Được mệnh danh là "bóng hồng chạy bộ Gia Lai" hay "bóng hồng chạy bộ phố núi" Vy Phan (Phan Thị Tường Vy) không chỉ là gương mặt nổi bật của phong trào chạy bộ Gia Lai mà còn là nguồn cảm hứng cho cộng đồng yêu chạy bộ. 

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 1.

Không chỉ xem chạy bộ là hành trình rèn luyện thể chất, Vy còn coi mỗi bước chân trên đường chạy là cơ hội để quảng bá văn hóa, du lịch quê hương, kết nối cộng đồng và truyền cảm hứng sống tích cực. 

Trong cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), "bóng hồng phố núi" chia sẻ về sự phát triển của phong trào chạy bộ tại Gia Lai, tiềm năng du lịch thể thao của vùng đất cao nguyên, cũng như những ý tưởng để đưa hình ảnh Gia Lai – Tây Nguyên vươn xa trên bản đồ du lịch Việt Nam.

 Vy Phan cho biết:

- Trong những năm gần đây, phong trào chạy bộ tại Gia Lai phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều câu lạc bộ chạy bộ được thành lập, tạo điều kiện cho các vận động viên phong trào như tôi có thêm kiến thức, năng lượng và cơ hội giao lưu, học hỏi, rèn luyện để đạt thành tích tốt cũng như nâng cao sức khỏe. Gia Lai là vùng đất cao nguyên với khí hậu mát mẻ, phong cảnh tuyệt đẹp cùng nền văn hóa và ẩm thực đa dạng. Đây luôn là lựa chọn lý tưởng và mới mẻ cho những runner yêu thích trải nghiệm và khám phá. Chính những yếu tố này đã giúp các giải chạy ở Gia Lai ngày càng thu hút đông đảo vận động viên trong và ngoài tỉnh.

Hơn 6.800 VĐV chinh phục Giải chạy Gia Lai City Trail 2024 - Giấc mơ đại ngàn

* Nhiều người cho rằng các sự kiện thể thao, trong đó có chạy bộ, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy văn hóa và du lịch địa phương. Vy có thấy thế không?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Chạy bộ không chỉ là một hoạt động thể thao mà còn là cầu nối văn hóa và du lịch rất hiệu quả. Mỗi giải chạy là cơ hội để vận động viên và du khách trải nghiệm cảnh sắc, con người và nét văn hóa đặc trưng của từng vùng đất. Với Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung – nơi sở hữu thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành và bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa – việc tổ chức các giải chạy là dịp tuyệt vời để quảng bá hình ảnh địa phương. Những cung đường chạy ngang qua đồi chè, thác nước, nương rẫy hay các buôn làng sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho những ai lần đầu đến vùng đất này. Giải chạy còn khơi dậy sự tự hào địa phương, gắn kết cộng đồng và tạo điều kiện cho người dân cùng tham gia, không chỉ với vai trò vận động viên mà còn là người đồng hành, cổ vũ hoặc hỗ trợ tổ chức.

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 3.

* Vy có thường chia sẻ gì về văn hóa, du lịch quê mình với bạn bè runner ở các địa phương khác?

Tôi luôn xem mỗi chuyến đi thi đấu là cơ hội để lan tỏa tình yêu quê hương. Tôi thường kể cho các bạn vận động viên ở khắp nơi về Gia Lai – vùng đất cao nguyên hùng vĩ, nơi có đồi chè xanh ngút mắt, hồ T'Nưng thơ mộng… 

Tôi cũng không quên giới thiệu về những đặc sản như phở khô "hai tô", bún cua thối – món ăn nghe tên thì ngại nhưng ăn rồi thì nhớ mãi. Nhiều bạn sau giải chạy còn hỏi tôi: "Vy, bao giờ tụi mình lên Gia Lai chạy một giải ở đó đi!" – lúc đó tôi rất vui, vì biết đâu những lời chia sẻ nhỏ lại khiến mọi người tò mò và muốn đến khám phá mảnh đất quê mình.

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 4.

*Theo Vy, hình ảnh cá nhân của vận động viên có thể góp phần quảng bá văn hóa địa phương như thế nào?

Tôi nghĩ hình ảnh cá nhân của vận động viên hoàn toàn có thể trở thành một kênh quảng bá văn hóa rất hiệu quả, đặc biệt trong thời đại mạng xã hội hiện nay. Một bộ trang phục thi đấu cá tính, chỉn chu, mang theo câu chuyện riêng không chỉ giúp tôi tự tin hơn trên đường chạy, mà còn tạo ấn tượng mạnh với cộng đồng yêu chạy bộ. Tôi thường kết hợp việc chia sẻ hình ảnh thi đấu với những câu chuyện về địa phương, như một bài đăng vừa có hình chạy vừa có chú thích kể về một món ăn Gia Lai, một lễ hội cồng chiêng, hay một câu chuyện nhỏ về người dân vùng cao. Đó là cách để hình ảnh cá nhân không chỉ là một bức ảnh đẹp, mà còn là một "tấm bưu thiếp sống" gửi đi thông điệp về văn hóa và con người nơi mình thuộc về.

Một số hình ảnh về Vy Phan trên đường chạy và đời thường. Ngoài chạy bộ, nữ runner sinh năm 1999 còn là giáo viên dạy nhảy hiện đại và có một trung tâm dạy nhảy tại quê nhà

* Vy đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thể thao tại Gia Lai ra sao? Cần làm gì để thu hút thêm vận động viên và du khách?

Tôi đánh giá tiềm năng phát triển du lịch thể thao tại Gia Lai là rất lớn, đặc biệt là mô hình tổ chức các giải chạy kết hợp trải nghiệm cảnh quan, văn hóa và con người bản địa. Gia Lai có lợi thế tự nhiên rất đặc biệt: khí hậu mát mẻ, địa hình đa dạng với cao nguyên, rừng thông, thác nước, đồi chè và cả những buôn làng mang đậm bản sắc Tây Nguyên. 

Đây là chất liệu tuyệt vời cho các giải chạy có tính trải nghiệm, nơi người tham gia không chỉ chạy mà còn được chạm vào hồn cốt văn hóa địa phương. Đặc biệt, văn hóa cồng chiêng, nhà rông, lễ hội dân gian và ẩm thực địa phương cũng là những yếu tố tạo nên sự khác biệt mà không nơi nào có. Một giải chạy ở Gia Lai không chỉ là sự kiện thể thao, mà có thể trở thành một "hành trình khám phá" thực thụ – vừa vận động thể thao, vừa du lịch, vừa kết nối.

Tây Nguyên với các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, được biểu hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên...

Để thu hút thêm du khách và vận động viên, tôi nghĩ cần có một chiến lược truyền thông bài bản, tạo ra câu chuyện hấp dẫn xoay quanh giải chạy, ví dụ như "Chạy giữa đại ngàn", "Đón bình minh trên đồi chè", hay "Chạm vào âm vang cồng chiêng trên từng bước chân"… Đồng thời, cần chú trọng đến trải nghiệm tổng thể: từ khâu đón tiếp, giới thiệu ẩm thực địa phương, tour tham quan trước hoặc sau giải chạy, đến việc đưa yếu tố văn hóa vào thiết kế áo, huy chương, điểm check-in… 

Quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, các đơn vị tổ chức giải và cộng đồng người dân để mỗi sự kiện thể thao không chỉ mang lại danh tiếng, mà thực sự tạo ra cảm xúc, kết nối và động lực cho mọi người quay trở lại.

Tây Nguyên, xứ sở của những thiên sử thi đậm chất huyền thoại, vùng đất của đại ngàn xanh thẳm, nơi có những con đường uốn lượn qua những cánh rừng già, nơi những bản làng mộc mạc ẩn hiện giữa mây trời, nơi văn hóa cồng chiêng đậm đà bản sắc dân tộc hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại luôn có sức mê hoặc lạ kỳ

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 8.

* Với vai trò là thành viên Ban Chấp hành CLB Gia Lai Marathon, Vy mong muốn gì cho các giải chạy tại địa phương?

Tôi mong muốn các giải chạy ngày càng chuyên nghiệp hơn, mang đậm dấu ấn địa phương và trở thành sự kiện thể thao, du lịch đặc trưng của Tây Nguyên. Tôi đề xuất nên chọn các cung đường chạy gắn với thiên nhiên và văn hóa như hồ T'Nưng, đồi chè, làng đồng bào dân tộc; kết hợp âm nhạc cồng chiêng, ẩm thực địa phương để tạo trải nghiệm thật khác biệt. 

Bên cạnh đó là tổ chức bài bản, chăm chút race-kit, dịch vụ hậu cần, truyền thông để mỗi vận động viên khi đến Gia Lai đều có cảm giác được chào đón, được truyền cảm hứng và muốn quay lại. Tôi tin rằng nếu làm tốt, Gia Lai hoàn toàn có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu thể thao và khám phá.

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 9.

* Nếu được chọn một nơi để giới thiệu bạn bè quốc tế đến chạy bộ, Vy sẽ chọn địa điểm nào?

Tôi sẽ chọn cung đường quanh hồ T'Nưng, hay còn gọi là Biển Hồ. Đây là một trong những biểu tượng đẹp nhất của Gia Lai, với mặt nước xanh trong, rừng thông hai bên và không khí mát lành quanh năm. Chạy ở đây vừa có cảm giác thư thái, vừa mang màu sắc rất riêng của cao nguyên. Tôi nghĩ đây sẽ là trải nghiệm khó quên với bất kỳ ai yêu thể thao và thiên nhiên.

* Vy có ý tưởng gì trong việc kết hợp chạy bộ với du lịch, khám phá văn hóa địa phương?

Tôi rất mong muốn được tổ chức hoặc đồng hành cùng các hoạt động chạy bộ kết hợp du lịch, khám phá văn hóa địa phương không chỉ ở Gia Lai mà còn trên khắp Việt Nam. Ví dụ như tổ chức chạy trải nghiệm ở làng đồng bào dân tộc, các tour chạy khám phá thiên nhiên, hay các sự kiện giao lưu giữa runner trong nước và quốc tế. Tôi tin rằng chạy bộ không chỉ rèn luyện thể chất mà còn là một cách tuyệt vời để kết nối với con người, với vùng đất mới – và nếu lồng ghép khéo léo các yếu tố văn hóa, đó sẽ là một hình thức quảng bá rất tự nhiên, sâu sắc và đầy cảm xúc.

Cảm ơn Vy Phan về cuộc phỏng vấn!

"Bóng hồng phố núi" Vy Phan: “Mỗi vận động viên là một kênh quảng bá văn hóa, du lịch rất hiệu quả”  - Ảnh 10.

PHẠM HUY
TTXVN, NVCC