Một trong những thú chơi chữ của người Việt Nam là nói lái. "Nói bằng cách giao hoán âm đầu, vần và thanh điệu của 2 âm tiết trong một tổ hợp để tạo nên nghĩa khác hẳn với nghĩa ban đầu của tổ hợp: Cách nói "đầu tiên" nghĩa "tiền đâu" là lối nói lái trong tiếng Việt" - "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) giải thích.
Có một điều thú vị là trong các câu đố, người ta còn vận dụng cách nói lái, khiến người nghe phải vận dụng lấy sự thông minh, nhanh trí, linh hoạt nếu không sẽ bí rị bà rì. Nay, ta thử liệt kê xem sao.
Đây là những câu thuộc loại đố mẹo: "Có một toán học sinh trên đến trường, gặp con cò đui thì chúng quay về. Tại sao?". Con cò đui là cò không thấy, nói lái là thầy không có. "Một bà già ra ao vớt bèo, gặp con cò ốm, bà quay về. Vì sao?". Cò ốm là cò không béo, nói lái là bèo không có. "Có bà già, bà quảy buồng dừa đem ra chợ bán, đi qua cầu làm rơi một trái, hỏi còn mấy trái?". Bà quảy là 7 quả, rớt 1 còn lại 6.
"Rau gì tròn tròn dẹp dẹp, đập cái bẹp ra máu?". Ra máu nói lái rau má. "Đầu rồng đuôi phụng mấy tia", là cây gì?". Mấy tia nói lái mía tây. "Tròn lỗ méo hang là cái gì?". Méo hang là máng heo. Máng là vật dụng hình đường ống chẻ đôi, đặt ngửa, làm bằng vật dụng như gạch, gỗ, thiết… bắt ngang dưới mái nhà dùng hứng và dẫn nước mưa.

Tranh minh hoạ: Internet
Vậy câu tục ngữ "Cạn tàu ráo máng" thì máng hiểu theo nghĩa này? Không, chính vì có từ "tàu" nên ta biết cũng là từ nhằm chỉ cái máng đựng thức ăn trong chuồng ngựa; còn được dùng để chỉ chuồng ngựa: "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"; chỗ nhốt voi cũng gọi "tàu" như tục ngữ có câu: "Nhà như tàu tượng" là cái nhà tuềnh toàng, bẩn thỉu, trống huơ trống hoác như cái chuồng voi.
Ít ai biết, máng cũng từ được sử dụng trong văn hóa "nói trớ" của người Việt Nam, còn có thể tìm thấy trong cách nói của người phía Nam, thí dụ, người vợ nói: "Tía nó ơi, hổm rày bầy heo nhà mình trở máng, tui lo quá". "Trở máng" là từ dùng để chỉ heo, lợn bỏ ăn.
Trong hồi ký, nhạc sĩ Trần Văn Khê có kể lại câu chuyện cậu năm là soạn giả Nguyễn Tri Khương có ra câu đố thuộc dạng nói lái: "Ông mượn cháu đi Giồng Dứa mua dừa giống về ương mộng". Ta biết, "ông mượn" nói lái là "ươn mộng", "ươn" phát âm cũng như "ương", Giồng Dứa là "dừa giống". "Ương" cũng như "ươm" có nghĩa là gieo trồng, chăm sóc cho cây con phát triển tốt, cứng cáp rồi đem trồng nơi khác.
Không chỉ có thế, tùy ngữ cảnh, ương còn chỉ trái cây gần chín, hiểu theo "Nghĩa bóng: Nói tính gàn dở bướng bỉnh: Người có tính ương" - theo "Việt Nam tự điển" (1931), đích thị là ương dở, ương gàn, ương ách, ương ngạnh, ương bướng…
Với từ ương, ca dao Nam bộ có câu: "Nước còn khi chảy khi ương/ Ngẫm tôi với bậu lương khương quá chừng" thì "ương"/ "nước ương" là nhằm chỉ con nước không dâng, không hạ, lình bình, lờ đờ, dở ròng dở lớn - thường xảy ra vào mồng chín, mồng mười âm lịch mỗi tháng. Câu ca dao trên cho biết, mối tình này chưa bề nào ra bề nào, còn lương khương, lở dở...
Về câu đố của ông Nguyễn Tri Khương, muốn đố lại, tất nhiên dù theo phép đối xứng nhưng cũng phải nói lái: "Chồng sai vợ ra chợ Thủ kêu chú thợ về chài sông".
Chồng sai nói lái chài sông, chợ Thủ nói lái chủ thợ. Vậy, chợ Thủ ở đâu? Khó xác định bởi "thủ" là giữ gìn, canh giữ, canh thủ với các từ liên quan như trại thủ, đồn thủ mà nhiều địa danh ở trong Nam gắn với từ thủ, chẳng hạn: "Thủ Thiêm, Thủ Đức, Thủ Đoàn/ Anh phải lòng nàng tại Thủ Chiến Sai"…
Tags