Cơ hội cho cầu thủ Việt kiều, nhìn từ Viktor Lê

Thứ Ba, 15/07/2025 13:19 GMT+7

Google News

Hôm qua (14/7), đội tuyển U23 Việt Nam đã lên đường sang Indonesia để chuẩn bị cho giải vô địch bóng đá U23 Đông Nam Á năm 2025. Trong danh sách 23 cầu thủ được HLV Kim Sang Sik lựa chọn để tham dự giải đấu, có tới 17 cầu thủ đang chơi bóng ở V-League và 6 cầu thủ tới từ giải hạng Nhất.

Tiền vệ Việt kiều Alex Bùi (CH Czech) từng được kỳ vọng rất nhiều khi được ở lại đội tuyển U23 Việt Nam cho tới trước lần rút gọn danh sách cuối cùng của HLV Kim Sang Sik, nhưng cuối cùng vẫn phải nói lời chia tay, tiếp thêm vào danh sách những cầu thủ Việt kiều vẫn chưa có duyên với các đội tuyển quốc gia trong năm 2025 như Andrej Nguyễn An Khánh (U23, sinh 2005, gốc Slovakia), Thomas Mai Veeren (U17, gốc Hà Lan), hay Nguyễn Hoàng Nam Mi (đội tuyển nữ Việt Nam, sinh năm 2003, gốc Canada)…

Tuy thế, đội tuyển U23 Việt Nam vẫn có một cầu thủ Việt kiều trong danh sách cuối cùng là Viktor Lê, tiền vệ đang khoác áo CLB Hà Tĩnh và thậm chí còn được dự báo là sẽ có vai trò cực kỳ quan trọng ở đội bóng dưới quyền HLV Kim Sang Sik trong những ngày sắp tới tại Indonesia.

Tình huống trái ngược của những Alex Bùi, Andrej Nguyễn An Khánh, Thomas Mai Veeren hay Nguyễn Hoàng Nam Mi so với Viktor Lê cho thấy một sự khác biệt quan trọng, là cầu thủ Việt kiều nếu muốn trụ lại đội tuyển quốc gia hoặc đội tuyển trẻ quốc gia thì bắt buộc phải có sự khẳng định ở môi trường bóng đá trong nước.

Trước khi trở thành nhân tố nổi bật ở đội tuyển U23 Việt Nam như hiện tại, Viktor Lê đã có ít nhất 3 mùa giải ở 2 đội bóng V-League là Bình Định và Hà Tĩnh, để rồi từ một cầu thủ trẻ có tiềm năng, Viktor Lê đã dần vươn lên xác lập chỗ đứng vững chắc của bản thân tại Hà Tĩnh cũng như đội tuyển U23 Việt Nam.

Bình luận: Cơ hội của cầu thủ Việt kiều - Ảnh 1.

Bùi Alex (30) từng được kỳ vọng rất nhiều nhưng vẫn không thể trụ lại danh sách chính thức dự giải U23 Đông Nam Á 2025 của U23 Việt Nam. Ảnh: Kim Như

Những gì mà Viktor Lê đã và đang trải qua cũng chính là con đường mà thủ môn Đặng Văn Lâm đã đi để trở thành cầu thủ Việt kiều thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, đấy là trở về quê cha/mẹ tìm kiếm cơ hội khi còn rất trẻ, khẳng định tài năng bản thân ở V-League rồi toả sáng ở đội tuyển Việt Nam khi được triệu tập.

Bóng đá Việt Nam từ trước đến nay chưa từng ghi nhận trường hợp một cầu thủ nào không đến từ một giải VĐQG có chất lượng tại châu Âu và cũng không thi đấu ở V-League hay giải hạng Nhất mà lại trở thành tuyển thủ thi đấu ở giải khu vực hoặc châu lục. Điều này suy cho cùng cũng không có gì ngạc nhiên, bởi hầu hết cầu thủ Việt kiều khi trở về Việt Nam tìm kiếm cơ hội hầu hết đều là những người chưa hoặc không có được chỗ đứng ở quê hương thứ 2 của họ, và số lượng cầu thủ khẳng định được tên tuổi của mình trước khi khoác áo đội tuyển Việt Nam như Nguyễn Filip hay Cao Pendant Quang Vinh là cực kỳ hiếm hoi.

Thậm chí, ngay cả với cầu thủ Việt kiều tuy đã có trải nghiệm ở môi trường V-League, nhưng nếu không đủ tài năng thì cũng khó có cơ hội khoác áo đội tuyển Việt Nam cũng như các đội tuyển trẻ quốc gia.

Trong thời gian vừa qua, cả VFF cũng như VPF đều rất tích cực tạo điều kiện thể hiện cho các cầu thủ Việt kiều, và ở một mức độ nào đó thì cầu thủ Việt kiều còn nhận được nhiều ưu đãi hơn cả cầu thủ trẻ ở trong nước, nhưng cho tới nay vẫn chưa có tài năng xa xứ nào trụ lại thành công, dù là với bóng đá nam hay bóng đá nữ.

Xem ra, với cầu thủ Việt kiều, nếu không sở hữu tài năng vượt trội so với những người đồng nghiệp ở quê nhà thì trở về và toả sáng ở hệ thống giải quốc nội là cơ hội duy nhất để khoác lên mình màu áo đội tuyển quốc gia.

Huy Anh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›