Nhà văn Đào Quốc Vịnh có 3 tác phẩm được trích đưa vào sách giáo khoa. Đó là Sang đường (ký bút danh Thuần Khang) và Tấm bìa các-tông in trong Tiếng Việt 5, tập 1, còn Hoa trạng nguyên in trong Tiếng Việt 5, tập 2, cùng thuộc bộ sách Cánh diều.
Đây là niềm vui tuổi già của một nhà văn đồng thời là một nhà giáo đã gắn bó nhiều năm với học sinh tiểu học, vì vậy ông xem đó là món quà gửi tặng đến những mầm non thương yêu.
Những bài học giản dị
Ông xem đây là 3 "mẩu chuyện" nhỏ, gần gũi và cần thiết cho lứa tuổi thiếu nhi.
Tấm bìa các-tông là câu chuyện được viết từ kỷ niệm của Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Hà Nội, nơi ông giữ cương vị hiệu trưởng. Khi ấy, ông vận động mỗi lớp nên có một vài chậu cây, chậu bông để làm xanh hành lang lớp học. Cuộc vận động được các em nhỏ hào hứng hưởng ứng nhưng sau đó thì mâu thuẫn xảy ra, học sinh lớp này không muốn học sinh lớp khác ngắm những chậu cây lớp mình. Dĩ nhiên, cô tổng phụ trách dàn xếp êm đẹp tình huống nhỏ này. Chính nhà văn cũng không ngờ kỷ niệm này trở thành chất liệu để ông viết Tấm bìa các-tông. Cũng là câu chuyện mâu thuẫn giữa học sinh các lớp nhưng chính các em nhỏ sẽ tự giải quyết câu chuyện của mình chứ không có sự can thiệp của người lớn.

Nhà văn Đào Quốc Vịnh
Mẩu truyện Sang đường khắc họa hình ảnh đẹp của cô cảnh sát giao thông trong nhiệm vụ giữ cuộc sống bình yên và lời nhắc nhở dịu dàng về việc không sang đường khi có đèn đỏ.
Mẩu truyện Hoa trạng nguyên được viết từ kỷ niệm thuở nhỏ của tác giả với những di tích lịch sử quê nhà, nơi ông cùng những người bạn thường chơi ở Văn Chỉ (tương tự như Văn Miếu, nhưng ở quy mô làng xã), qua đó ông muốn nói về việc hướng dẫn các em nhỏ biết tôn trọng và chăm sóc di tích địa phương, đồng thời ông cũng khơi gợi tinh thần hiếu học từ những tấm gương của các vị ngang tầm tiến sĩ được tôn vinh tại Văn Chỉ.
Cả 3 mẩu chuyện này đều được ra đời sau khi nhà văn Đào Quốc Vịnh nhận lời "đặt hàng" của giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên sách Tiếng Việt tiểu học, bộ Cánh diều. Sở dĩ có "đơn đặt hàng" này là vì giáo sư Thuyết đã biết đến 2 tập thơ thiếu nhi có tựa Ước mơ của em, Em yêu nhà mình và tiểu thuyết thiếu nhi Những đôi mắt khoảng trời của Đào Quốc Vịnh đã phát hành trước đó.
Nhà văn xử lý rất nhanh các bài viết theo yêu cầu của ban biên soạn đặt ra để phù hợp với cuốn sách, thế nhưng sau khi đã gửi đi mỗi ngày ông đều hồi hộp chờ phản hồi. Ông nói: "Tôi không hồi hộp vì sợ tác phẩm không được đăng, mà sợ nếu chúng không đạt yêu cầu thì gây mất niềm tin với những người đã đặt hy vọng vào mình và còn khiến họ mất thời gian nữa".
Khi nhà văn đồng hành với nhà giáo
Trong lúc trò chuyện với nhà văn Đào Quốc Vịnh, một câu hỏi thẳng thắn được đặt ra: Có nhận định rằng, những tác phẩm trong các bộ sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 nặng về tính giáo dục mà thiếu ngôn ngữ văn chương, ông nghĩ thế nào?
Ông nêu quan điểm của mình: "Nhận định này chỉ đúng một phần nhỏ, với một số ít tác phẩm chưa đúng chất lượng, chứ không đúng hoàn toàn. Bởi vì tiêu chí dạy Tiếng Việt ở bậc tiểu học là 70% từ ngữ và 30% là văn, trung học cơ sở mới bắt đầu có môn Ngữ Văn thì 50% ngữ và 50% văn, trung học phổ thông thì 30% ngữ và 70% văn. Chính vì vậy, ở tiểu học vẫn nên là những bài học trong sáng, dễ hiểu về tiếng Việt, kèm theo đó là những câu chuyện giáo dục nhẹ nhàng".
Đây cũng chính là quan điểm của Đào Quốc Vịnh khi sáng tác cho thiếu nhi, trong văn xuôi lẫn thơ, nên bạn đọc rất dễ nhận ra bài học giáo dục về nhân cách, về lối sống đẹp... trong các sáng tác của ông.
Trong suốt 20 năm làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, Đào Quốc Vịnh nói rằng việc tiếp xúc với trẻ con khiến cho ông có năng lượng và năng lực sáng tác thơ văn cho thiếu nhi. Nhưng điều này chẳng phải ngay lập tức dễ dàng, vì trước đó ông chỉ thuận tay viết cho người lớn.
Việc viết cho thiếu nhi đến khi ông nảy ra ý định làm một tập thơ để tặng cho các học sinh ở Trường Tiểu học Tô Hiến Thành. Cảm hứng ấy có được vì mỗi ngày ông đều nhận thấy nét dễ thương, tươi đẹp trong gương mặt, giọng cười nói của học sinh. Một cách cẩn trọng, ông quan sát chúng kỹ hơn, lưu ý ngôn ngữ để "học" mọi thứ từ chúng.
Dẫu vậy, Đào Quốc Vịnh tự thừa nhận tập thơ thiếu nhi đầu tay Ước mơ của em không thành công cho lắm, dù cũng có một số bài được học sinh yêu thích. Những tác phẩm sau đó như Em yêu nhà mình và Những đôi mắt khoảng trời được đón nhận nồng nhiệt hơn.
Về việc chuyền từ thơ thiếu nhi sang văn xuôi. Ông giải thích vì trong mình có quá nhiều câu chuyện cần viết ra, mà khuôn khổ những bài thơ không thể chuyên chở được.
Tập tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời ra đời là một ví dụ, kể câu chuyện về tuổi thơ của cậu bé Khang - cũng chính là nhân vật mang hình bóng của tác giả thuở nhỏ - sinh ra trong hòa bình năm 1954, nhưng ít năm sau đó lại phải sống trong chiến tranh. Cuộc sống của trẻ em miền Bắc trong chiến tranh được hiện lên qua những trang sách và ở đó có cả nghị lực của mỗi người, là kỷ niệm và tình cảm thầy trò, bà con hàng xóm...
"Số phận thật bất ngờ, tôi đi lòng vòng rồi cũng đến với thơ văn, đến muộn cũng tốt, vì sau tất cả những trải nghiệm cùng với sự chín chắn của tuổi đời và cũng chẳng còn bận bịu với cơm áo, nên chữ nghĩa của mình điềm tĩnh hơn" - ĐÀO QUỐC VỊNH.
Ông chia sẻ: "Thơ văn của mỗi người là dấu vân tay riêng của người ấy, cho nên dù tôi nói rằng viết để tặng cho học sinh trường tôi thì trong đó vẫn có bóng dáng của tuổi thơ tôi, của con cháu tôi... Tôi thích viết về tuổi thơ của mình để cho vợ và con cháu biết tôi đã sống một thời như thế".
Viết nhanh, vì thời gian không còn nhiều
Viết lách với Đào Quốc Vịnh là một niềm vui và vui hơn nữa là cả con trai, con dâu ông đều đang là những người sáng tác thơ văn. Hỏi ông, có phải những người con ấy khiến cho niềm vui văn chương của ông được kéo dài, vì có sự tiếp nối, nhà văn cười lớn: "Thật ra, tôi tiếp nối con tôi. Đào Quốc Minh - con trai tôi - trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trước tôi".
"Tôi hướng cho con trai mình tiếp cận các ngành học tự nhiên, dù vậy cháu vẫn học văn rất giỏi. Sau một bất trắc, Minh đến với văn chương và nhanh chóng được công nhận. Chính con trai khơi gợi lại niềm yêu thích văn chương thuở nhỏ và tôi bắt đầu viết, sau đó theo chân cháu vào Hội Nhà văn Việt Nam".

Tập tiểu thuyết "Những đôi mắt khoảng trời"
Chính văn chương đã chọn cha con ông, vì họ đã chủ động né tránh, nhưng sau cùng vẫn vướng nghiệp cầm bút. Đào Quốc Vịnh kể rằng ông yêu thơ văn từ nhỏ, vẫn nhớ rất rõ mình đã run rẩy như thế nào khi cầm các tờ báo có đăng thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa - thầm nói người nhỏ hơn mình vài tuổi mà làm thơ giỏi vậy. Ông ấp ủ và tập tành viết, nhưng rồi những bận rộn khác cứ cuốn ông đi, 40 năm sau ông mới chính thức bắt đầu lại với văn chương.
Nhà văn thừa nhận: "Số phận thật bất ngờ, tôi đi lòng vòng rồi cũng đến với thơ văn, đến muộn cũng tốt, vì sau tất cả những trải nghiệm cùng với sự chín chắn của tuổi đời và cũng chẳng còn bận bịu với cơm áo, nên chữ nghĩa của mình điềm tĩnh hơn".
Hiện tại, Đào Quốc Vịnh đang viết một tiểu thuyết thiếu nhi, đề tài về trẻ em có khuyết tật về trí não. Ông nói đây là món nợ với các em mà ông cần phải hoàn thành trong năm nay hoặc nửa đầu năm sau.
Trường Tiểu học Tô Hiến Thành, do ông thành lập và gắn bó suốt 20 năm, luôn có lớp đặc biệt dành cho học sinh khuyết tật, nên ông biết rất nhiều câu chuyện đau lòng và cảm động đằng sau những đứa trẻ này…
Ngoài ra, ông còn lên đề cương một cuốn tiểu thuyết người lớn để "giao nhiệm vụ" cho tuổi hưu trí của mình thêm bận rộn.
Nhà văn tâm tình: "Tôi đã ngoài 70, không biết ngày nào là ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Thời gian của tôi không còn nhiều, vậy nên, tôi phải viết và viết nhanh những gì đang giày vò tâm khảm mình".
Vài nét về Đào Quốc Vịnh
Sinh năm 1955 tại Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Nguyên là hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội).
Các tác phẩm đã xuất bản: Ước mơ của em, Em yêu trường mình, Trăng thề, Tình thơ (tập thơ), Hào quang của đất (tập truyện ngắn), Mùi rơm rạ, Những đôi mắt khoảng trời (tiểu thuyết được giải Ba Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 năm 2021 - 2023 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức).
Tags