Mập mờ nguồn gốc sữa - Cần vá ngay lỗ hổng quản lý

Thứ Tư, 07/05/2025 19:08 GMT+7

Google News

Như bài trước đã đề cập, nhiều loại sữa đến tay người tiêu dùng với nhãn mác ghi đầy đủ nhà sản xuất, hạn sử dụng… nhưng thực tế lại là các địa chỉ "ma", trong khi người tiêu dùng khó tự thẩm định được thật giả. Vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận (đã khởi tố 15 đối tượng liên quan) vừa qua cũng cho thấy đã có lỗ hổng trong quản lý với sản phẩm sữa.

Tự công bố nhưng không ai kiểm tra

Theo điều tra của cơ quan công an, một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lợi dụng quy định về việc doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi sản phẩm lưu hành.

Những sản phẩm được cơ quan công an xác định là sữa giả, đều do các doanh nghiệp tự công bố mà không có quá trình hậu kiểm của cơ quan chức năng liên quan. Không ai xác nhận các lon sữa này có đủ thành phần, đủ hàm lượng, chứa những gì đã công bố hay không bởi chưa có cơ quan nào tiền kiểm hay hậu kiểm. Việc kiểm tra đột xuất hay lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng thường diễn ra khi sản phẩm bị kiện cáo, có dấu hiệu vi phạm, lừa dối người tiêu dùng.

Mập mờ nguồn gốc sữa - Cần vá ngay lỗ hổng quản lý - Ảnh 1.

Ảnh: Vietnam+

Như hai sản phẩm sữa mà chúng tôi đã đề cập trong bài trước có nhãn mác USAEndisure Gold, trên vỏ hộp ghi số TCB: 35/QG-HB/2024 cùng với nhiều thành phần dinh dưỡng.

Tuy nhiên, qua tra soát thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Hòa Bình hiện chưa tìm thấy thông tin cụ thể về số tự công bố này.

Tương tự sản phẩm có tên gọi USAEndsure Gold, nhà sản xuất là Công ty TNHH Dược phẩm CNC Minh Chung có số tự công bố TCB: 26-A/MC-HB/2024. Tuy nhiên, khi kiểm tra trên cổng thông tin điện tử của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hòa Bình cho kết quả "không tìm thấy kết quả nào với truy vấn".

Một chuyện khôi hài xảy ra khi phóng viên đi xác minh thực tế địa chỉ nơi sản xuất trên vỏ 2 loại hộp sữa trên, một người phụ nữ địa phương đã cung cấp thêm sản phẩm "Philatop Gold Đạm sữa non tổ yến" với công dụng giúp ăn ngon, ngủ ngon, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tốt cho hệ tiêu hóa… Bà cho biết con của bà mua ở Hải Phòng gửi về, trên nhãn mác ghi sản xuất và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm: "CNHB-Công ty TNHH Dược phẩm và Dịch vụ y tế DR Queen Bioderma France" cũng tại địa chỉ Khu tái định cư 1, tiểu khu Liên Sơn, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Lúc này bà mới tá hỏa không dám sử dụng bởi bà ở ngay cùng địa chỉ sản xuất mà chưa từng biết tên công ty này.

Cần có cơ chế hậu kiểm sát sao

Là một người thường xuyên mua sữa, chị Kim Liên (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mỗi ngày bé nhà chị uống sữa rất nhiều nên khi nghe tin đường dây sữa giả bị bóc gỡ, chị thấy rất bức xúc và hoang mang bởi khi mua thì chị tin tưởng vào những thông tin đã ghi rõ ràng trên vỏ hộp, hơn nữa sản phẩm lại bày bán công khai.

Mập mờ nguồn gốc sữa - Cần vá ngay lỗ hổng quản lý - Ảnh 2.

Hai mẫu sữa chỉ khác nhau chữ i. Ảnh: TTXVN

Theo các chuyên gia, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm, sau đó được phép sản xuất, kinh doanh ngay mà không cần qua bất kỳ bước kiểm tra, thẩm định hay cấp phép nào từ cơ quan nhà nước. Vụ việc Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 loại sữa giả với số tiền gần 500 tỷ đồng là minh chứng rõ nhất về lỗ hổng lớn trong công tác hậu kiểm.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng việc cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm như hiện nay "chưa ổn", tạo kẽ hở cho những đối tượng kinh doanh gian dối, sản xuất hàng giả. Ông Trung cho rằng phải kiểm tra chất lượng sữa, tiền kiểm xem có đảm bảo hay không mới đưa ra thị trường. "Để người ta tự công bố chất lượng thế thì tôi thấy bát nháo quá", ông Trung bày tỏ bức xúc.

Còn ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhấn mạnh: "Việc cho doanh nghiêp tự công bố là quy định tạo thuận lợi nhưng việc hậu kiểm rất quan trọng. Mình phải kiểm tra, kiểm soát, trong đó có trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Quản lý thị trường".

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Sinh, liên quan đến công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đã có Ban Chỉ đạo về an toàn vệ sinh thực phẩm với nhiều bộ, ngành phối hợp nhưng đến khi vụ việc sữa giả xảy ra thì trách nhiệm cũng như vai trò của các đơn vị này lại chưa được phân định rõ ràng. "Ở đây quản lý Nhà nước là Bộ Y tế. Bộ này có cơ chế chính sách liên quan đến an toàn thực phẩm. Nhưng việc quản lý lưu hành là Bộ Công Thương, mà Bộ Công Thương có hẳn một lực lượng quản lý thị trường nhưng vừa rồi vẫn có lỗ hổng trong quản lý", ông Sinh bày tỏ.

Nhóm PV/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›