệ sĩ vẫn còn yêu nghề, còn tâm huyết, và dám thử sức với những tác phẩm mới mẻ, thú vị. Vẫn có những nghệ sĩ âm thầm giữ lửa, vẫn có khán giả chịu ngồi yên hai tiếng chỉ để xem một câu chuyện đời.

Bởi nghề nào cũng vậy, có lúc thăng trầm, nhưng nếu ta không ngừng nỗ lực, thì dù sân khấu có vắng đi đôi chút, vẫn luôn có một nhóm khán giả trung thành - những người sẽ vẫn tiếp tục đến, tiếp tục yêu thương nghệ thuật sân khấu. Thanh nghĩ, chỉ cần còn người yêu - thì sân khấu sẽ không bao giờ chết đâu.

Và cũng như chính bản thân mình, chỉ cần còn yêu - mình sẽ không bao giờ rời bỏ được ánh đèn sân khấu ấy. 

Bảo Thanh và huy chương vàng đầu tiên: “Giống như một cái ôm dành cho chính mình” - Ảnh 6.

PV: Chị thấy mình trưởng thành thế nào về diễn xuất nhờ những vai trên sân khấu kịch, và các vai diễn đó có khác nhiều với các vai trên phim truyền hình không?

Khác nhiều lắm! Ở sân khấu là không có cắt ghép, không có "take 2, take 3" như phim. Mình phải thuộc thoại, nhớ đường dây cảm xúc, và diễn sao cho từ đầu tới cuối không bị đứt mạch. Cái đó nó rèn cho mình sự kỷ luật và tập trung cực kỳ cao. Rồi cả kỹ năng xử lý tình huống nữa, vì sân khấu là "sống" luôn cùng nhân vật trên sân khấu đó, khán giả ngồi xem trực tiếp mà. Sân khấu buộc mình phải đào sâu tâm lý nhân vật, sống cùng nhân vật suốt mấy tiếng đồng hồ trên sàn diễn, đòi hỏi sự tập trung cao độ, giữ nhịp, giữ cảm xúc… khó hơn truyền hình rất nhiều.

Còn phim thì có sự hỗ trợ của máy quay, diễn sai có thể làm lại. Đôi khi cảm xúc sẽ phải "delay" một chút để chờ diễn lại đoạn sau, các cảnh phim sẽ bị cắt - dựng chứ không hoàn toàn liền mạch như sân khấu. Nhưng nếu đã có sự rèn giũa tôi luyện bản lĩnh sân khấu, thì khi làm phim sẽ dễ thở hơn nhiều.

Bảo Thanh và huy chương vàng đầu tiên: “Giống như một cái ôm dành cho chính mình” - Ảnh 7.

PV: Sau giải thưởng này, chị có dự định tham gia các vở kịch hay dự án sân khấu nào khác không?

Có chứ, anh chị em nghệ sĩ chúng tôi dịp này vẫn chưa được nghỉ xả hơi đâu.

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND, vài ngày tới cũng sẽ diễn ra Tuần lễ kịch CAND. Khán giả thủ đô sẽ được thưởng thức một loạt các vở kịch đặc sắc, do Nhà hát kịch CAND và các đơn vị nghệ thuật khác dàn dựng, sẽ lần lượt được công diễn tại các địa điểm khác nhau, phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

PV: Gia đình, đặc biệt ông xã, đã ủng hộ chị như thế nào trong hành trình theo đuổi sân khấu - một lĩnh vực không nhiều hào quang như truyền hình?

Chồng mình là người ít nói, nhưng lúc nào cũng ở sau lưng vợ - vững như cái cột nhà ấy. Nhiều khi mình đi tập kịch, sáng đi từ lúc chồng con chưa ngủ dậy, tối về có lúc chẳng kịp ăn cơm, có khi về tới nhà là nửa đêm thì con cái cũng ngủ cả rồi. Nhưng anh ấy vẫn đợi. Không hỏi nhiều, chỉ đưa cốc nước, miếng bánh. Rồi đứa thì dọn dẹp, đứa thì bơ phờ ngồi vừa thở vừa ăn, cứ im lặng việc ai nấy làm nhưng đó lại chính là khoảnh khắc yên bình, hạnh phúc nhất. Vì vẫn có một người chờ mình về.

Mình thật may mắn vì có chồng hiểu cho công việc của vợ, anh thực tế, sống chân thành, biết cách dung hoà và cùng nhau chu toàn nhà cửa, con cái  - người ta không hiểu mình ngoài kia cũng không sao, miễn về nhà có người hiểu là được.

Ông xã của Bảo Thanh (thứ hai từ phải sang) đến ủng hộ vợ

PV: Chị từng nói bố luôn dõi theo con đường nghệ thuật chị chọn. Khoảnh khắc nhận huy chương vàng, chị nghĩ gì nếu có thể chia sẻ điều đó với ông?

Nếu bố còn ở đây, chắc bố sẽ mỉm cười và xúc động lắm đấy. Vì bố mình là người sống tình cảm, trượng nghĩa, một người nghệ sĩ vô cùng yêu nghề và luôn đối xử tốt với mọi người xunh quanh. Ngày bé, bố hay dẫn mình đi lên cơ quan xem bố tập, rồi thi thoảng bố mẹ đi diễn tỉnh xa, không có ai trông nên phải mang mình theo. Mình được ngấm máu nghề từ cả bố và mẹ ngay từ nhỏ.

Lúc đứng trên sân khấu nhận giải, Thanh thấy lòng mình nghẹn lại. Chỉ mong bố nhìn thấy được, và hiểu rằng con gái bố đã đi tới cùng giấc mơ rồi. Mà giấc mơ đó... bố mẹ là người thắp lửa đầu tiên.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Duy An
NVCC