Hà Nội có rất nhiều dự án khu tập thể được xây dựng từ những năm 1960 - 1980. Theo thời gian, các khu tập thể hiện đã xuống cấp, kéo theo tình trạng nhếch nhác, lộn xộn của các "chuồng cọp" do người dân cơi nới. Việc nâng cấp các khu tập thể bằng cách thay thế chúng bằng các tòa nhà cao tầng hiện đại và di dời người dân đi nơi khác, vô tình sẽ khiến những di sản quý giá bị mất đi. Và có lẽ Martin Rama là một trong số ít người nước ngoài quyết định lựa chọn cải tạo một căn hộ tập thể cũ thay vì sinh sống tại một căn hộ tiện nghi tại trung tâm thủ đô Hà Nội.
Martin Rama là một trong số ít người nước ngoài quyết định lựa chọn cải tạo một căn hộ tập thể cũ tại Hà Nội để sinh sống
Chuyên gia kinh tế Martín Rama: Người nặng lòng với di sản Hà Nội
Phỏng vấn Ông Martin Rama: Những khu tập thể ở Hà Nội bên cạnh kiến trúc đặc trưng, chúng còn có sự kết nối xã hội rất chặt chẽ, khi mọi người sống ở đây đều quen biết nhau, bởi đa phần những người sống trong khu tập thể đều cùng làm việc tại một cơ quan hay bộ, ban, ngành. Khi hàng xóm quen biết nhau, trẻ con thân thiết với nhau, tạo nên một môi trường sống rất sống động. Tôi đã chọn một căn hộ trong khu tập thể trên con phố Tôn Thất Thiệp để làm ngôi nhà Hà Nội của riêng mình. Tôi cho rằng, hoàn toàn có thể chuyển đổi khu tập thể để có cuộc sống hiện đại mà vẫn giữ được đặc điểm kiến trúc riêng có để kể câu chuyện lịch sử của Hà Nội.
Căn hộ của Martin Rama rộng hơn 100m2, nằm ở tầng trên cùng của một khu tập thể 4 tầng. Với 2 lượt cầu thang trên mỗi tầng, tính ra muốn lên căn hộ phải leo tới 8 tầng thang bộ. Nhưng với một người đã lang thang qua từng ngõ ngách của Hà Nội, thì đó không phải vấn đề, thậm chí ông cho rằng việc leo cầu thang còn tốt cho sức khỏe.
Phỏng vấn Ông Martin Rama: Tôi đã thay đổi toàn bộ kết cấu bên trong để căn hộ được thoáng và nhiều ánh sáng, chỉ giữ lại khung tường và các cánh cửa, đồng thời trang bị thêm nhiều tiện ích, gồm 1 bếp và 2 nhà tắm, nhà vệ sinh. Hầu hết các căn hộ tập thể ở Hà Nội đều được làm chuồng cọp để ăn gian diện tích. Nhưng tôi thì ngược lại, tôi quyết định phá bỏ chuồng cọp, giảm bớt diện tích sinh hoạt bằng việc dành khoảng 15m2 cho ban công để trồng cây xanh. Khi bạn đi qua khu phố cổ sẽ thấy có những căn nhà dù nhỏ nhưng người ta vẫn cố gắng có ban công trồng các loại cây, hoa. Tôi cảm thấy những chiếc ban công rực rỡ sắc màu, ngập tràn hoa lá chính là sự đặc trưng rất Hà Nội và tôi muốn giữ điều đấy cho căn hộ này.
Trong vài năm, với sự giúp đỡ của một người bạn Việt Nam, Martin Rama đã cải tạo căn hộ tập thể này để có không gian sống hiện đại, song vẫn mang hồn cốt mà khu tập thể để lại. Ông luôn mong ngóng được dành thời gian ở căn hộ của mình mỗi khi về Hà Nội, cũng như háo hức chia sẻ về nó khi có người tới thăm.
Ông Martin Rama: Phần lớn đồ đạc trong căn nhà này đều là đồ tôi sưu tầm trong quá trình làm việc tại nhiều nước. Đây là chiếc khung cửa sổ tôi mang từ Ấn Độ về Việt Nam khi kết thúc công việc ở đó. Ấn Độ cũng là nước đang phát triển giống Việt Nam, họ cũng cải tạo lại nhiều căn nhà cũ và bỏ đi khá nhiều đồ đạc. Và tôi đã mang chiếc khung cửa này về nhà tôi ở Dehli. Hay cái hòm đựng đồ này xuất xứ từ Tây Tạng, hoặc bức bình phong cũng từ Ấn Độ, người ta bỏ đi thì tôi đã mang chúng về. Tất cả đều rất đặc biệt và tôi đều trân trọng. Bạn có tin được không, cánh cửa này được tận dụng từ căn biệt thự Pháp trên phố Trần Hưng Đạo nơi trước đây tôi sống, có hoa văn theo phong cách Indochine. Và nó cũng thật phù hợp với căn hộ này đó chứ!
Trải qua hơn hai thập kỷ, từ "Hà Nội, một chốn rong chơi" cho tới "Vì tình yêu Hà Nội", từ khoảnh khắc phải lòng cho đến quá trình trình tìm hiểu, say mê và cam kết, Martín Rama không những thể hiện quan điểm riêng về vấn đề bảo tồn di sản và phát triển đô thị, mà còn về tình yêu và trách nhiệm. Một hành trình bền bỉ đã cho thấy ông yêu Hà Nội bằng cả trái tim nhưng quyết tâm bảo vệ thành phố bằng lý trí.
Phỏng vấn Ông Martin Rama: Khi tôi sang Việt Nam cách đây 25 năm, tôi đã yêu Hà Nội ngay từ cái nhìn đầu tiên. Giờ đây, thành phố đang trên đà phát triển, tất nhiên, chúng ta thường có tâm lý bỏ cũ, xây mới mà quên mất giá trị của cái cũ chính là nền tảng để thành phố có cá tính riêng, có sức sống mạnh mẽ và cũng là có sự hấp dẫn đối với thế giới. Vì thế, tôi nghĩ, thách thức lớn nhất lúc này với Hà Nội chính là việc mỗi người dân sống ở đây sẽ suy nghĩ và hành động như thế nào với những gì thuộc về di sản.
Với quan điểm cá nhân, tôi sẽ lựa chọn bảo tồn những gì thuộc về di sản cả trong và ngoài, bao gồm bảo tồn về hình dáng kiến trúc đặc trưng của không gian sống lẫn bảo tồn về con người. Nhưng đồng thời, cách bảo tồn ấy cũng cần tạo ra được lợi nhuận để thu hút các nhà đầu tư tại chỗ.
Martín Rama hiện là cố vấn cho Chủ tịch Ngân hàng thế giới. Lần đầu tiên tới Hà Nội năm 1998 và ông đã cảm mến mảnh đất này. Ông từng giữ các vị trí: Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới làm việc tại Việt Nam, Giám đốc dự án danh dự tại Trung tâm Phát triển bền vững đô thị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Năm 2014, Martín Rama xuất bản cuốn sách "Hà Nội, một chốn rong chơi" ghi lại những câu chuyện và hình ảnh do ông thực hiện khi lang thang khắp Hà Nội, và đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái: Vì tình yêu Hà Nội. Năm 2023, ông tiếp tục ra mắt cuốn sách thứ 2 "Vì tình yêu Hà Nội", tập hợp những câu chuyện, giải pháp tâm huyết của tác giả về bảo tồn, phát triển đô thị Việt Nam, bên cạnh đó là sự tương tác với các cộng sự như nhà báo, kiến trúc sư, bạn bè quốc tế... cùng hướng đến một mục đích chung bảo vệ di sản Hà Nội./.
Tags