Chiều 5/5, với 452/452 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,56% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Theo đó, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với 446/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,31% tổng số đại biểu Quốc hội).
Theo đó, Ủy ban gồm 15 thành viên. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó Chủ tịch gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chủ tịch Quốc hội chủ trì Phiên họp thứ nhất về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: TTXVN
Trước đó, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất cao với đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hôi nhập quốc tế sâu rộng. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu của thực tiễn. Sau hơn 10 năm thực hiện, nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 dù góp phần ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ nhưng đang bộc lộ những giới hạn, khoảng trống, nhất là trước yêu cầu tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính và chuyển đổi mô hình quản trị.

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Đại biểu đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tập trung vào các nội dung trọng yếu, đúng và trúng các nút thắt thể chế. Đó là tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh, giao thoa 3 cấp, giảm tầng nấc trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung, trách nhiệm; củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách; tạo cơ sở Hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã - vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách cần được Hiến pháp quy định.
Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, đây là việc hoàn toàn cần thiết và đúng quy định tại khoản 2, điều 120 của Hiến pháp năm 2013. Thành phần của Ủy ban được đề xuất là những đồng chí tiêu biểu từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, bảo đảm sự bao quát, đa chiều, gắn kết giữa lý luận, thực tiễn và kỹ thuật lập hiến.
Tags