Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Tại đó, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, nêu rõ: Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Phiên họp thứ 28, BCĐ Trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực. Thực hiện: Hồng Điệp – Khánh Hiếu Biên tập: Hữu Trung -TTXVN
Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm được đưa ra trong thời điểm cả nước vừa chứng kiến sự chuyển mình mang tính lịch sử. Từ ngày 1/7, cùng với việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh/thành phố và xã/phường) đã chính thức đi vào vận hành. Có thể nói, chưa khi nào trong lịch sử đương đại, Đảng và Nhà nước lại triển khai một chiến dịch sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô lớn như hiện nay.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Nhưng, thay đổi lớn về cấu trúc tổ chức cũng là phép thử đối với sự bền vững của đạo đức công quyền và kỷ luật nhà nước. Bởi đằng sau những con số và sơ đồ vừa hình thành là những chuyển động gắn với vị thế, vai trò cũng như cơ hội của hàng vạn con người.
Không khó hiểu khi bộ máy hành chính địa phương là nơi nhạy cảm nhất trước những thay đổi ấy. Tại đây, quyền hạn được thực thi sát với thực tế nhất, và lợi ích hiện hữu cũng dễ nảy sinh trong quá trình kết nối với người dân. Vào lúc này, mỗi quyết định về bổ nhiệm cán bộ, phân công lại nhiệm vụ hay điều chuyển vị trí đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, quyền hạn, trách nhiệm và định hướng phát triển của từng người trong bộ máy.
Đại biểu tham dự Phiên họp thứ 28 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Thực tế luôn cho thấy: Bất kỳ cuộc cải cách lớn nào cũng tồn tại một "nửa bên kia" đầy thử thách. Cũng như, không phải ngẫu nhiên mà các câu chuyện về tiêu cực có xu hướng bùng phát mạnh trong các giai đoạn hợp nhất hoặc chuyển giao. Bởi khi các quy trình và cơ chế mới vừa được thiết lập, khi toàn bộ bộ máy còn đang trong giai đoạn chờ ổn định, đó là thời điểm các lỗ hổng, kẽ hở dễ hình thành và bị lợi dụng.
Chính vào lúc này, lòng tham, sự cám dỗ và những toan tính "lách luật" dễ nổi lên, kéo theo những nguy cơ tiêu cực trong quá trình sắp xếp bộ máy hoặc chuyển giao các nguồn lực như ngân sách, đất đai, công sản... Rào cản này là tất yếu trên con đường hướng tới những mục tiêu tích cực mà cải cách hành chính hướng đến: một bộ máy tinh gọn, một xã hội tiến bộ, nơi người dân đặt niềm tin vào sự liêm chính và hiệu quả của hệ thống công quyền.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Giữa bối cảnh ấy, điểm nổi bật trong chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là sự trực diện và không né tránh. Ở đó, ông nhìn rõ bản chất của mọi cuộc cải cách lớn, khi cơ hội luôn song hành cùng rủi ro, và những mục tiêu tích cực chỉ thành hiện thực nếu phòng, chống được những mặt trái của sự thay đổi.
Từ cách tiếp cận này, có thể hiểu được việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm của công tác kiểm tra, giám sát: Đó là trục xương sống đảm bảo toàn bộ tiến trình vận hành bộ máy mới, bởi nó quyết định sự liêm chính và tính bền vững của hệ thống sau sắp xếp, tinh gọn.
Chiều 7/7/2025, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp Thông báo kết quả Phiên họp thứ 28 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong ảnh là quang cảnh họp báo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Cũng như khi nhấn mạnh việc "kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các sai phạm", Tổng Bí thư đã cho thấy sự đề cao cách tiếp cận chủ động ngay từ điểm xuất phát: Công tác kiểm tra, giám sát phải song hành cùng mọi quyết sách lớn nhỏ, trở thành "bộ lọc" quan trọng giúp các quyết định, chính sách không bị lợi dụng khi đi vào thực tế.
Ở một lớp nghĩa khác, thông điệp của Tổng Bí thư còn là một lời nhắc nhở thực tế: Cải cách hành chính chỉ có ý nghĩa khi quyền hạn của cán bộ được kiểm soát, nguồn lực công được gìn giữ, và niềm tin xã hội được củng cố. Và sự vận hành của bộ máy chỉ thực sự hiệu quả khi từng vị trí nhân sự, từng khâu sử dụng tài sản công đều được soi rọi bằng kiểm tra, giám sát khách quan, độc lập, kịp thời.
Như vậy, thông điệp của Tổng Bí thư còn là sự gợi mở về một chiến lược phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong bối cảnh mới: Đặt kiểm tra, giám sát, thanh tra vào vị trí tuyến đầu, chủ động nhận diện và hóa giải nguy cơ ngay từ điểm xuất phát.
Đối diện với thử thách, dũng cảm nhận diện những trở ngại cần vượt qua từ cải cách – đó là phẩm chất cần có của một bộ máy quản lý nhà nước. Và đó cũng là điều kiện tiên quyết để mọi đổi mới mang lại giá trị thực chất, lan tỏa niềm tin, cũng như tiếp thêm sức mạnh phát triển cho cả cộng đồng.
Bài: Trí Uẩn
Trình bày: Bách Việt
Báo Thể thao & Văn hóa