Cầu nối văn hóa từ "Lược sử nước Việt bằng tranh"

Thứ Ba, 08/07/2025 11:59 GMT+7

Google News

Một sự kiện thú vị trong đời sống xuất bản: Nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt - Lược sử nước Việt bằng tranh phiên bản song ngữ Việt - Nhật. Đây không chỉ là cuốn sách lịch sử dành cho thiếu nhi, mà còn là nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, giữa cộng đồng người Việt xa xứ và những trái tim Nhật Bản yêu mến dải đất hình chữ S.

1. Lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 2011, Lược sử nước Việt bằng tranh đã trải qua hơn 1 thập kỷ đến với bạn đọc và đánh dấu hành trình đáng nhớ này bằng nhiều cột mốc quan trọng. Sau khi phát hành các phiên bản tiếng Việt, song ngữ Việt - Anh và đơn ngữ tiếng Hàn, cuốn sách nay chính thức trình làng bản song ngữ Việt - Nhật. Với phong cách kể chuyện súc tích của nhóm tác giả Hiếu Minh, Huyền Trang, cùng phần minh họa sinh động của họa sĩ Tạ Huy Long, ấn phẩm này tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam - từ thời Hồng Bàng cho đến hiện đại - bằng hình thức tranh panorama cuốn hút, dễ tiếp cận.

Cầu nối văn hóa từ "Lược sử nước Việt bằng tranh" - Ảnh 1.

Bìa cuốn “Lược sử nước Việt bằng tranh”

"Sau nhiều năm làm việc và tiếp xúc với trẻ em, chúng tôi nhận ra rằng không có cách kể nào hiệu quả hơn là kết hợp giữa lời và tranh minh họa" - tác giả Hiếu Minh, 1 trong những người chấp bút phần lời cuốn sách, chia sẻ - "Với những cuốn sách lịch sử được coi như là "cuốn sách phổ thông đầu tiên" dành cho các em, chúng tôi mong muốn đó sẽ là những cuốn sách truyền cảm hứng, để khi lớn hơn, các em sẽ tiếp tục tìm tòi, khám phá qua các cuốn sách lịch sử chuyên sâu khác".

Bản dịch tiếng Nhật lần này khởi nguồn từ một món quà đầy ý nghĩa. Vào tháng 12 năm ngoái, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã sử dụng Lược sử nước Việt bằng tranh làm tặng phẩm. Cuốn sách khi ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến bà Lê Thương - Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại vùng Kansai. Từ đó, bà phối hợp với 3 học giả Nhật Bản gồm giáo sư Shimizu Masaaki, Kondo Mika và Okada Masashi để bắt tay vào quá trình chuyển ngữ, hiệu đính và hoàn thiện ấn bản song ngữ.

Cầu nối văn hóa từ "Lược sử nước Việt bằng tranh" - Ảnh 2.

Cuốn "Lược sử nước Việt bằng tranh" được thể hiện theo hình thức tranh panorama

Giáo sư Shimizu Masaaki, người chuyển ngữ cuốn sách, nhận định: "Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hun đúc nên biết bao anh hùng kiệt xuất. Tôi rất hy vọng độc giả Nhật Bản khi đọc cuốn sách này sẽ cảm nhận được những giá trị cốt lõi của người Việt qua từng câu chuyện lịch sử".

Và dịch giả này bày tỏ niềm tin của mình: "Những giá trị trong cuốn sách có thể chạm đến trái tim người Nhật, bởi giữa 2 dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về tinh thần và văn hóa".

Tương tự, bà Lê Thương - Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Kansai - cũng đánh giá cao phiên bản mới này: "Nhà xuất bản và nhóm tác giả đã tạo ra một cuốn sách cực kỳ ý nghĩa và hữu ích cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Nhật Bản nói riêng". Theo bà Thương, Lược sử nước Việt bằng tranh "thực sự hữu ích để các em nhỏ sinh ra và lớn lên tại Nhật hiểu được nguồn cội, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, và tự tin giới thiệu về quê hương cha mẹ mình với bạn bè quốc tế".

Cầu nối văn hóa từ "Lược sử nước Việt bằng tranh" - Ảnh 3.

2. Như những chia sẻ từ phía thực hiện, ấn phẩm song ngữ này không đơn thuần là một cuốn sách giáo dục, mà còn được xem như nguồn học liệu giá trị trong việc giảng dạy tiếng Việt tại Nhật, giúp học sinh, sinh viên hiểu thêm về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đối với bạn bè Nhật Bản, đây là một nhịp cầu văn hóa giúp họ tiếp cận Việt Nam một cách gần gũi, trực quan và sâu sắc hơn.

Theo giáo sư Shimizu Masaaki - người chuyển ngữ cuốn sách - hiện nay, số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng. Do đó, việc tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau về văn hóa giữa 2 dân tộc là điều hết sức cần thiết, nhằm tạo ra những giá trị mới trong mọi lĩnh vực đời sống tại Nhật Bản. Để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là người Nhật cần hiểu văn hóa và ngôn ngữ của người Việt Nam.

Cầu nối văn hóa từ "Lược sử nước Việt bằng tranh" - Ảnh 4.

Dịch giả, GS Shimizu Masaaki

"Tôi mong rằng những câu chuyện lịch sử Việt Nam được kể lại trong cuốn sách này có thể giúp độc giả Nhật Bản hiểu rõ hơn và quan tâm hơn đến bản sắc dân tộc của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Nhật" - ông nói.

Còn theo ông Sakai Hironori - Chủ tịch Hội Thân hữu Việt Nam - Nhật Bản: "Việc phát hành cuốn sách này mang ý nghĩa rất lớn trong giao lưu văn hóa. Muốn hiểu một dân tộc, trước hết phải hiểu lịch sử của họ".

Như thế, việc ra đời phiên bản Việt - Nhật của Lược sử nước Việt bằng tranh không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận lịch sử dân tộc cho cộng đồng độc giả Việt Nam và Nhật Bản, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trên hành trình lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đó cũng là mong mỏi lớn của những người thực hiện dự án: Trong tương lai sẽ có thêm nhiều ấn phẩm song ngữ - không chỉ bằng tiếng Nhật mà cả các ngôn ngữ khác - để truyền tải câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam ra khắp 5 châu. Những cuốn sách như thế sẽ trở thành chiếc cầu nối, giúp gìn giữ và lan tỏa bản sắc Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

"Những giá trị trong cuốn sách có thể chạm đến trái tim người Nhật, bởi giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về tinh thần và văn hóa" - DỊCH GIẢ, GS SHIMIZU MASAAKI.

An Hạ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›