Trong ký ức tuổi thơ của mình, Yên Tử là một khái niệm vừa huyền bí vừa xa xôi.
Khi còn là một chú nhóc, mỗi ngày trời đẹp nhìn về phía Bắc, tôi lại thấy dãy Yên Tử xanh thẳm với hai cái sừng in trên trời xanh. Đó là những năm chiến tranh, nhiều trai làng tôi đi bộ đội. Người ở lại bảo nhau: huấn luyện xong ở Yên Tử, họ sẽ vào Nam đánh Mỹ.
Năm 18 tuổi, tôi cũng nhập ngũ, đóng quân ở huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (cũ) nay là Bắc Ninh. Yên Tử lúc này ở phía Nam, đỉnh cao nhất của nó được ghi trong bản đồ tác chiến là 1.068 mét. Sau mỗi cơn mưa, sườn núi xuất hiện một thác nước trắng xóa.

Yên Tử nhìn từ xa với hai đỉnh núi nhô lên như hai cái sừng, với đỉnh cao nhất là chùa Đồng

Chùa Hoa Yên, Yên Tử nhìn từ đỉnh núi, năm 1996

Du khách hành hương Yên Tử, con đường xuống núi vẫn còn gập ghềnh, năm 2006
19 tuổi, tôi có chuyến vượt Yên Tử đầu tiên và cũng là chuyến lạc rừng nhớ đời. Sau đợt “tranh thủ” về quê, Hào, bạn học và cũng là đồng đội tôi bảo: "Leo Yên Tử lên đơn vị đi, chúng tao leo mãi rồi". Sáng sớm đi xe khách từ Hải Phòng tới Đông Triều, Hào dẫn tôi vào chân núi, bảo cứ lối này leo lên.
Tôi theo đường mòn, leo dần lên núi. Rừng rậm, rồi đồi cỏ tranh, rồi lại rừng thưa, rừng rậm. Trưa, chiều rồi tối, rồi đêm. Tôi vẫn lạc trong rừng khuya Yên Tử. 10 giờ đêm, tôi bỗng nghe tiếng chó sủa, tiếng người nói. Một nhóm thợ săn. Họ dẫn tôi xuống đường lớn và bảo tôi đi theo hướng này, sẽ có nhà dân.

Chùa Vân Tiêu, Yên Tử, năm 1998

Chùa Đồng cũ. Ảnh chụp năm 1999

Chùa Đồng khi đang được tôn tạo vào năm 2006
Căn nhà mà tôi xin vào ngủ nhờ bên bếp lửa cách đây 41 năm có cô gái tên Dung xinh đẹp. Sáng hôm sau, Dung dẫn tôi ra khỏi rừng và chỉ lối về đơn vị. Em còn cho địa chỉ ở thôn Khê Thượng, xã Việt Dân, huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Còn nơi đây là xã Vô Tranh, thuộc Hà Bắc (cũ), Dung sang đây làm rừng với anh trai.
Tôi trở lại Lục Nam vài lần, sau khi rời quân ngũ. Yên Tử, nơi các cánh rừng thuở xưa từng bị lấy gỗ chống lò trong mỏ than, nay đã trở thành khu bảo tồn Tây Yên Tử. Chạy xe vào những con đường mòn, kiểm lâm ngăn tôi lại, bảo đây là khu bảo tồn, cấm xâm phạm. Tôi cười, bảo muốn thăm lại nơi đóng quân của đơn vị xưa, nhưng các anh kiểm lâm cũng không cho tôi toại nguyện, nghiêm thật!

Chùa Đồng ngày nay. Ảnh TTXVN

Du khách lội qua suối Giải Oan, năm 2009

Tây Yên Tử nay đã trở thành khu bảo tồn, ảnh chụp năm 2012
Lại nhớ, năm 1991, tôi có chuyến hành hương đầu tiên lên Yên Tử. Giao thông khó khăn, chưa có cáp treo, chúng tôi phải ngủ đêm trong những lều lán tạm bợ bên chùa Hoa Yên, bên cạnh những bếp than sưởi ấm.
Thế rồi vật đổi sao dời. Cáp treo Yên Tử ra đời. Yên Tử giờ khang trang, sạch đẹp, không còn quá xa vời và bí ẩn với tôi như 50 năm trước. Tôi cũng có một người bạn đã hơn trăm lần từ Hải Phòng chạy xe máy cào cào sang Yên Tử rồi leo thẳng lên chùa Đồng, rồi quay xuống trong ngày. “Lên Yên Tử để thấy phù vân, để tâm an, trí tĩnh”, anh bạn nói. Tôi cũng muốn theo chân anh bạn một lần nhưng biết sức mình đã yếu. Thì thôi, xin kể hầu bạn đọc những chuyện vặt này, coi như để mừng cho quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 12/7 vừa qua…
Tags