Việc định hướng nghề nghiệp cho trẻ em hiện nay vẫn thiếu vắng những hình mẫu đa dạng, bình đẳng và mang tính gợi mở trong sách thiếu nhi. Góp phần thay đổi thực tế này là những sáng kiến nhằm tạo ra nội dung phản ánh đời sống phong phú, vượt qua định kiến giới và trao quyền cho trẻ em được tự do khám phá ước mơ của mình.
Nỗ lực này phần nào được thể hiện sống động qua những ý tưởng góp mặt trong chương trình Gặp tôi trong tương lai vừa được tổng kết ít ngày trước tại Hà Nội.
Từ những ý tưởng truyền cảm hứng
Chương trình được khởi động với hoạt động kêu gọi ý tưởng sáng tác sách thiếu nhi kéo dài từ ngày 21/4 - 18/5, cùng các hoạt động tọa đàm, workshop vệ tinh về chủ đề quyền tự do khám phá và lựa chọn nghề nghiệp của trẻ em. Thời gian kêu gọi kết thúc, Gặp tôi trong tương lai đã nhận được 268 ý tưởng từ cá nhân và nhóm sáng tác ở nhiều độ tuổi và vùng miền.
Sau quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng, hội đồng thẩm định chương trình đã lựa chọn ra 5 ý tưởng xuất sắc nhất tiếp tục vào vòng xuất bản để phát triển thành những sách thiếu nhi có câu chuyện ý nghĩa, giàu cảm xúc, truyền cảm hứng, giới thiệu những nghề nghiệp đa dạng và góp phần phá bỏ khuôn mẫu giới trong định hướng nghề nghiệp cho trẻ em.

Ban tổ chức tặng hoa tri ân các tác giả có ý tưởng xuất sắc nhất
Cụ thể 5 ý tưởng xuất sắc nhất được lựa chọn bao gồm: Bộ sách Bà cụ non của tác giả Nguyễn Thu Yến; sách Hạt mầm nhỏ suy tư của tác giả Thùy Cốm; sách Bắt lấy thanh âm của nhóm tác giả C404; sách Ngày mai đá sẽ nở hoa của tác giả Phạm Thị Thùy Trang; bộ sách tranh tương tác "Gặp tôi trong tương lai" của tác giả Chà.
Trong số này, đặc biệt gây chú ý là ý tưởng sách Bắt lấy thanh âm của nhóm tác giả C404. Họ bắt đầu ý tưởng bằng một câu hỏi day dứt: "Người điếc - họ sẽ làm được nghề gì?".
Theo đó, Bắt lấy thanh âm chính là cách mà những đứa trẻ điếc đã và đang sử dụng để vật lộn và đấu tranh với cuộc sống đầy những rào cản vô hình ngăn các em đến với tri thức. Đó là câu chuyện về những cô bé, cậu bé thốt lên từ ngữ đầu tiên bằng cách ra dấu qua đôi tay sau 15 năm tồn tại trên cõi đời. Đó là lần đầu tiên biết những người nuôi dưỡng mình bấy lâu nay, được gọi là bố, là mẹ.
Tác giả Ngọc Anh (thành viên nhóm C404), hiện là giáo viên và có chuyên môn về ngôn ngữ ký hiệu, cho biết: "Chúng tôi có rất nhiều câu chuyện muốn chia sẻ để cộng đồng hiểu rõ hơn về người điếc. Có rất nhiều rào cản, nhưng xã hội lại không nhận ra điều đó. Họ nhìn thấy cơ thể chúng tôi lành lặn, nên cho rằng mọi thứ đều ổn. Thực tế không đơn giản như vậy. Và chúng tôi bắt đầu ý tưởng của mình với mong muốn chia sẻ những khó khăn, rào cản của người điếc đến tất cả mọi người".

Không gian trưng bày “Gặp tôi trong tương lai”
Đáng chú ý, trong ý tưởng, nhóm dành một phần để kể về những trẻ điếc sống ở vùng núi, là người dân tộc thiểu số, những em nhỏ phải vượt qua rào cản kép để tiếp cận giáo dục.
"Tôi từng có cơ hội dạy các em ngôn ngữ ký hiệu qua lớp học online. Thời gian không dài, nhưng tôi thấy rõ: Khi có cơ hội, các em hiểu và phát triển" - Ngọc Anh bày tỏ - "Nếu không, các em sẽ nghĩ rằng lớn lên cũng chỉ có thể đi làm nương rẫy giống bố mẹ. Qua ý tưởng, chúng tôi hy vọng cộng đồng sẽ quan tâm và trao cơ hội cho những giấc mơ còn bị bỏ ngỏ".
Một ý tưởng khác cũng mang tới nhiều cảm xúc phải kể tới, ý tưởng sách Ngày mai đá sẽ nở hoa của tác giả Phạm Thị Thùy Trang.
Là một dược sĩ, Trang chia sẻ cảm hứng cho ý tưởng này bắt đầu từ những chuyến đi thực tế đến các hợp tác xã tại Hà Giang (nay là Tuyên Quang) Sa Pa (Lào Cai), nơi cô "được chữa lành" bởi sự hồn hậu của trẻ em.
"Tôi từng nghĩ mình đến vùng cao để cho đi, nào ngờ lại là người nhận được nhiều hơn. Trẻ em ở đó cho tôi kẹo, cho tôi nụ cười, cho tôi những buổi chiều vẽ tranh cùng nhau" - Trang tâm sự.
Theo hội đồng thẩm định, những ý tưởng nổi bật được lựa chọn nhờ cách kể chuyện gần gũi với trẻ em, khắc họa những hình mẫu công việc phong phú, vượt khỏi định kiến giới và gợi mở nhiều khả thể trong việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp. Đặc biệt, sự hiện diện của những nhóm trẻ em đa dạng như trẻ khuyết tật, trẻ em đồng bào vùng cao đã làm giàu thêm không gian sách thiếu nhi, mở rộng cơ hội tiếp cận thế giới thông qua ngôn ngữ và chuyện kể cho trẻ.

Nhóm tác giả C404 chia sẻ về ý tưởng sách “Bắt lấy thanh âm”
Đến hành trình kiến tạo thế giới sách đa dạng
Không chỉ dừng lại ở những ý tưởng xuất sắc, hành trình của Gặp tôi trong tương lai còn mở ra một không gian sáng tạo mang tính kết nối cao, cho thấy sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng đối với việc kiến tạo nội dung sách thiếu nhi đa dạng nghề nghiệp, vượt khỏi khuôn mẫu giới.
Cụ thể, trong số 268 ý tưởng gửi về chương trình, 34% ý tưởng đến từ trẻ em dưới 18 tuổi - minh chứng rõ nét cho sự tham gia chủ động và tinh thần sáng tạo của các "cây bút nhí". 66% còn lại đến từ người trưởng thành - tác giả, họa sĩ minh họa, phụ huynh, nhà giáo dục, người quan tâm đến chủ đề bình đẳng giới và giáo dục trẻ em.
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên (Tổng biên tập NXB Kim Đồng, thành viên của hội đồng thẩm định): Gặp tôi trong tương lai là một ý tưởng sáng tạo, góp phần tích cực vào việc đổi mới nội dung sách cho thiếu nhi tại Việt Nam.

Hội đồng thẩm định chương trình (từ trái qua): Bà Vũ Thị Quỳnh Liên (Tổng biên tập NXB Kim Đồng), PGS-TS Phạm Quỳnh Phương và bà Phạm Thị Hoài Anh (đồng sáng lập ICBC)
Theo bà Liên, số lượng ý tưởng gửi đến vượt sự kỳ vọng của ban tổ chức, cho thấy sự quan tâm của công chúng đối với chủ đề về nghề nghiệp và bình đẳng giới, vốn chưa có nhiều trong các tác phẩm cho thiếu nhi từ các tác giả Việt Nam. Hầu hết các ý tưởng đều đúng chủ đề trong đó có nhiều ý tưởng mới mẻ, sáng tạo, hướng đến những nhóm đối tượng yếu thế (trẻ tự kỷ, người điếc...).
"Chúng tôi đánh giá cao những ý tưởng lồng ghép một cách tự nhiên giữa nghề nghiệp và bình đẳng giới, không hô hào, không khẩu hiệu mà vẫn "thách thức" những định kiến về giới bằng cách thể hiện sáng tạo và truyền cảm hứng" - bà Liên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hoài Anh (đồng sáng lập ICBC) cho rằng, các ý tưởng sáng tác gửi về chương trình không chỉ thể hiện sự đa dạng của các công việc, ngành nghề trong xã hội một cách gần gũi, thân thiện, dễ hiểu với trẻ em, mà còn mang đến những góc nhìn mới mẻ về những nghề nghiệp đã quen thuộc hay giới thiệu những nghề nghiệp mới. Qua đó, những ý tưởng góp phần lan tỏa thông điệp về quyền bình đẳng của trẻ em trong các cơ hội tiếp cận và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi các em còn rất nhỏ.
Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh các khuôn mẫu giới vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến lựa chọn nghề nghiệp của trẻ, những ý tưởng gần gũi và giàu tính sáng tạo này mở ra không gian để các em nuôi dưỡng đam mê, xây dựng niềm tin vào khả năng của bản thân, và lựa chọn con đường tương lai mà không bị giới hạn bởi định kiến giới hay điều kiện sống.
"Các ý tưởng không chỉ gửi đi một câu chuyện, mà còn góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ, dũng cảm và đầy cảm hứng để cộng đồng lắng nghe" - bà Hoài Anh nhấn mạnh - "Và từ sự lắng nghe đó, chúng ta tiếp tục cộng hưởng với nhau, hướng đến một tương lai mà mọi trẻ em đều được tiếp cận và lựa chọn nghề nghiệp theo cách riêng của mình, không bị giới hạn bởi bất kỳ rào cản, định kiến hay khuôn mẫu nào".
"Gặp tôi trong tương lai"
Đây là một sáng kiến được khởi xướng bởi The Initiative of Children's Book Creative Content (ICBC), với sự đồng hành của ECUE-VGEM và NXB Kim Đồng. Chương trình nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ), một sáng kiến của Chính phủ Australia.
Chương trình hướng đến tạo ra nhiều nội dung phản ánh sự đa dạng nghề nghiệp, góp phần phá bỏ những định kiến giới đang cản trở trẻ em trong quá trình khám phá bản thân và theo đuổi ước mơ nghề nghiệp, một chủ đề còn nhiều khoảng trống trong hệ sinh thái xuất bản và giáo dục hiện nay.
Hội đồng thẩm định của chương trình gồm PGS-TS Phạm Quỳnh Phương - chuyên gia ngành nhân học văn hóa, Ban biên tập NXB Kim Đồng, đại diện ICBC và ECUE-VGEM. Từ 5 ý tưởng xuất sắc nhất, chương trình tiếp tục phát triển ý tưởng thành bản thảo hoàn thiện và xuất bản bộ sách Gặp tôi trong tương lai. Bộ sách dự kiến sẽ ra mắt độc giả vào năm 2026.
Trong dịp tổng kết chương trình, trưng bày Gặp tôi trong tương lai diễn ra kéo dài đến ngày 6/7 tại NXB Kim Đồng (55 Quang Trung, Hà Nội). Trưng bày được mở cửa miễn phí nhằm giới thiệu tới cộng đồng 268 ý tưởng sáng tác được gửi đến chương trình thông qua những tác phẩm sắp đặt sáng tạo và truyền cảm hứng.
Tags