Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tự hào nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình

Thứ Bảy, 26/07/2025 11:26 GMT+7

Google News

Có những nỗi đau đã hóa thành thiêng liêng. Có những ký ức không nằm trong sách sử mà chảy trong huyết quản mỗi người Việt Nam. Ngày 27/7- Ngày Thương binh - Liệt sĩ không phải chỉ để tưởng nhớ, mà còn để mỗi chúng ta lắng lại, để sống chậm hơn một nhịp, để thắp nén tâm nhang tri ân những người đã đánh đổi xuơng máu, tuổi thanh xuân cho Tổ quốc và tri ân cả những người trở về nhưng mang theo vết thương không bao giờ lành.

78 năm trôi qua kể từ ngày đất nước đặt viên gạch đầu tiên xây dựng chính sách "Đền ơn đáp nghĩa", từ Sắc lệnh số 20/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ - hành trình tri ân chưa bao giờ dừng lại. Tháng 7/1955, Đảng, Nhà nước ta quyết định đổi "Ngày Thương binh toàn quốc" thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ". Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành "Ngày Thương binh - Liệt sĩ" của cả nước. Đây là ngày toàn dân cùng thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng hiếu nghĩa với những người đã ngã xuống, tri ân những người đã gửi lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tự hào nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cùng thân nhân liệt sĩ tại Hội nghị sơ kết công tác thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Sâu thẳm trong tâm khảm mỗi người Việt, mỗi tấm bia khắc tên, mỗi phần mộ chưa xác định được thông tin và mỗi vết thương trên cơ thể người thương binh… đều là những mốc son định vị cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc, cho hòa bình hôm nay.

Cũng bởi tinh thần và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", 78 năm qua, đền ơn đáp nghĩa không chỉ là chính sách của Đảng, Nhà nước, mà đó còn là hành động của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, là mệnh lệnh từ trái tim của cả dân tộc. Sự đền đáp ơn nghĩa đang được thực hiện bằng những hành động thiết thực: Chế độ trợ cấp ngày một nâng cao, nhà ở được quan tâm hỗ trợ, việc làm được tạo điều kiện, chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo và các dịch vụ xã hội ngày càng đồng bộ, hiệu quả.

Và tình cảm ấy, đạo lý ấy đã thể hiện qua những con số sinh động: Hơn 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản. Hàng nghìn hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang. Khoảng 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước luôn được đầu tư xây dựng, tu bổ khang trang, trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. Việc xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ giám định ADN, đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tự hào nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Riêng 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, trao thêm 325 Bằng Tổ quốc ghi công. Đặc biệt, ngay trong những ngày tháng Bảy lịch sử này, chúng ta đã hoàn thành toàn bộ việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng với khoảng 34.000 căn nhà, sớm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra.

Những hoạt động tri ân đã lan toả rộng khắp trong cộng đồng. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và "Quỹ đền ơn đáp nghĩa" được phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và cá nhân đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như xây "Nhà tình nghĩa", lập "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa", tặng "Sổ tiết kiệm tình nghĩa", phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Có một điều rất đặc biệt và đáng trân trọng hơn nữa, hiện nay, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công vẫn tiếp tục cống hiến trí tuệ, sức lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù mang thương tật, nỗi đau chiến tranh in hằn trên cơ thể, họ vẫn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, tích cực lao động, sản xuất, tham gia công tác xã hội, làm gương sáng cho cộng đồng. Họ không chỉ là những nhân chứng sống động của lịch sử mà còn là biểu tượng của khát vọng sống đẹp, sống có ích, là ngọn lửa cách mạng thắp sáng ý chí vươn lên không ngừng.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tự hào nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình - Ảnh 3.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tặng quà thương binh Đặng Văn Lễ. Ảnh: TTXVN phát

Hôm nay đây, công tác đền ơn đáp nghĩa nói chung và tri ân người có công nói riêng tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là bổn phận của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và ngày càng đổi mới theo hướng toàn diện, nhân văn, hiệu quả. Đó là tiếp tục cải cách, thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và giám định gen ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Đó là đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác người có công với cách mạng; tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ. Và đó còn là hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng; quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở...

Tất cả đều thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo không chỉ đời sống vật chất, mà còn cả tinh thần của thân nhân liệt sĩ và cộng đồng. Và tất cả đều nhằm hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ và khẳng định nhất quán quan điểm của Đảng: Không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ lại phía sau!

Dịp 27/7 này, tri ân là để nhắc nhớ, và tri ân là bằng hành động. Hành động để chăm lo ngày càng chu đáo hơn cho đời sống của người có công. Hành động để xứng đáng với những hy sinh cao cả của thế hệ cha anh. Hành động để đưa đất nước ta ngày một phát triển, hùng cường, trở thành nơi mà mọi người dân đều được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc - điều mà lớp lớp những người đã ngã xuống hằng ước vọng.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7: Tự hào nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình - Ảnh 4.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia 515 tại Lễ truy điệu và an táng 172 hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Thanh Tân - TTXVN

Bởi vậy, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân chính là những lời tri ân thiết thực nhất, ý nghĩa nhất đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Trong Di chúc thiêng liêng để lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn… quyết không để họ bị đói rét". Lời dặn ấy vẫn còn nguyên giá trị, như một mệnh lệnh từ trái tim, một cam kết không thể phai nhòa của cả hệ thống chính trị đối với những người có công.

Như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: "Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc".

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không chỉ là dịp để tưởng nhớ, biết ơn những người đã ngã xuống, mà còn là thời khắc để chúng ta soi lại mình, để sống tốt hơn, sống có trách nhiệm hơn với quá khứ và tương lai. Hành trình dựng xây đất nước hôm nay chính là sự tiếp nối thiêng liêng những điều chưa trọn vẹn của lớp lớp cha anh. Mỗi bước tiến của đất nước, mỗi thành tựu của dân tộc đều mang theo một phần máu xương của những người đã hy sinh.

Tự hào về nguồn cội, trọn vẹn nghĩa tình - đó là sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, là nền tảng tinh thần để chúng ta vững bước đi tới tương lai.

Hạnh Quỳnh/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›