Phản ứng của EU trước việc Mỹ thông báo áp thuế 30%

Thứ Hai, 14/07/2025 19:18 GMT+7

Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/7/2025 thông báo quyết định áp thuế nhập khẩu 30% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. 

Theo giới quan sát, bước đi này đã gây "choáng váng" cho các đối tác thương mại truyền thống của Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh EU đang hy vọng nối lại đàm phán một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ sau nhiều năm gián đoạn.

Ngay sau động thái trên của Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) đã chỉ trích các mức thuế quan mới mà Tổng thống Trump đưa ra, song cho biết EU vẫn muốn hợp tác để đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington. EC nhấn mạnh “việc áp đặt mức thuế 30% đối với hàng xuất khẩu của EU sẽ làm gián đoạn các chuỗi cung ứng thiết yếu xuyên Đại Tây Dương, gây bất lợi cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và bệnh nhân ở cả hai bờ Đại Tây Dương”. 

Phản ứng của EU trước việc Mỹ thông báo áp thuế 30% - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

EC cho biết “vẫn sẵn sàng tiếp tục nỗ lực hướng tới một thỏa thuận trước ngày 1/8”, đồng thời cảnh báo “sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích của EU, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp đối phó tương xứng nếu cần thiết”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 13/7 thông báo EU sẽ hoãn áp dụng các biện pháp đáp trả thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ đến ngày 1/8, thay vì từ ngày 14/7 theo kế hoạch. Bà Von der Leyen cho biết EU cần ưu tiên giải pháp đàm phán thuế quan với Mỹ. Tuy nhiên, EU sẽ tiếp tục chuẩn bị các biện pháp đáp trả, nếu không đạt được thỏa thuận với Mỹ.

Phản ứng của EU trước việc Mỹ thông báo áp thuế 30% - Ảnh 2.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN

Các quốc gia thành viên EU cũng có phản ứng mạnh mẽ về việc Mỹ tuyên bố áp thuế 30%. Hà Lan cho rằng đây là “điều đáng lo ngại” và EU cần duy trì sự đoàn kết để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Pháp kêu gọi EU đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các biện pháp đáp trả, trong đó có Công cụ chống cưỡng ép (ACI), sau tuyên bố áp thuế 30% của ông Trump. ACI cho phép EU đáp trả các quốc gia thứ ba áp đặt sức ép kinh tế buộc các quốc gia thành viên trong khối phải thay đổi chính sách, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều biện pháp hành động khác. Cơ chế này cũng cho phép EU hạn chế quyền tiếp cận các gói thầu mua sắm công đối với doanh nghiệp từ quốc gia thứ ba và triển khai những biện pháp liên quan đến thương mại dịch vụ hoặc đầu tư. 

Về phía Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, nước này kêu gọi EU cần có chiến lược đàm phán một cách thực tế với Mỹ để nhanh chóng tìm ra giải pháp. Bên cạnh đó, Đức cũng cho rằng EU cần sẵn sàng thực hiện các biện pháp đáp trả “dứt khoát” nếu không đạt được thỏa thuận công bằng với Mỹ nhằm ngăn chặn các mức thuế mới của Washington. Trong khi đó, Italy cảnh báo một “cuộc chiến thương mại trong lòng phương Tây sẽ làm suy yếu tất cả trước những thách thức toàn cầu”, nhấn mạnh “châu Âu có sức mạnh kinh tế và tài chính để khẳng định vị thế của mình và đạt được một thỏa thuận công bằng và hợp lý”.

Phản ứng của EU trước việc Mỹ thông báo áp thuế 30% - Ảnh 3.

Cảng hàng hóa tại Duisburg, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

EU là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu khoảng 606 tỷ USD hàng hóa từ EU và xuất khẩu khoảng 370 tỷ USD sang khối này. Theo dữ liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, thương mại hàng hóa và dịch vụ với EU chiếm khoảng 4,9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ vào năm 2024. Điều đó có nghĩa là thương mại với châu Âu thậm chí còn chiếm một phần lớn hơn trong nền kinh tế Mỹ so với thương mại với Trung Quốc (thương mại Mỹ - Trung chỉ chiếm 2,2% GDP của Mỹ trong năm 2024). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của châu Âu sang Mỹ gồm dược phẩm, ô tô, máy bay, hóa chất, thiết bị y tế và rượu. Hiện tại, EU đang phải đối mặt với mức thuế 50% của Mỹ đối với các mặt hàng thép và nhôm, 25% đối với ô tô và phụ tùng, 10% đối với hầu hết các sản phẩm khác. Mỹ cũng đang xem xét áp thêm thuế đối với dược phẩm và chất bán dẫn của khối này.

Các chuyên gia nhận định các nước thành viên EU có quan hệ thương mại với Mỹ khác nhau nên mức thuế mới sẽ gây ra những tác động khác nhau với từng nước. Ireland và Đức được đánh giá sẽ chịu tác động lớn nhất, bởi Ireland có ngành dược phẩm lớn, trong khi Đức xuất khẩu phần lớn các sản phẩm ô tô, thép và máy móc sang Mỹ. Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy dược phẩm chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ, với nhiều công ty lớn đã công bố các khoản đầu tư đáng kể vào Mỹ. Nền kinh tế Đức thặng dư thương mại 84,8 tỷ USD với Mỹ, phần lớn nhờ các ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, thép và máy móc hạng nặng.

Sau Ireland và Đức, Pháp và Italy là hai nước tiếp theo trong danh sách chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thuế quan mới của Mỹ. Số liệu thống kê của Mỹ cho thấy hai nước này đang có mức thặng dư thương mại với Mỹ lần lượt là 44 tỷ USD và 16,4 tỷ USD. Các ngành sản xuất thực phẩm và rượu vang của Italy và Pháp sẽ chịu ảnh hưởng nặng, tương tự như Tây Ban Nha. Mức thuế 30% được đánh giá sẽ là “thảm họa” đối với ngành rượu vang và rượu mạnh của Pháp. Các lĩnh vực khác của Pháp cũng chịu ảnh hưởng bao gồm hàng không và hàng xa xỉ. Theo Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti, thuế đối ứng cao sẽ khiến các nhà sản xuất thực phẩm của nước này và chính người tiêu dùng Mỹ thiệt hại khoảng 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, ngành chế tạo ô tô cũng bị ảnh hưởng nhiều, giống như Đức.

Minh Trà/TTXVN (tổng hợp)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›