Cuốn sách Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời của tác giả Vũ Thế Long vừa ghi dấu ấn đặc biệt khi ấn bản tiếng Trung đoạt giải "Sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc năm 2025".
Đây là tác phẩm Việt Nam duy nhất được vinh danh tại giải thưởng do Ủy ban Tuần lễ Sách văn hóa Trung Quốc - Đông Nam Á, Tập đoàn Xuất bản Quảng Tây và Baidu phối hợp tổ chức, dựa trên các tiêu chí về số lượng tiêu thụ, phản hồi của độc giả và đánh giá của truyền thông tại Trung Quốc.
Chứng nhận giải thưởng
Theo thông tin từ Ban tổ chức, Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời (ấn bản tiếng Trung) đã xuất sắc đứng thứ 8 trong top 20 sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc với điểm số 4.73. Lễ trao giải vừa diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Sách văn hóa Trung Quốc - ASEAN 2025 tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Đại diện Ban tổ chức nhận xét: "Bằng một ngòi bút tinh tế, tác phẩm đã đem đến cho độc giả Trung Quốc một bức tranh sống động về những biến đổi trong văn hóa ẩm thực Hà Nội và Việt Nam, truyền tải suy nghĩ của tác giả về sự kế thừa và đổi mới, cũng như tình yêu sâu sắc đối với văn hóa dân tộc".
Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời (Chibooks xuất bản năm 2021) là kết quả của nhiều năm nghiên cứu, trải nghiệm và tình yêu sâu nặng dành cho văn hóa ẩm thực Hà Nội của tiến sĩ, nhà nghiên cứu Vũ Thế Long. Cuốn sách đưa độc giả ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ 20, khám phá cách người Hà Nội ăn uống, chế biến, sáng tạo ẩm thực, cũng như cách họ tiếp nhận, đồng hóa các luồng ẩm thực mới du nhập vào Thủ đô qua các đợt giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc. Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người Hà Nội gốc với kiến thức khảo cứu tỉ mỉ đã tạo nên một tác phẩm vừa giàu tư liệu, vừa sống động, gần gũi, giúp người đọc cảm nhận được chiều sâu của văn hóa ẩm thực Hà Nội trong suốt thế kỷ đầy biến động.
Ngay khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả trong nước và sự chú ý của các nhà xuất bản quốc tế. Ấn bản tiếng Trung Quốc của Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời cùng với Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) do Chibooks thực hiện đã được Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây mua bản quyền và xuất bản tại Trung Quốc. Lễ ra mắt hai cuốn sách và giao lưu tác giả đã diễn ra vào tháng 11/2024 tại Nam Ninh.
Chia sẻ về cuốn sách, ông Vũ Thế Long bày tỏ: "Tôi liều viết về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội vì cứ chủ quan nghĩ rằng đã là người Hà Nội thì thế nào cũng viết được. Cầm bút lên mới thấy bí. Ngay định nghĩa thế nào là người Hà Nội cũng đã bí rồi. Đâu cứ phải sống lâu ở Hà Nội hay tổ tiên gốc gác nhiều đời ở Hà Nội thì mới là người Hà Nội! Ngày nay, người Hà Nội nói đủ loại giọng đổ về từ khắp mọi miền. Họ là những người Hà Nội mới, dân mới nhập cư; cũng như cụ kỵ tôi từ đời tằng tổ là lớp người di cư đến sống ở Thăng Long từ mấy trăm năm trước. Các cụ cũng chính là lớp dân "Hà Nội mới" của cái thời ấy. Trải qua nhiều thế hệ, con cái những người Hà Nội mới và chính bản thân họ cũng tự Hà Nội hóa, hoặc gắng Hà Nội hóa để trở thành cư dân của đất kinh kỳ, của thủ đô ngàn năm văn hiến. Họ học hỏi, hòa đồng với người Hà Nội gốc và đóng góp thêm vào những nét văn hóa mới mà trước đó chưa từng có ở Hà Nội".
Ông chia sẻ thêm: "Để tìm cách tiếp cận được với văn hóa ăn uống của Hà Nội, Việt Nam, tôi xin viết ra những gì mà một người ở lứa tuổi như tôi được sống ở Hà Nội biết được mình đã uống gì, ăn gì; gia đình những người quanh mình ở các lứa tuổi, các thế hệ đã ăn uống ra sao; may ra có chút lợi ích gì chăng cho công cuộc tìm hiểu và bảo tồn văn hóa ăn uống của người Hà Nội chúng ta.
Suy cho cùng, ăn uống cũng là một nghệ thuật. Nói đến nghệ thuật, xưa nay người ta thường nêu bảy thứ nghệ thuật, gồm có: âm nhạc, kịch, múa, kiến trúc, vẽ nặn, nhiếp ảnh và nghệ thuật thứ bảy là điện ảnh. Hình như trước đây, chưa mấy ai chú ý đến ăn uống. Trên thế giới có nhiều dân tộc rất coi trọng sự ăn, sự uống cũng như sự mặc, sự ở, là những thứ rất thiết yếu đến đời sống con người. Liệu có thể xếp ăn uống hay nói một cách văn hoa, nghệ thuật ẩm thực là "nghệ thuật thứ tám" được chăng?