Đánh thức tiềm năng du lịch từ huyền thoại lịch sử đến kỳ quan non cao
Sau khi hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, một Tuyên Quang mới đã thành hình không chỉ là sự mở rộng về địa lý hành chính mà còn là sự cộng hưởng của hai kho tàng văn hóa, hai thế mạnh đặc trưng của du lịch miền núi phía Bắc.
Với vị trí chiến lược, tài nguyên du lịch phong phú, bản sắc văn hóa các dân tộc đa dạng và ý chí vươn lên mạnh mẽ, Tuyên Quang đang được kỳ vọng sẽ vươn mình trở thành vùng đất hấp dẫn, điểm đến xanh - bản sắc - bền vững trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Từ Tân Trào lịch sử đến Đồng Văn kỳ vĩ
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang nhiệm kỳ 2025 - 2030 xác định: "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; từng bước hình thành các cụm du lịch, các trung tâm du lịch trọng điểm gắn với gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống". Đó không chỉ là định hướng mà là lời khẳng định cho một tương lai du lịch rực rỡ, bắt đầu từ hôm nay.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh: "Phát triển du lịch phải gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Chúng tôi xác định rõ vai trò động lực của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế và sẽ triển khai đồng bộ quy hoạch, hạ tầng, xúc tiến đầu tư để đưa Tuyên Quang trở thành điểm sáng du lịch khu vực miền núi phía Bắc".

Hoạt động rước diễu các mô hình đèn Trung thu khổng lồ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và du khách đến với Tuyên Quang dịp lễ 2/9. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN
Vùng đất Tuyên Quang là sự kết nối hài hòa giữa một bên là không gian lịch sử linh thiêng, nơi cách mạng Việt Nam khởi nguồn và lan tỏa; một bên là kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ mang đậm dấu ấn địa chất toàn cầu. Từ Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào đến Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, từ lòng hồ Na Hang - Lâm Bình đến Mã Pì Lèng, từ lễ hội Thành Tuyên rực rỡ đèn hoa đến phiên chợ Khâu Vai chan chứa nghĩa tình…, tất cả tạo nên một dải di sản sống động, có chiều sâu lịch sử, chiều rộng không gian và chiều cao khát vọng.
Theo Báo cáo kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025 của tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2020 đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân gần 8%/năm; nhiều lễ hội truyền thống được bảo tồn và khai thác thành công phục vụ du lịch như: Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội Đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La... Trong khi đó, tỉnh Hà Giang (cũ) khẳng định dấu ấn mạnh mẽ khi đón trên 6,2 triệu lượt khách trong 5 năm qua, tổng thu từ du lịch chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu GRDP ngành dịch vụ. Cả hai vùng đất này hòa làm một sẽ tạo sức hút lớn về du lịch vùng cao, thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Khách du lịch nước ngoài hào hứng với trải nghiệm du lịch Hà Giang (cũ). Ảnh: Đức Thọ - TTXVN
Theo ông Nguyễn Trung Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang: "Tỉnh đang từng bước số hóa thông tin điểm đến, chuẩn hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch và tăng cường đào tạo nhân lực làm du lịch cộng đồng. Chúng tôi tập trung xây dựng bản sắc riêng cho từng tuyến, từng điểm đến, không chỉ hấp dẫn về cảnh quan mà còn có chiều sâu văn hóa".
Cơ hội phát triển nằm ở cảnh sắc thiên nhiên và hệ sinh thái văn hóa đặc sắc. Tuyên Quang mới là mái nhà chung của 22 dân tộc anh em, mỗi dân tộc là một sắc màu văn hóa, một câu chuyện hấp dẫn để kể với du khách. Từ làn điệu then, cọi, pựt… đến trang phục truyền thống, kiến trúc nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu men lá… đều có thể trở thành "đặc sản du lịch", nếu được đầu tư bài bản và gắn với chuỗi trải nghiệm.
Đặc biệt, giai đoạn 2025 - 2030, Tuyên Quang định hướng phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm nông thôn và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Những vùng giàu tiềm năng như: Hồ Na Hang - Lâm Bình, Thượng Sơn - Thượng Lâm - Hồng Thái, Đồng Văn - Mèo Vạc - Yên Minh - Quản Bạ sẽ là những "mỏ vàng du lịch" nếu được khai thác đúng tầm, có sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kết nối giao thông, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong du lịch.
Kết nối xuyên suốt, phát triển bền vững
Để phát triển du lịch, không thể thiếu sự đầu tư cho giao thông và cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng được xác định trong các báo cáo của hai tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tuyên Quang đã khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ và đang tích cực triển khai tuyến Tuyên Quang - Hà Giang, mở ra hành lang du lịch xuyên vùng. Tỉnh cũng đang tập trung nâng cấp các tuyến đường đến vùng lõi di sản, tạo thuận lợi cho du khách tiếp cận. Cùng với đó, hạ tầng dịch vụ như: Nhà nghỉ, khách sạn, homestay, sản phẩm OCOP… ngày càng phong phú, đa dạng.

Du lịch Tuyên Quang ngày càng phổ biến, hút nhiều du khách quốc tế. Ảnh: TTXVN
Đặc biệt, Tuyên Quang dự kiến sẽ xây dựng các tour du lịch chuyên đề như: Tour du lịch lịch sử - tri ân - trải nghiệm với hành trình Tân Trào - Kim Bình - Đền Hạ - Cột cờ Lũng Cú - Dinh họ Vương; Tour du lịch sinh thái - địa chất - khám phá với Na Hang - Lâm Bình - Đồng Văn - Mèo Vạc - Mã Pì Lèng; Tour du lịch văn hóa - cộng đồng - đặc sản với Hồng Thái - Thượng Sơn - Pả Vi - Sủng Là - Lũng Cú; Tour du lịch mùa lễ hội với Thành Tuyên - Lồng Tồng - Khèn Mông - Chợ Khâu Vai…
Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong du lịch cũng được địa phương đẩy mạnh như: Phát triển bản đồ số điểm đến, hệ thống đặt tour, giới thiệu văn hóa các dân tộc bằng công nghệ thực tế ảo, thanh toán không tiền mặt, truyền hình trực tiếp qua mạng (livestream) trải nghiệm…

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi gặp chị Phạm Thùy Dung, du khách đến từ Hà Nội sau chuyến đi 4 ngày tham quan hồ Na Hang, Lâm Bình, Cao nguyên đá Đồng Văn chia sẻ: "Đây là hành trình đặc biệt, vừa có sự hùng vĩ của núi đá, vừa có sự mềm mại của sông nước, bản làng. Điều ấn tượng với chúng tôi là người dân nơi đây rất mến khách, nhưng dịch vụ vẫn còn hạn chế. Nếu được đầu tư bài bản hơn, tôi tin nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho mỗi du khách".
Tuyên Quang đang có tất cả: Di sản - bản sắc - lòng dân - khát vọng. Trong bối cảnh cả nước chuyển mình, vùng đất này được trao cơ hội hiếm có để vươn lên và du lịch là lĩnh vực tiên phong, là nhịp cầu lan tỏa đến các ngành kinh tế khác. Khi tiếng khèn Mông hòa cùng tiếng trống hội Thành Tuyên, khi sương núi Đồng Văn đọng bên dòng Lô thơ mộng, đó là lúc Tuyên Quang chạm đến trái tim du khách bằng vẻ đẹp dung dị mà sâu lắng.