Ngày 18/7, chương trình giao lưu giới thiệu sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" đã diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển tổ chức, kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Tại tọa đàm, bà Đặng Kim Trâm - người biên soạn cuốn sách, cũng là em gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã chia sẻ những câu chuyện phía sau cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba", giúp người đọc hiểu hơn về chân dung một Đặng Thùy Trâm với tuổi trẻ, tri thức và tràn đầy lý tưởng sống.
Theo bà Đặng Kim Trâm, cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" được xuất bản lần đầu vào năm 2005, trên cơ sở 2 tập nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm bị thất lạc trong trận càn mà quân Mỹ thu được, sau đó trao trả cho gia đình, do đó gia đình gọi là cuốn thứ nhất và cuốn thứ 2, xuất bản thu gọn vào một cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm".

Quang cảnh Tọa đàm giao lưu giới thiệu sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”. Ảnh: Phương Lan - TTXVN
Cuốn sách xuất bản lần này gọi là cuốn nhật ký thứ 3, nhưng thực ra đây là cuốn đầu tiên, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong 2 năm cuối cùng, trước khi đi vào miền Nam. Cuốn nhật ký này, được Đặng Thùy Trâm gửi mẹ là bà Doãn Ngọc Trâm, được bà lưu giữ trong suốt mấy chục năm, đến nay gia đình quyết định công bố và gọi là "Cuốn nhật ký thứ ba".
Bà Đặng Kim Trâm cho biết, gia đình quyết định xuất bản cuốn nhật ký thứ 3 đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm xuất bản cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Với việc xuất bản cuốn sách này, gia đình mong muốn, sẽ đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về Đặng Thùy Trâm, về tuổi thơ, về gia đình, về những suy nghĩ, về những năm tháng đầu đời, cũng như những trăn trở của Đặng Thùy Trâm khi chị còn là học sinh, những ước mơ, khao khát của chị về một sự nghiệp khoa học, sự nghiệp văn học, muốn có hạnh phúc và muốn được sống trong hòa bình… Tất cả những ước mơ, khao khát này đã được Đặng Thùy Trâm viết trong cuốn nhật ký trước chuyến đi B của mình.
Ngoài những câu chuyện ở chiến trường, cuốn sách cũng cho người đọc thấy một góc nhìn rất khác về những trăn trở, lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt. Để rồi từ đó, cùng rất nhiều thanh niên miền Bắc, không ngại hy sinh gian khổ, Đặng Thùy Trâm quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền Nam.
Chia sẻ tại Tọa đàm, nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân cho rằng cuốn nhật ký thứ ba đã phản ánh một cách sâu sắc chiều sâu suy tư và nhân cách của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Thông qua cuốn sách, gia đình bà đã "viết tiếp" tuổi 20 bằng tình yêu, ký ức và góp phần phát triển một loại hình văn học mang tên nhật ký…
Năm 2005, cuốn sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) lần đầu được giới thiệu tới công chúng, không chỉ được đông đảo độc giả Việt Nam mà rất nhiều bạn đọc quốc tế quan tâm và dành tình cảm trân quý. Những trang viết giản dị, chân thực của nữ bác sĩ trẻ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt đã đưa cuốn nhật ký nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi một di cảo riêng tư, để trở thành biểu tượng tinh thần cho cả một thế hệ đã sống, chiến đấu, yêu thương và hy sinh trong sự trong sáng và nhiệt huyết.

Cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba". Ảnh: Phương Lan - TTXVN
Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho biết, cuốn sách "Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba" được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành tháng 6/2025, không chỉ là sự tiếp nối dòng chảy về nữ bác sĩ chiến trường - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, mà còn là tiếng vọng sâu lắng, mở thêm những cánh cửa mới dẫn vào tâm hồn người đã khuất nhưng đã/đang và vẫn còn sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ.
Cuốn sách được chia thành 2 phần chính. Phần thứ nhất với tiêu đề "Lớp người lý tưởng", tập hợp những dòng ghi chép của cụ bà Doãn Ngọc Trâm, thân mẫu của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng 3 người em gái là các chị Kim Trâm, Hiền Trâm và Phương Trâm. Trong phần này, lần đầu công bố một số trang trong tập nhật ký mà Bác sĩ - Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong giai đoạn cuối cùng tại Trường Đại học Y Hà Nội từ tháng 10/1965 đến tháng 12/1966, là thời điểm chị đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam (đi B).
Phần thứ hai với tiêu đề "Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt", gồm loạt bài viết của 3 người em gái, chia sẻ hành trình dài và đầy xúc động trong quá trình lần tìm và đi nhận lại tư liệu gốc rồi đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" đến tay công chúng. Những trang viết này không chỉ giàu tính tư liệu, mà còn góp phần khắc họa rõ hơn chân dung một nữ bác sĩ kiên cường, đầy lý tưởng và nhân hậu trong tâm thức bạn đọc hôm nay. Ngoài ra, phần này còn cung cấp một số thông tin cá nhân riêng tư, soi sáng hình ảnh liệt sĩ Đặng Thùy Trâm dưới nhiều góc độ... Đặc biệt, điều từng gây nhiều tò mò tranh cãi là mối tình không thành của Đặng Thùy Trâm với M., một quân nhân đa tài, ở trong cuốn sách này cũng được nhìn nhận lại, từ khía cạnh chân thật nhất, "đời" nhất.
Những câu chuyện về tuổi trẻ của nữ liệt sĩ thông qua cuốn nhật ký đã khơi dậy lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tinh thần cống hiến của thế hệ trẻ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và truyền cảm hứng về một cuộc sống có ý nghĩa.
Tags