Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo

Thứ Tư, 16/07/2025 20:12 GMT+7

Google News

Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ban hành ngày 12/7/2025) về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ ngày 1/7/2026 xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong Vành đai 1 Hà Nội, tiến tới loại bỏ hoàn toàn theo lộ trình trong tương lai.

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có trên 75 triệu mô tô, xe gắn máy đang lưu hành. Riêng thành phố Hà Nội có trên 7 triệu xe, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 10 triệu xe; trong đó có khoảng 70% xe máy đã sử dụng quá 10 năm.

Trước thông tin Hà Nội sẽ cấm xe máy xăng từ ngày 1/7/2026 khi đi vào khu vực Vành đai 1, nhiều người dân cho rằng việc cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm Thủ đô là phù hợp với xu thế cuộc sống văn minh hiện đại trên thế giới, tuy nhiên, một chính sách đúng nếu thiếu sự chuẩn bị đủ tốt, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Do vậy, rất cần có sự đồng hành của nhà nước trong việc hỗ trợ người dân, nhất là những người nghèo trong việc chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện.

Còn nhiều băn khoăn lo lắng

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, chuyên gia môi trường cho biết, để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng rất cụ thể với thời gian ít nhất 5 năm. Theo đó, cần chú trọng truyền thông, giáo dục cho người dân lộ trình sử dụng phương tiện giao thông tại đô thị.

Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo - Ảnh 1.

Việc hướng tới loại bỏ xe máy chạy xăng đang là nhiệm vụ cấp bách đặt ra với Thủ đô Hà Nội trong mục tiêu chung phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Ảnh: Quốc Lũy/TTXVN

Chị Hoàng Thị Hoa, nhân viên ngân hàng ACB cho biết, nếu cấm xe máy xăng, thành phố Hà Nội cần có phương án thay thế rõ ràng. Hiện nay, hệ thống giao thông công cộng như xe buýt vẫn còn nhiều bất tiện chưa thực sự thoải mái đối với người tham gia phương tiện này, vì quá đông và ngột ngạt, đường sắt đô thị thì còn quá ít và không phải ai cũng tiện đi lại. Trong khi đó, nếu chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện gia đình chị phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, mà không phải ai cũng có khả năng chuyên đổi ngay sang xe máy điện. Đặc biệt, vấn đề an toàn cháy nổ pin của xe máy điện, trạm sạc pin ít... thì khó cho người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện.

Đồng quan điểm này, anh Nguyễn Mạnh Hùng (phường Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện với chi phí đầu tư ban đầu khá cao, thu nhập của người dân chưa theo kịp giá cả thị trường. Trong khi đó, nhiều khu dân cư không nhận trông xe điện vì lo sợ an toàn cháy nổ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng còn lo ngại về hạ tầng trạm sạc chưa đồng bộ.

Theo anh Nguyễn Mạnh Hùng, bên cạnh việc mở rộng và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông công cộng, thành phố Hà Nội cần kết hợp các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang xe điện, như miễn lệ phí, cho vay ưu đãi, phát triển hạ tầng sạc.

Ở chiều ngược lại, nhiều người lao động tự do - nhóm chịu tác động trực tiếp nếu chính sách được áp dụng đang tỏ ra lo lắng nhất. Anh Lại Minh An, một shipper chuyên giao hàng ở khu vực phố cổ Hà Nội lo lắng đặt ra rất nhiều câu hỏi băn khoăn khi anh vừa mua xe máy xăng trả góp để chạy, còn chưa trả hết tiền. Giờ chính quyền ra lệnh cấm xe xăng chạy trong nội đô và chuyển sang xe điện thì tiền đâu? Mỗi ngày anh chạy đến cả trăm cây số, xe máy điện có đáp ứng nổi không?

Theo anh An, thành phố Hà Nội không thể chỉ cấm, mà phải có giải pháp, có gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp, ít nhất là trợ giá hoặc thu hồi xe xăng cũ để đổi sang xe điện giá rẻ. Đồng thời, hệ thống trạm sạc hoặc đổi pin xe máy điện cần tiện lợi để những người như anh có thể dễ dàng chuyển đổi, không làm ảnh hưởng đến công việc.

Cùng tâm trạng lo lắng trước giờ "G" của xe xăng, anh Trần Văn Long (42 tuổi, quê Nam Định cũ), làm nghề chở hàng thuê từ chợ Long Biên vào các cửa hàng trong khu phố cổ, chia sẻ, làm nghề này hơn 10 năm rồi, mỗi ngày chạy xe từ 3-4 giờ sáng đến trưa, chở cá, rau củ vào trong phố, giao cho các nhà hàng. Là xe số cũ, mua lại hơn 6 triệu đồng, mỗi ngày trừ hết chi phí cũng chỉ còn lãi khoảng 200-250 nghìn đồng. Nghe nói từ tháng 7 năm sau cấm xe xăng vào Vành đai 1 anh Long rất lo lắng. Nếu phải đổi sang xe điện thì ít cũng phải gần 20 triệu đồng, anh chưa biết xoay xở thế nào?.

"Xe là công cụ kiếm sống của tôi, cấm thì tôi mất đường làm ăn. Tôi không phản đối vì biết là bảo vệ môi trường là tốt, nhưng rất mong các cơ quan chức năng cần có phương án để hỗ trợ cho những người như tôi – không phải ai cũng có tiền đổi xe ngay được"- anh Trần Văn Long chia sẻ.

Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo - Ảnh 2.

Doanh nghiệp tích cực chuyển hướng sang phương tiện xanh. Ảnh: Văn Xuyên/TTXVN

Là một người chuyên chạy chợ, bán rau tại khu vực chợ Ngọc Hà (phường Ngọc Hà- Hà Nội), chị Trần Thị Lan, quê xã Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết, buôn bán rau hơn 15 năm rồi, ngày nào cũng phải dậy từ 3 giờ sáng, chạy xe máy khoảng 40 cây số từ nhà chở hàng vào phố bán. Xe máy là bạn đồng hành, là cái 'chân' nên nghe tin sang năm cấm xe xăng vào Vành đai 1, chị rất hoang mang.

"Xe điện thì tôi biết là tốt, nhưng mất thời gian sạc, mà sạc ở đâu? Vài chục triệu đồng là cả một gia tài với người bán rau như tôi. Mỗi ngày tôi lời được 100-200 nghìn đồng, còn nuôi con ăn học. Tôi không phản đối chính sách, nhưng mong thành phố Hà Nội có cách hỗ trợ hay lộ trình rõ ràng, để những người buôn thúng bán mẹt như tôi còn có cơ hội theo kịp ngay được", chị Trần Thị Lan chia sẻ.

Cần giải pháp rõ ràng minh bạch

Trước những băn khoăn của người dân khi chuyển đổi sang xe điện để sống xanh, PGS-TS Hoàng Anh Lê, Trưởng bộ môn Quản lý môi trường-Khoa Môi trường (Trường đại học Khoa học Tự nhiên) cho biết, theo nguyên lý duyên khởi - có nghĩa là "Cái này sinh, cái kia sinh; Cái này diệt, cái kia diệt". Với một chính sách dừng không sử dụng xe máy (xăng, dầu) đi lại trong khu vực Vành đai 1 kể ngày 1/7/2026 là một chính sách tốt, kịp thời để bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng không khí trong lành hơn cho cộng đồng. Tuy nhiên, để người dân thuận tiện chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện được thuận lợi, nhất là đối với những người lao động "buôn thúng bán bưng" Nhà nước cần xây dựng được chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng đối tượng trong việc thu hồi, trợ giá xe... với giá thành mà người lao động có thể chấp nhận được.

PGS-TS Hoàng Anh Lê cũng gợi mở những giải pháp mà Nhà nước cần quan tâm lưu ý khi chuyển đổi xe máy xăng sang xe máy điện như chuẩn bị hạ tầng, các thiết bị hỗ trợ cho việc chuyển đổi, như trạm sạc, bộ sạc di động... Hay sự cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều lĩnh vực từ xây dựng, quy hoạch đô thị, giao thông công cộng... để đảm bảo việc chuyển đổi diễn ra hiệu quả. Những lo ngại về chi phí và khả năng tiếp cận của người dân, đặc biệt là những nhóm có thu nhập thấp khi chuyển đổi sang các phương tiện giao thông khác. Nhà nước cần có các giải pháp hỗ trợ và chính sách cần thiết để đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra một cách công bằng và hiệu quả.

Theo PGS-TS Hoàng Anh Lê, nếu chính sách trước khi áp dụng vào thực tế mà có những nghiên cứu, phân tích liên quan đến chi phí-lợi ích mở rộng, chi phí cơ hội một cách cụ thể, đánh giá toàn diện hơn các tác động của chính sách chuyển đổi đó thì sẽ thuyết phục hơn.

Để thực hiện Chỉ thị này của Thủ tướng chính phủ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng trong khu vực Vành đai 1. Theo đó, chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe sử dụng xăng sang xe điện sẽ được xây dựng bảo đảm hài hòa, dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe.

Hà Nội: Đổi xe để sống xanh, cần đồng hành cùng người nghèo - Ảnh 3.

Hà Nội hướng tới không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây tác hại môi trường. Ảnh: Quốc Lũy/TTXVN

UBND thành phố Hà Nội sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

Song song với đó, thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Dự kiến sẽ tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8 - 12 chỗ) để tạo thành mạng lưới hỗ trợ người dân di chuyển; nghiên cứu mô hình xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại Vành đai 1.

Đồng hành là hệ thống trung chuyển đa phương thức, phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Hiện hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã đi vào khu vực này. Các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai tiếp theo...

Đối với vấn đề trạm sạc, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, công nghệ. Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư…

Việc chuyển đổi xe máy để sống xanh không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải đi cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ bủa vây như tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sách, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc...

"Mục tiêu là tốt, nhưng phương pháp thực hiện phải đồng bộ, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Nếu người dân thấy họ được lợi, đi lại thuận tiện họ sẽ tự nguyện làm theo, thay vì cảm thấy bị ép buộc"- Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh.

Nam Giang - Quốc Lũy/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›