Chuyên gia Đoàn Minh Xương: 'Nuôi dưỡng những thế hệ công dân phát triển cả bốn yếu tố: Đức - Trí - Thể - Mỹ'

Thứ Tư, 07/05/2025 05:45 GMT+7

Google News

"Để xây dựng nền giáo dục hạnh phúc, thể thao học đường là một thành tố quan trọng của chiến lược phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ cho học sinh, sinh viên, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới", chuyên gia Đoàn Minh Xương đã có những chia sẻ đầy tâm huyết trong câu chuyện cùng Thể thao & Văn hóa.

* Thể thao & Văn hóa: Trong buổi làm việc gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh về giải pháp mời ca sĩ, nhạc sĩ, VĐV hay họa sĩ giỏi dạy âm nhạc, thể dục thể thao hay vẽ cho học sinh. Với một người gắn bó, đồng hành đã lâu trong lĩnh vực thể thao, đâu là những góc nhìn của ông về vấn đề này?

- Chuyên gia Đoàn Minh Xương: Trước hết, tôi đồng tình và ủng hộ với những chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đó không chỉ là lời gợi mở, mà là một chỉ đạo đổi mới giáo dục nói chung, thể thao học đường nói riêng mạnh mẽ. Chúng ta thấy, đây không phải vấn đề mới vì nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai từ lâu rồi. Với chúng ta, trong bối cảnh hiện nay, những định hướng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ như "Kim chỉ nam" để thực hiện trong tương lai.

Phát biểu đó đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong tư duy quản trị giáo dục: Thay vì chỉ dựa vào hệ thống công lập, giáo dục cần được tiếp sức từ cộng đồng, nơi nghệ sĩ, chuyên gia, nhà khoa học trở thành một phần của bài giảng. Nhà nước lo gây dựng phần gốc như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, nhà thi đấu, trang thiết bị. Trong khi đó, việc dạy, hướng dẫn, trao truyền kỹ năng, chuyên môn cần được xã hội hóa sâu rộng, mạnh mẽ, thực chất.

Từ những tiết học khô cứng đang đối mặt với áp lực đổi mới, cánh cửa giáo dục đang dần mở ra để tiếp nhận nghệ thuật, sáng tạo, năng khiếu và sự đồng hành của toàn xã hội trên bục giảng. Giáo dục phải mở. Mở về thời gian khi trẻ em được học hai buổi. Mở về nội dung khi tiếp cận thêm kỹ năng sống. Mở về nguồn lực, khi được học với ca sĩ, họa sĩ, VĐV. Mở về mục tiêu, để mỗi đứa trẻ đều biết phát triển năng lực và cảm xúc cá nhân.

Tựu trung lại, định hướng đã được lãnh đạo cao nhất Đảng và Nhà nước chỉ ra, điều quan trọng nhất còn lại là vạch ra hướng đi căn cơ, bài bản, quy cũ, chuyên nghiệp với những tư duy đột phá, cách làm triệt để từ những cơ quan quản lý, điều hành liên quan đến vấn đề này cùng sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Nuôi dưỡng những thế hệ công dân phát triển cả bốn yếu tố: Đức - Trí - Thể - Mỹ” - Ảnh 1.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương

* Như ông chia sẻ, "đường lớn" đã mở, trong tương lai, việc cụ thể hóa bằng nghị quyết và triển khai thực hiện làm thế nào cho hiệu quả là vấn đề quan trọng nhất?

- Định hướng đã có, vấn đề quan trọng nhất, cốt lõi nhất là làm thế nào để định hường đó được triển khai trong tương lai. Theo tôi, ít nhất chúng ta phải giải quyết được 3 tiêu chí cốt lõi đó là: Vạch ra chiến lược để làm, cách làm cụ thể thế nào và kinh phí đâu để làm?

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Quốc hội thảo luận về dự thảo luật Nhà giáo. Đây là dự án luật dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp lần này. Những gợi mở của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể mở đường cho những tư duy đột phá, mang tính khác biệt cho lĩnh vực giáo dục cũng như thể thao học đường. Lúc này, nhà trường không chỉ trông chờ vào biên chế của những giáo viên thể chất để phục vụ cho công tác thể thao học đường như đã làm lâu nay. Chuyện xã hội hóa, thu hút, mời những họa sĩ, ca sĩ, HLV, VĐV các môn thể thao đứng lớp là câu chuyện cần được triển khai với những hoạch định cụ thể. Những hoạch định như thế có thể được luật hóa bằng những Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ hay các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ ngành liên quan.

Nhiều năm qua, ngành giáo dục và thể thao đã và đang chú trọng phát triển các hoạt động thể thao học đường đảm bảo mục tiêu phát triển thể lực toàn diện của học sinh, sinh viên. Từ đó, góp phần phát hiện và đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao; gắn kết giữa thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao; gắn giáo dục thể chất, thể dục thể thao trong các nhà trường với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, xây dựng một môi trường học tập tích cực và nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhiều người biết việc tập luyện TDTT thường xuyên sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, từ suy nghĩ đến thực tiễn là một quá trình cần triển khai. Nhiều người viện cớ lý do bận rộn không có thời gian rèn luyện thân thể nhưng vẫn dành hàng giờ đồng hồ để lướt mạng xã hội, cafe tán gẫu với bạn bè hay vùi mình vào những trò chơi điện tử vô bổ. Luyện tập TDTT không chỉ đơn thuần là nâng cao sức khỏe mà còn giúp học sinh, sinh viên sống vui, sống khỏe, sống lành mạnh và hướng đến những giá trị "Chân - Thiện - Mỹ" tử tế.

Giáo dục là nền móng của quốc gia. Thể thao học đường là một thành tố quan trọng trong tiến trình đổi mới giáo dục. Sự chung tay để tạo nên những dấu ấn tự hào trên hành trình đó sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình với những thành tựu lớn hơn, hướng đến những giá trị bền vững, phồn vinh, hạnh phúc.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương: “Nuôi dưỡng những thế hệ công dân phát triển cả bốn yếu tố: Đức - Trí - Thể - Mỹ” - Ảnh 2.

Thể thao học đường có vai trò rất quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của các em nhỏ. Ảnh: Hảo Nguyễn

* Với vai trò của một người gắn bó, đồng hành lâu năm trong địa hạt thể thao, hiện nay cũng đảm nhận việc giảng dạy, đứng lớp cho các chương trình bóng đá học đường tại TP.HCM, đâu là những chia sẻ của ông để có thể mở ra nhiều cách làm, hướng đi mới mẻ cho vấn đề này?

- Như tôi đã chia sẻ, trước hết ngành giáo dục và thể thao phải triển khai vấn đề này bằng những quyết sách cụ thể trên tinh thần: "Dám nghĩ, dám làm, biết cách làm và tìm được nguồn lực để làm". Câu chuyện ở đây, không chỉ gói gọn ở khía cạnh dạy những môn học thuộc phạm vi "văn, thể, mỹ" trong trường học một cách đơn thuần. Mà điều cần là qua đó, những tác động tích cực từ việc dạy, học, kết nối, tương tác, đồng hành, sẻ chia, trao truyền như thế sẽ tạo ra được sức hút, niềm đam mê, hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ trong nhà trường.

Một số địa phương như Quảng Trị, Bắc Giang, TP.HCM đã triển khai mô hình "trường học hạnh phúc" trong đó các nghệ sĩ, đạo diễn, nhà báo, bác sĩ được mời đến giao lưu, dạy kỹ năng mềm, kể chuyện truyền cảm hứng. Tại TP.HCM và Hà Nội, Viện Goethe phối hợp với các nghệ sĩ đương đại tổ chức lớp học nghệ thuật tại trường học phổ thông. Trẻ em học cách cảm nhận và phản ánh cuộc sống qua nhiếp ảnh, âm thanh, hội họa. Ở Vương quốc Anh, mô hình Artists in Schools cho phép mời trực tiếp các nghệ sĩ chuyên nghiệp vào giảng dạy tại trường học.

Khi lớp học mời được ca sĩ đến dạy nhạc, VĐV dạy thể dục, họa sĩ dạy vẽ, và nhà khoa học cùng học trò thí nghiệm… thì học sinh sẽ lớn lên không chỉ với điểm số, mà với niềm cảm hứng sống và khả năng hội nhập với thế giới.

Khi đó, chúng ta mới thật sự tiến tới một nền giáo dục hiện đại, linh hoạt, nhân văn, đúng như khát vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đang đặt trọn vào thế hệ tương lai.

* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Trẻ em tham gia vào các môn thể thao khi còn trẻ sẽ năng động hơn khi chúng tham gia lúc đã trưởng thành. Các em cũng nên thử một loạt các hoạt động thể thao khác nhau khi còn trẻ để xem môn nào mình thích nhất. Tập luyện thể dục, thể thao trong nhà trường là môi trường thuận lợi để học sinh sớm được phát hiện và bồi dưỡng tài năng của mình, từ đó giúp các em theo đuổi niềm đam mê và tạo điều kiện tìm kiếm nguồn lực để đào tạo VĐV chuyên nghiệp cho thể thao nước nhà.

Trần Tuấn (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›