Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước

Thứ Tư, 02/07/2025 19:17 GMT+7

Google News

Trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ III, ngày 2/7 đã diễn ra Hội thảo “Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)”.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức Liên hoan phim cho biết, chiến tranh với tất cả những mất mát, hy sinh và khát vọng hòa bình luôn là đề tài lớn trong nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh. Từ sau ngày đất nước thống nhất, các nhà làm phim Việt Nam không ngừng tìm tòi, đổi mới cách thể hiện để phản ánh chiến tranh không chỉ như một bản anh hùng ca mà còn là hành trình nhân văn, sâu sắc về con người, ký ức và sự hòa giải.

Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi bật như Cánh đồng hoang, Ngã ba Đồng Lộc, Truyền thuyết về Quán Tiên... đã để lại dấu ấn nghệ thuật đậm nét, góp phần khắc họa chân thực lịch sử, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng sống của các thế hệ người Việt Nam.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng cho biết, Hội thảo quy tụ nhiều nhà làm phim, chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tên tuổi đã ghi dấu ấn với dòng phim chiến tranh. Đây là dịp để nhìn lại chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của dòng phim chiến tranh sau năm 1975, đồng thời đánh giá, định hướng cho tương lai trong bối cảnh điện ảnh đang trở thành một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến tâm huyết. Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh, một bộ phim chiến tranh giá trị là bộ phim khiến người xem phải lặng im sau khi xem, không phải vì sốc mà vì thấm. Thấm về nỗi đau, sự mất mát, lòng yêu nước và khát vọng sống trong một thế giới hòa bình. Phim chiến tranh phải khiến khán giả rung động, cảm xúc thật và sâu lắng đó mới là điều neo lại lâu nhất.

Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước - Ảnh 2.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng phát biểu đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ở góc độ nhà nghiên cứu, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích vai trò ngày càng rõ nét của các nhà làm phim tư nhân đối với đề tài chiến tranh. Qua khảo sát các phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, sự tham gia tích cực của các nhà làm phim tư nhân là biểu hiện của khát vọng tái hiện lịch sử, khơi dậy ý thức dân tộc và giúp điện ảnh Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã đến lúc cần có cơ chế ứng xử phù hợp và các giải thưởng xứng đáng dành cho những đạo diễn táo bạo và dũng cảm theo đuổi dòng phim này.

Dấu ấn phim chiến tranh của Việt Nam từ sau ngày thống nhất đất nước - Ảnh 3.

Đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Đào Duy Phúc chia sẻ, chiến tranh là ký ức tập thể và tài sản văn hóa đặc biệt của dân tộc. Việc các đạo diễn trẻ tham gia dòng phim chiến tranh với tư duy sáng tạo, khác biệt, vừa giữ được chất liệu hiện thực, vừa mang tính nhân văn thời đại là tín hiệu tích cực. Khi người làm phim có đam mê và lòng yêu nước, những tác phẩm ra đời không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có khả năng tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi, thành công về doanh thu.

Hội thảo là diễn đàn trao đổi chuyên môn sâu rộng, góp phần thúc đẩy sáng tạo, quảng bá dòng phim chiến tranh cách mạng - một di sản quý báu của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ ba (DANAFF III) diễn ra đến ngày 5/7, tiếp tục mang đến không gian nghệ thuật đậm chất sáng tạo, nơi các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên cùng hội tụ, giao lưu, chia sẻ và truyền cảm hứng.

Trần Lê Lâm/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›