Sông Hồng – dòng sông "Mẹ" trong tâm thức người Việt không chỉ kiến tạo địa lý mà còn bồi đắp chiều sâu văn hóa cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trải qua hàng nghìn năm, sông Hồng nuôi dưỡng nền văn hóa Thăng Long – Hà Nội, trở thành trục huyết mạch về giao thông, thủy lợi và là trung tâm di sản, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển đô thị nhanh chóng, dòng chảy văn hóa này đang đứng trước nguy cơ đứt gãy nếu không có một chiến lược tổng thể, bài bản và quyết liệt, lấy văn hóa – du lịch làm hạt nhân phát triển.
Di sản bên dòng sông
Trong tiềm thức người Việt, sông Hồng gắn liền với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ trong cuộc khai phá chinh phục lưu vực sông Hồng. Sự kỳ lạ và huyền diệu của dòng sông này đã khiến người Việt từ thuở sơ khai cho đến ngày nay gọi là sông Cái, là "Mẹ" của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nơi đây cũng là cái nôi lưu giữ hệ thống lễ hội đặc sắc như rước nước, thờ Mẫu, hội Gióng… những di sản phi vật thể giàu bản sắc được cộng đồng gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Ngã ba sông Hồng - sông Đuống. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN
Dọc theo hai bờ sông Hồng có nhiều làng nghề, làng cổ, không gian sinh hoạt cộng đồng được ví như "bảo tàng sống" của ký ức văn hóa Việt. Làng Bát Tràng nổi danh với dòng gốm truyền thống đã vươn ra thế giới; Kim Lan lưu giữ lễ hội rước nước mang đậm tín ngưỡng nông nghiệp; làng cổ Đường Lâm – di tích làng cổ đầu tiên của cả nước được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vẫn gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc, đời sống làng xã vùng xứ Đoài.
Với đặc điểm "nơi nào có sông là nơi ấy có hội", khu vực ven sông Hồng còn là không gian diễn xướng dân gian đặc sắc như quan họ, hát chèo, ca trù, hát văn… cùng hệ thống đình, chùa, miếu mạo, chợ quê, bến nước tạo nên một bản đồ văn hóa đa lớp, giao thoa giữa tâm linh, sinh hoạt và sáng tạo.
Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đô thị hóa, phát triển thiếu quy hoạch đồng bộ, không gian hai bờ sông đang bị chia cắt, manh mún. Thiếu hạ tầng kết nối, thiếu cơ chế bảo tồn – phát triển di sản, thiếu điểm nhấn du lịch… khiến tiềm năng to lớn của "dòng chảy văn hóa" này vẫn chưa được đánh thức đúng tầm.
Khác với các đô thị lớn trên thế giới như Paris, London, Seoul – nơi những dòng sông như Seine, Thames, Hàn được tôn vinh thành trục văn hóa – cảnh quan trung tâm, sông Hồng hiện vẫn như một khoảng trống trong bức tranh phát triển của Hà Nội. Không gian công cộng nghèo nàn; quy hoạch bãi giữa, ven đê chưa đồng bộ; các hoạt động văn hóa – nghệ thuật thiếu điểm tụ.

Sản phẩm tương bần làng cổ Đường Lâm, một đặc sản của Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: Tuyết Mai - TTXVN
Trong khi đó, Hà Nội lại đang sở hữu những "trục vàng mềm" bên sông với khả năng kết nối mạnh mẽ: Từ Cổ Loa – Kim Lan – Bát Tràng đến trung tâm phố cổ, hồ Gươm; từ Sơn Tây – Đường Lâm đến các bến diễn xướng dân gian, không gian nghệ thuật đương đại.
Chuyên gia văn hóa – Phó Giáo sư,Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: Muốn phát triển công nghiệp văn hóa phải có hành lang pháp lý rõ ràng và cơ chế huy động nguồn lực cụ thể. Việc xây dựng không gian văn hóa hai bờ sông Hồng cần được nhìn nhận như một chiến lược đầu tư dài hạn, cần tháo gỡ những nút thắt để sử dụng quỹ đất ven sông phục vụ cho văn hóa – nghệ thuật và dịch vụ công cộng.
Tiến sỹ Lê Thị Việt Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chỉ ra: Sông Hồng hoàn toàn có thể trở thành một "Cheonggyecheon của Hà Nội" nếu có tầm nhìn quy hoạch thông minh – xanh – bền vững, hướng đến cộng đồng. Tuy nhiên, những vướng mắc về quy hoạch đê điều, sử dụng bãi sông, quản lý đất đai… cần sớm được tháo gỡ bằng một cơ chế đặc thù.
Cần một cú hích chiến lược
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sông Hồng được xác định là "trục xanh, trục cảnh quan trung tâm" và là một trong các trục không gian chủ đạo kết nối các vùng phát triển. Song song đó, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 cũng đề ra mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, qua đó góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Việc phát triển công nghiệp văn hóa có thể tác động đến các khu vực, trong đó có khu vực sông Hồng, thông qua việc hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa.
Tuy nhiên, hiện nay, tiềm năng văn hóa - du lịch các khu vực ven đô, gắn với các dòng sông và làng nghề truyền thống vẫn chưa được khai thác hiệu quả, sản phẩm du lịch của các điểm đến còn hạn chế.

Làng gốm Bát Tràng. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Theo đó, có nhiều ý kiến đề xuất khai thác sông Hồng theo hướng phát triển chuỗi không gian văn hóa – sáng tạo ven sông: từ Cổ Loa, Kim Lan, Bát Tràng, Long Biên đến Hồ Gươm, Gia Lâm. Có thể hình dung tuyến du lịch thủy nội địa này từ Cổ Loa về phố cổ, có điểm dừng tại các làng nghề, bến diễn xướng; tổ chức không gian đi bộ – biểu diễn nghệ thuật dân gian, triển lãm đương đại, chợ đêm làng nghề bên sông; xây dựng mô hình công viên văn hóa mở làm nơi quy tụ nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo, đồng thời tổ chức các hoạt động lễ hội, trải nghiệm văn hóa định kỳ cho người dân và du khách.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho liên danh nhà đầu tư Đèo Cả – Văn Phú nghiên cứu đề xuất dự án "Xây dựng đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng". Đây được xem là bước đột phá trong thực hiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt từ năm 2022 nhưng chưa có nhiều chuyển động cụ thể.
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 6223/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu các bộ ngành khẩn trương phối hợp thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển Thủ đô. Trong đó, trục sông Hồng được xác định là "biểu tượng phát triển mới của Hà Nội trong kỷ nguyên mới". Từ đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Hà Nội triển khai, phát triển trục sông Hồng. Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại, từ pháp lý, quy hoạch, đến cơ chế đầu tư. Điều này thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của Trung ương trong việc đồng hành cùng Hà Nội để biến sông Hồng thành một không gian phát triển bền vững – hiện đại – giàu bản sắc.

Cầu Long Biên được thiết kế theo phong cách kiến trúc của Pháp nối liền hai bờ sông Hồng. Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN
Sông Hồng từng là nơi định vị bản sắc Thăng Long, nơi giao thương sầm uất bậc nhất của người Việt cổ. Ngày nay, để "con sông Mẹ" tiếp tục "nói lên tiếng nói của thời đại", Hà Nội cần đặt văn hóa làm hạt nhân, du lịch làm cầu nối và cộng đồng làm trung tâm.
Điều đó chỉ có thể đạt được khi Hà Nội mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù, như xây dựng "Khu văn hóa – cảnh quan hai bờ sông Hồng" với những hành lang pháp lý riêng, cơ chế huy động nguồn lực linh hoạt, ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp văn hóa – du lịch.
Nếu được quy hoạch và đầu tư bài bản, dòng sông này không chỉ là trục cảnh quan chủ đạo của Thủ đô, mà còn là trục phát triển chiến lược về kinh tế, thương mại, sáng tạo và du lịch đưa Hà Nội tiệm cận đẳng cấp của các đô thị lớn trên thế giới. Một Hà Nội bên sông – văn hiến, sáng tạo, đáng sống sẽ không còn là viễn cảnh xa vời nếu hôm nay chúng ta hành động bằng tầm nhìn và quyết tâm.
Tags