Họa sĩ Đào Thành Dzuy, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, trải qua 6 năm học tại Đại học Mỹ Thuật Slovakia, đã tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo từ sự hòa quyện giữa mỹ thuật Châu Âu và Á Đông.
Với kinh nghiệm dày dặn và kỹ thuật tinh tế, các tác phẩm của ông mang đậm sự an nhiên hiếm có. Trải qua 50 năm sáng tác và cống hiến, những sáng tạo của ông đã được công nhận và đánh giá cao bởi đồng nghiệp và công chúng, góp phần làm phong phú thêm nền mỹ thuật Việt Nam.
* Ông có thể chia sẻ về quá trình sáng tác trong những năm đầu sự nghiệp?
- Trong vài năm đầu, tôi miệt mài làm việc cùng người mẫu với mực nho và giấy Dó, tạo nên hàng trăm bức ký họa, nude đen trắng chỉ bằng chiếc bút lông và thỏi mực nho. Từ những đường nét đầu tiên – chân dung, bờ vai, mái tóc – tôi không ngừng tìm tòi vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp tinh thần của người phụ nữ Việt. Kho tư liệu quý giá ấy đã trở thành nền tảng cho rất nhiều tác phẩm về phụ nữ mà tôi sáng tác cho đến nay.
Chủ đề tĩnh vật, tôi dành sự quan tâm đặc biệt cho các loài hoa xưa của Hà Nội như loa kèn, hồng, dơn, và đặc biệt là hoa cúc. Cả trăm bông cúc chi được thể hiện tỉ mỉ, mềm mại trên nền giấy Dó, lúc đó tôi có vẽ những tác phẩm hoa cúc khổ lớn tới (150 x 150 cm).
* Sau 50 năm sáng tác, nếu quay trở về thời còn là một cậu bé, ông có bao giờ nghĩ tới một ngày mình trở thành một họa sĩ hay không?
- Ngày xưa, tôi không nghĩ mình sẽ trở thành họa sĩ, chỉ đơn giản là thích vẽ và khám phá màu sắc. Những khoảnh khắc chơi đùa cùng bạn bè trên phố Hà Nội, tôi say mê quan sát cảnh vật, con người, và để những mảng màu sống động dần dần hình thành trong tâm trí.

Họa sĩ Đào Thành Dzuy
* Là một họa sĩ từ trường đại học Mỹ Thuật VIệt Nam sau đó có những năm tháng phục vụ trong quân đội và rất nỗ lực để đạt được học bổng ở Trường Đại học Mỹ Thuật Slovakia (Tiệp Khắc cũ), phải chăng là một bước ngoặt khá lớn trong cuộc đời hoạ sĩ?
- Thời gian học tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam đã mở ra cho tôi nhiều kiến thức quý báu, được học hỏi từ các bậc thầy và họa sĩ danh tiếng. Khi phục vụ trong quân đội, như bao hoạ sĩ khác tôi làm công việc chuyên môn của mình góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Việc được cử đi học mỹ thuật tại Tiệp Khắc là một cơ duyên đặc biệt, vì lúc đó hầu hết mọi người đều sang CHDC Đức, Nga, Rumani, nhưng tôi là một trong số ít người được sang Tiệp Khắc, thậm chí là duy nhất vào thời điểm đó. Tôi học tại Đại học Mỹ Thuật Slovakia suốt 6 năm, tập trung hoàn toàn vào việc tiếp nhận tinh hoa của nền hội họa Tiệp Khắc và châu Âu. Tại đây, tôi được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật sơn dầu, màu sắc, hình họa, cũng như cách khơi gợi sự sáng tạo thông qua liên tưởng biểu hiện. Thành phố nơi tôi học yên bình và thơ mộng, giúp tôi tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.
Khi trở về từ Tiệp Khắc, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, xã hội mở cửa và nền kinh tế phát triển, con người thay đổi tư duy và lối sống. Hội họa cũng chuyển mình mạnh mẽ. Tôi bắt đầu tìm ra con đường riêng, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật châu Âu kinh điển và chất liệu truyền thống Việt Nam.
* Vì sao ông được đào tạo sâu về kỹ thuật sơn dầu khi ở nước ngoài nhưng khi trở về lại chú tâm vào chất liệu truyền thống cụ thể là giấy Dó với hàng trăm tác phẩm rất ấn tượng?
- Dù cố gạt bỏ, những gì đã in sâu trong tôi vẫn luôn hiện diện. Tôi không thay đổi, chỉ tiếp nhận và phát triển khi làm việc với giá vẽ. Hình dung bạn chỉ có mình và giá vẽ, bao quanh là những bức tường, màu sắc, bút, cọ, nước và sơn…
Có thời gian, tôi sử dụng mực nho trên giấy Dó để vẽ ký họa chân dung và tranh nude, như những bức thư pháp bằng hình, hàng trăm tác phẩm ra đời được người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế yêu mến sưu tập. Tôi chỉ giữ lại vài bức như một dấu ấn hành trình sáng tác của mình. Thời gian khác, tôi say mê vẽ hoa: loa kèn, cúc, hồng, sen, dơn… Ngồi tỉa từng cánh cúc nhỏ và cả trăm bông cúc chi trong một khuôn tranh giấy Dó khổ lớn giống như một sự thử thách tính kiên nhẫn của bản thân.
Từ khoảng năm 1997, tôi bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để khám phá các chất liệu tổng hợp, thử nghiệm với hàng trăm bức tranh trừu tượng trên giấy Dó.
Giấy Dó với tôi là sự kết hợp giữa mộc mạc, thô ráp nhưng cũng đầy mong manh. Khi vẽ trên đó, mỗi nét bút là một thử thách. Giấy Dó bóc 1 luôn là nguồn đam mê sáng tạo. Tôi vẽ và tự bồi những bức tranh khổ lớn, cùng kỹ thuật vẽ nhiều lớp kết hợp các chất liệu giúp cho giấy Dó có độ bền vững cao mà không cần khung kính. Thật sự, như cá gặp nước, tôi càng "si mê" giấy Dó và tìm thấy vô vàn không gian sáng tạo cho tác phẩm của mình.

Đào Thanh Dzuy bên các tác phẩm giấy Dó của mình
* Hoạ sĩ có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm cho các bạn trẻ về phương pháp bồi giấy Dó của ông?
- Tôi tự mày mò học hỏi, thử nghiệm nhiều, và nhận ra mỗi thử thách là một bài học thú vị. Ngày xưa, các cụ làm hồ nếp để bồi giấy Dó: gạo ngâm nhiều ngày, mỗi ngày thay nước cho đến khi trong veo, rồi quấy thành hồ, giúp tranh bền, không bị mốc.
Tôi không vẽ trực tiếp trên một lớp giấy Dó, mà bóc tách từng lớp, lớp 1 lớp 2, lớp 3… rồi mới vẽ. Cách làm này tạo hiệu ứng không gian và bố cục đặc biệt cho tác phẩm.
* Nhắc tới họa sĩ Đào Thành Dzuy, người ta thường nhắc tới những tác phẩm về sen, nhưng dường như ông rất "say" sáng tạo với lá sen nhiều hơn là hoa sen, vì sao vậy?
Tôi vẽ nhiều loài hoa, nhưng hoa sen luôn có một sức hút đặc biệt. Sau năm 2000, cảm hứng của tôi dồn vào Sen. Sen Hồ Tây là niềm đam mê của tôi, với những chiếc lá có diềm quyến rũ, không loài sen nào có được. Mỗi mùa sen, tôi thường lên đầm sen vẽ ký họa, cảm nhận vẻ đẹp của hoa qua từng thời khắc: lúc e ấp, lúc nở rộ và lúc tàn – như một biểu tượng của thời gian, mang đến cho tôi nguồn năng lượng sáng tạo bất tận, thời gian này tôi có những tác phẩm Sen khổ lớn (120 – 250cm).
Nhiều người thắc mắc sao tôi vẽ những bức tranh khổ lớn chỉ lá sen. Tôi muốn khai thác bố cục lá sen trong tranh gợi nhắc đến hội họa trừu tượng, tuy rất thực mà lại rất thơ. Chỉ một lá sen đơn độc, được thể hiện bằng những đường gân tỉ mỉ, màu sắc tối giản, vẫn truyền được cảm giác mỏng manh, nhẹ nhàng, sâu sắc.

Dấu tròn dát vàng được xem như dấu ấn riêng của Đào Thanh Dzuy
* Xem tranh của hoạ sĩ người ta thường thấy có dấu tròn dát vàng, đó là "biểu tượng", điểm nhấn, dấu ấn riêng của Đào Thành Dzuy chăng?
- Tôi thường dùng một dấu chấm tròn dát vàng trong tranh, như mặt trăng, mặt trời, hoặc biểu tượng của sự viên mãn và sang trọng. Đó là một gợi mở, mời gọi người xem suy tư về những điều ẩn chứa trong tác phẩm.
* Vì sao mọi người lại ví ông như một kẻ mộng mơ duy mỹ?
- Tôi truyền tải cái đẹp một cách nguyên sơ và tích cực. Tình yêu với giấy Dó cũng làm cho tôi vẽ cái gì cũng mang nét Á Đông cho dù sử dụng kỹ thuật hiện đại. Có lẽ chúng đã ngấm vào tôi một cách tự nhiên nhất, bởi đó là những gam màu của sự bình yên, nhẹ nhõm. Bạn đừng nói tôi có một đời sống "no đủ" không "lo nghĩ"! Tôi cũng như mọi người, ai chẳng có đủ những niềm vui, nỗi buồn, đôi khi cả sự bế tắc nữa. Tuy nhiên, khi bế tắc, tôi không vẽ. Nếu cố vẽ, tác phẩm sẽ không có nội lực. Và tôi không mang sự tiêu cực vào tranh của mình. Hội họa là mạch sống của đời một họa sĩ. Chỉ có hội họa mới làm tôi thấy bình yên, và tôi muốn đem sự bình yên ấy vào tác phẩm của mình.
* Trong các họa sĩ Việt Nam, ông thích và khâm phục ai nhất?
- Tôi rất ngưỡng mộ cụ Nguyễn Sáng và cụ Nguyễn Tư Nghiêm. Có lần anh Quang Việt rủ tôi đi học vẽ cụ Tư Nghiêm nhưng tôi không thu xếp được thời gian. Chiều sâu suy nghĩ và sự sáng tạo trong hoàn cảnh sống và sáng tác của các cụ lúc bấy giờ luôn khiến tôi khâm phục và có nhiều cảm xúc.
* Xin cám ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện!
Tags