Ngẫm ngợi cuối tuần: Làng mới và làng xưa

Chủ nhật, 27/07/2025 14:22 GMT+7

Google News

Quê cha đất tổ tôi là đất Nành (Ninh Hiệp, Hà Nội). Gia đình phiêu bạt lên mạn ngược từ những năm trước cách mạng, nên tôi được sinh ra trên núi.

Đến sau trận Điện Biên, thông thương ngược xuôi, tôi mới được bố cho về quê thăm họ hàng. Nghỉ Hè thì ở hàng tháng với ông bà nội. Những năm ấy, làng Nành nhà tường gạch, cao ngang vai xen lẫn tường đất, đường làng gạch lát nghiêng xương cá, cống rãnh theo chỗ trũng mà chảy. Cũng có chỗ tù đọng, nhưng không ngầu đục thối bẩn như bây giờ.

Có lẽ vì đời sống đạm bạc nên thời ấy rất ít rác thải. Không thấy có bãi rác công cộng. Làng có cái giếng chung, hàng ngày nhà nhà ra gánh nước, trút vào chum vại, dùng trong ngày. Cái không khí thân thiện thanh bình đến mức chỉ một tiếng chó sủa đã là âm thanh kinh động nhất.

Êm đềm, mộc mạc hiện ra ở từng ngõ nhỏ. Trẻ con thấy người lớn đi qua, biết nhanh chân tránh đường, gặp cụ già từ xa chúng đã chắp tay vái chào cho đến khi người đi qua mặt chúng.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Làng mới và làng xưa - Ảnh 1.

Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Trên mạn ngược thì bố mẹ tôi và hàng xóm vài chục mái nhà cũng toàn dân định cư. Người Thái Bình, Hà Nam, Nam Định (cũ). Có cả Hà Nội, ở phố Lò Đúc... Tất cả bỏ quê lên sơn cước đèo heo hút gió này đều do những nguyên nhân chẳng giống nhau, đều xuất phát từ muôn vàn nguồn cơn chẳng thể đặng đừng.

Mười kẻ tha hương thì chín kẻ đều xuất phát từ những câu chuyện buồn. Đi kiếm sống khi ở quê không còn cửa. Đi để làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Cũng vì tứ xứ, mới định cư nên tuy tình làng nghĩa xóm vẫn đậm đà, nhưng không có cái truyền thống làng xã thành chương bản như những làng cổ đồng bằng, ít tục lệ, không hương ước. Vì thế mà ứng xử tuyềnh toàng, không câu nệ, khuôn phép. Đó là cái văn hóa tứ xứ hợp lại nhau, tự nhiên có cái kiêng dè.

Làng cổ đất Nành quê tôi hình thành từ bao nhiêu đời nên nhiều họ lớn, có mối quan hệ họ hàng dằng dịt nhiều đời, "phi nội tắc ngoại" nên một gia đình có dây dưa nội ngoại đến nửa làng cũng nhiều lắm. Làng cổ xưa thường hình thành nên những dòng họ. Tính theo suất đinh, sẽ có họ to họ nhỏ. Họ to cũng có khi lấn lướt lắm. Nhưng người làng thì luôn ý thức bảo vệ nhau.

Nhưng tôi cũng yêu những năm tháng yên bình ngắn ngủi ở làng định cư nơi mạn ngược. Nhớ người xưa có câu nhắc nhở "thân nhau thì rào cho chặt", bóng gió là không được sống tuyềnh toàng nhưng con người thật thân ái. Họ "ăn mải" (làm việc vặt không lấy công) giúp nhau, gọi nhau qua tường cho nhau trái mít, í ới gọi trẻ nhà chung vách sang vườn hái táo. Bờ rào chỉ là những hàng dâm bụt, cúc tần, ô rô, hoặc tốt nhất là găng tây chứ không căng cứng xi măng, cao lút đầu người tua tủa mảnh chai hoặc thép gai xoáy ốc đầy chất phòng thủ.

Với lối "rào cho chặt" ngày nay, khi nhà cao cửa rộng, tường bưng bịt kín thì cái văn hóa làng xưa cũng xo vai, trốn chạy mất dép. Bóng dáng nó đang càng mờ dần, mất dần ngay cả tâm thức trong tôi…

Họa sĩ Đỗ Đức

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›