Điền kinh Việt Nam cần tập trung cho nguồn nhân lực

Thứ Năm, 01/05/2025 14:54 GMT+7

Google News

Đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là cơ sở để tạo bước tiến đột phá về thành tích cho môn thể thao nữ hoàng. Để các mục tiêu của đề án trở thành hiện thực, các nhà quản lý sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề lực lượng vận động viên và huấn luyện viên nhận được sự quan tâm lớn nhất của giới chuyên môn.   

Phát hiện đào tạo VĐV trẻ

Để mục tiêu cao nhất của đề án là giành 2-3 HCV, lọt vào top 15 tại ASIAD năm 2042 và phấn đấu có VĐV vào bán kết Olympic trong giai đoạn 2030-2045, điền kinh Việt Nam cần có được nguồn lực tổng hợp, và giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục các hạn chế hiện tại. Trong đó, hàng loạt những yếu tố quan trọng đã được các nhà quản lý, cũng như những người làm chuyên môn chỉ ra như đầu tư vào cơ sở vật chất, công tác tuyển chọn, phát hiện và đào tạo tài năng trẻ phải được thực hiện ngay từ cơ sở.

điền kinh đầu tư trẻ

HLV Vũ Ngọc Lợi - Đội tuyển Điền kinh quốc gia:

"Đang có một xu hướng cần đầu tư lớn, nên tôi và ban huấn luyện đội tuyển điền kinh Việt Nam tập trung phát hiện và đào tạo nhiều vận động viên trẻ có triển vọng, tập trung vào những nội dung trọng điểm, để đạt được thành tích trong khu vực cũng như châu lục."

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trung tâm Huấn luyện VĐV trẻ quốc gia:

"Các vận động viên trẻ đang có sự phát triển tốt và đạt được thành tích tốt tại giải U18 Đông Nam Á và U18 châu Á. Hiện tại, chúng ta đang có 4 vận động viên đưa vào đề án của Chính phủ về phát triển lâu dài. Nếu có sự đầu tư bài bản, đề án phát triển điền kinh được thực thi, cũng như các chương trình mục tiêu được xây dựng thì các vận động viên trẻ sẽ có sự phát triển và tiếp cận được với mục tiêu ASIAD hay Olympic."

Ông Phạm Thế Triều - Phó Chủ tịch Liên đoàn điền kinh Việt Nam:

"Lộ trình phát triển của đề án đã chuẩn, đáp ứng được yêu cầu chuyên môn. Điều quan trọng là tuyển chọn đánh giá lứa vận động viên trẻ có thành tích cho tốt. Cũng như tập trung vào khoa học kĩ thuật, công nghệ, để góp phần vào công tác tuyển chọn, huấn luyện, để các vận động viên hoàn chỉnh kĩ thuật. Bên cạnh đó là nâng cấp cơ sở vật chất, từ ăn ở, huấn luyện và sinh hoạt. Và điều quan trọng nữa là kinh phí đáp ứng yêu cầu đề án đặt ra, cho từng giai đoạn một cho các vận động viên, huấn luyện viên, để phát triển. Ngoài ra, cũng chú ý đầu tư cơ sở tại địa phương, nơi phát hiện năng khiếu và huấn luyện ban đầu cho các đội trẻ và đội tuyển quốc gia.

Ngoài các vấn đề về lực lượng vận động viên với sự tuyển chọn và sàng lọc từ cấp cơ sở, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển điền kinh là đầu tư vào hệ thống huấn luyện, bao gồm đào tạo, nâng cao trình độ của các huấn luyện viên và những người làm công tác chuyên môn có khả năng áp dụng công nghệ cao trong quá trình huấn luyện và phát triển năng lực của các vận động viên."

Điền kinh Việt Nam cần tập trung cho nguồn nhân lực - Ảnh 2.

Chúng ta cần có các VĐV trẻ thay thế và vượt qua Nguyễn Thị Huyền

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam:

"Chúng ta đang bổ sung các HLV trẻ, để tiếp cận công nghệ và được đào tạo bài bản hơn. Trong thời gian tới, chúng tôi triển khai ở các đội tuyển công nghệ AI, để giúp công tác chuyên môn, đào tạo vận động viên trong xây dựng kế hoạch huấn luyện. Cũng như công tác y học, khoa học thể thao, tăng cường các máy móc hiện đại, để giúp vận động viên nâng cao thành tích, hòa nhập với khu vực và trên thế giới."

Đề án phát triển điền kinh Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đang trong giai đoạn hoàn thiện, trong đó, quan trọng nhất là tìm kiếm giải pháp phù hợp để biến mục tiêu thành hiện thực. Nhiều thách thức đặt ra song đây là cơ hội để điền kinh Việt Nam khẳng định sức vươn trong bối cảnh thể thao Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với đấu trường quốc tế.


Nhật Minh

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›