Việc Crystal Palace bị giáng xuống Europa Conference League càng làm nổi bật sự thất bại của bóng đá trong việc quản lý sở hữu đa CLB.
Ông chủ người Mỹ John Textor đã không còn liên hệ gì với Crystal Palace, sau khi bán cổ phần cho Woody Johnson – giao dịch vẫn đang chờ Premier League phê duyệt. Textor cũng đã rời ghế trong ban lãnh đạo Lyon từ cuối tháng 6.
Lý do khiến Crystal Palace mất vé dự Europa League
Dù vậy, UEFA vẫn công bố Crystal Palace bị giáng từ Europa League xuống Conference League do kết luận rằng 2 CLB đã vi phạm quy định về sở hữu đa CLB từ ngày 1/3, thông qua cổ phần của Textor. Giấc mơ châu Âu của Palace ít nhất vẫn chưa kết thúc, khi họ được chuyển sang một giải đấu mà cơ hội vô địch cao hơn, nhưng họ sẽ kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).
Nhưng toàn bộ sự việc này thật khó hiểu. Đồng chủ sở hữu Steve Parish gọi đây là "một trong những bất công lớn nhất" trong lịch sử bóng đá châu Âu. UEFA dĩ nhiên sẽ viện dẫn luật lệ, dựa trên các tài liệu được nộp đúng hạn. Tiền lệ của Drogheda (Ireland), bị loại khỏi Conference League vì Trivela Group cũng sở hữu CLB Silkeborg (Đan Mạch), khiến UEFA gần như không có lựa chọn nào khác. Textor, chứ không phải Crystal Palace, lẽ ra phải đưa CLB vào quỹ ủy thác vô danh từ vòng 5 Cúp FA, trong trường hợp đội bất ngờ vô địch danh hiệu đầu tiên sau 120 năm tồn tại.
Chính khái niệm "theo đúng luật" lại làm dấy lên nhiều câu hỏi, nhất là trong bối cảnh mơ hồ hiện nay. Hồi tháng 4/2023, một nhân vật cấp cao trong làng bóng đá từng phát biểu: "Có những CLB – hoặc ít nhất 1 CLB – mà chúng ta vẫn giả vờ như không có cùng chủ sở hữu, nhưng thật ra là cùng một người, và tôi sẽ không nói đó là CLB nào. Bạn đoán thử đi".
Từ "giả vờ" là đủ đáng nói. Và người phát biểu lại là Chủ tịch UEFA, ông Aleksander Ceferin. Chính thừa nhận đó khiến toàn bộ quy định này trở nên lỏng lẻo, và khiến quyết định lần này của UEFA có vẻ quá máy móc.
Bất cập trong quy định của UEFA
Trớ trêu hơn, Nottingham Forest, đội sắp thế chỗ Crystal Palace, lại có nhiều giao dịch gần đây với các CLB của Textor hơn. Có nhiều bằng chứng cho thấy Textor không hề nắm quyền kiểm soát tại Crystal Palace. Parish cũng nhiều lần phủ nhận việc cổ phần của Textor khiến CLB này thuộc mạng lưới sở hữu đa CLB.

Crystal Palace mất cơ hội thi đấu ở Europa League mùa tới
Nhưng sâu xa hơn, toàn bộ sự việc xuất phát từ việc UEFA thất bại trong việc quản lý sở hữu đa CLB một cách thực chất. Đây lại là một vấn đề ai cũng thấy trước, nhưng UEFA chỉ phản ứng khi quá muộn.
Hệ quả là những quy định mang tính hình thức, tạo ra cảm giác có quản lý, trong khi thực tế là không. Parish đã đúng khi nói với Sky Sports rằng: "UEFA đang đứng trước một ngã rẽ". Nottingham có suất dự Conference League sau khi ông Evangelos Marinakis, chủ sở hữu thực tế, đã tạm thời đưa quyền kiểm soát vào quỹ ủy thác mùa trước, do đội có thể lọt vào Champions League, nơi có CLB Olympiakos cũng do ông sở hữu.
Dù vậy, Marinakis vẫn xuất hiện trên sân sau trận gặp Leicester City, dù không còn là chủ sở hữu chính thức tại thời điểm đó. Liên đoàn bóng đá Anh vẫn chưa đưa ra cáo buộc nào. Quỹ ủy thác sau đó đã bị giải thể, vì Forest chỉ giành suất dự Conference League, dù giờ có thể được "thăng hạng".
Vấn đề không chỉ nằm ở Crystal Palace. Nhiều nhân vật trong ngành ngay lập tức so sánh quyết định giáng Palace với phán quyết tuần trước – nơi Chelsea, Barcelona và Aston Villa chỉ bị phạt tiền vì vi phạm luật tài chính.
Dù thỏa thuận với UEFA buộc Chelsea phải bán cầu thủ để đăng ký đội hình, họ vẫn phát đi thông cáo với giọng điệu như... tự hào về mối quan hệ với cơ quan quản lý, dù vừa bị phạt tới 27 triệu bảng: "Chelsea rất coi trọng mối quan hệ với UEFA và cho rằng việc giải quyết nhanh chóng vụ việc là quan trọng, vì thế chúng tôi đã ký thỏa thuận dàn xếp".
Sự đối lập với những CLB từng cố tình cản trở điều tra là rõ ràng, nhưng thật khó hiểu khi một án phạt tài chính lại có thể khiến CLB... khoe khoang. Việc phạt tiền vì tiêu quá nhiều tiền – bằng cách yêu cầu họ... trả thêm tiền – lại càng vô lý. Nhiều quản lý bóng đá cấp cao ghét cách xử phạt này, vì nó thành ra như "thuế xa xỉ", thậm chí được tính sẵn trong kế hoạch kinh doanh.
Một nguồn tin khác nói thẳng: "UEFA chỉ mạnh tay với các CLB nhỏ". Và suốt từ khi Luật Công bằng tài chính ra đời năm 2014, các ông lớn như Man City hay PSG thường tránh được những hình phạt nặng. Cựu quan chức UEFA Alex Phillips từng phát biểu trong cuốn sách States of Play rằng: "Chưa bao giờ là những CLB lớn nhất bị trừng phạt. Thỏa thuận với các CLB có nguồn tiền không giới hạn là lý tưởng, vì điều duy nhất họ sợ là bị cấm tham dự. Mà UEFA thì cũng có lợi ích trong việc giữ các CLB như PSG và Man City trong giải đấu".
UEFA vừa là cơ quan làm luật, vừa là đơn vị kiếm tiền từ các giải đấu, nên họ khó công tâm. Rõ ràng là khó mong đợi UEFA làm tốt vai trò quản lý trong bối cảnh như thế. Vấn đề lớn nhất vẫn là việc một cơ quan vừa tổ chức giải đấu, vừa làm trọng tài điều hành.
Và trong mớ hỗn độn đó, quyền lực, lợi ích tài chính, luật lệ yếu ớt, Crystal Palace đã bước vào ngày 1/3 mà không ngờ rằng họ có thể lần đầu tiên trong lịch sử được dự cúp châu Âu.
Đó là "theo luật". Nhưng còn một điều lạ khác: Đồng sở hữu David Blitzer của Palace cũng đang nắm cổ phần CLB Brondby (Đan Mạch) thông qua Global Football Holdings, và điều đó lại không bị cấm nếu 2 CLB cùng dự Conference League. Nhưng nếu là Lyon thì lại khác. Một lần nữa, mọi thứ lại chẳng có chút logic nào.
Nhiều CLB lớn từng bị UEFA cấm thi đấu ở châu Âu vì vi phạm nghiêm trọng. Juventus bị loại khỏi mùa 2023/24 do vi phạm công bằng tài chính. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Besiktas nhận án phạt 1 năm vì dàn xếp tỉ số, kháng cáo bất thành và bị thay thế bởi Tromso ở Europa League 2013/14. Fenerbahce cũng bị cấm 2 mùa vì liên quan vụ việc tương tự, dù đã tham dự vòng play-off Champions League nhưng vẫn bị loại sau khi kháng cáo thất bại. Malaga – từng vào tứ kết Champions League 2013 – bị cấm 4 mùa (sau giảm còn 1) vì không trả được nợ.
Sơn Tùng
Tags