Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 của Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đã chính thức diễn ra, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của đất nước trong bối cảnh kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. NSND Vương Duy Biên được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội.
Việc thành lập hiệp hội cũng phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới, khi nhiều quốc gia đã xây dựng các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành nhằm thúc đẩy sáng tạo, bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ, doanh nghiệp và lan tỏa giá trị văn hóa quốc gia ra toàn cầu.
Nền tảng hỗ trợ
Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam tập hợp các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo, công nghệ, giáo dục, doanh nghiệp, đầu tư… nhằm kết nối nguồn lực, xúc tiến chính sách, phát triển thị trường và hệ sinh thái công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây là bước đi phù hợp với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi sang nền kinh tế sáng tạo.

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) trao quyết định thành lập Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam cho ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội. Ảnh: Thành Phương - TTXVN
Tại đại hội, NSND - họa sĩ Vương Duy Biên nhấn mạnh rằng sự ra đời của Hiệp hội chính là "làm công tác hậu cần cho sự phát triển văn hóa Việt Nam nói chung", không chỉ đóng vai trò là đầu mối kết nối, mà còn là nền tảng hỗ trợ phía sau cho toàn bộ hoạt động văn hóa - nghệ thuật của đất nước.
Công tác "hậu cần" ở đây không chỉ là hỗ trợ vật chất, tài chính, mà còn bao gồm việc góp phần xây dựng cơ chế, chính sách, kết nối nguồn lực, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ, nhà sáng tạo, doanh nghiệp… Hiệp hội sẽ là nơi tập hợp, điều phối, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giúp họ yên tâm sáng tạo, phát triển sản phẩm, đưa văn hóa Việt Nam vươn xa.
Bên cạnh đó, Hiệp hội còn đóng vai trò xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa lành mạnh, bền vững thông qua việc kết nối các nguồn lực xã hội - từ nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đến các nghệ sĩ, nhà sáng tạo. Đây là "hậu cần" về mặt tổ chức, chính sách, đào tạo nhân lực, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm văn hóa… giúp các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phát triển đồng bộ, có chiều sâu và chuyên nghiệp hóa, tạo sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Lãnh đạo chủ chốt của Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam ra mắt. Ảnh: Thành Phương - TTXVN
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, hiệp hội xác định 5 trọng tâm hành động: phát triển nhân lực văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo; thành lập các trung tâm công nghiệp văn hóa địa phương; xây dựng "Bản đồ dữ liệu văn hóa Việt Nam"; tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế quy mô lớn; xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa, phối hợp cùng các quỹ sáng tạo, nhà tài trợ, doanh nghiệp công nghệ và nhà nước.
Ba trụ cột phát triển công nghiệp văn hóa
Bầu 1 chủ tịch và 11 phó chủ tịch
Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-BNV ngày 30/5/2025 của Bộ Nội vụ, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn quốc.
Tại Đại hội khóa I, nhiệm kỳ 2025 – 2030, hiệp hội đã chính thức thông qua điều lệ hoạt động và bầu ban chấp hành gồm 46 ủy viên; NSND Vương Duy Biên được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; cùng với 11 Phó Chủ tịch.
Sự ra đời của Hiệp hội là một cột mốc lịch sử, không chỉ với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật mà còn với toàn xã hội, khi văn hóa được đặt vào đúng vai trò trụ cột: vừa là nền tảng tinh thần của dân tộc, vừa là nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Công nghiệp văn hóa Việt Nam cần được phát triển dựa trên ba yếu tố cốt lõi: sáng tạo - bản sắc - lan tỏa. Đây không chỉ là kim chỉ nam cho hoạt động của hiệp hội mà còn là định hướng phát triển bền vững cho toàn ngành.
"Sáng tạo là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất" - ông Vương Duy Biên nhấn mạnh. "Mọi sản phẩm văn hóa - từ nghệ thuật, điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, thời trang đến truyền thông số - đều bắt nguồn từ ý tưởng mới, cách thể hiện độc đáo và tư duy đổi mới. Sáng tạo không chỉ tạo ra giá trị nghệ thuật mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế. Chúng ta có làm công nghệ thế nào đi nữa, phát triển thế nào đi nữa, nhưng không có sáng tạo mới, không có sáng tạo xuất sắc, không có những tác phẩm chất lượng thì không thể làm được. Sáng tạo là bản chất, là cốt lõi của phát triển văn hóa".

Ban chấp hành Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam ra mắt. Ảnh: Thành Phương – TTXVN
Bản sắc là linh hồn và giá trị riêng biệt của mỗi nền văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bản sắc chính là "thương hiệu" giúp sản phẩm văn hóa Việt Nam không bị hòa tan, đánh đồng với các nền văn hóa khác. Việc giữ gìn và phát huy bản sắc không chỉ là trách nhiệm của các nghệ sĩ, nhà sáng tạo mà còn là chiến lược phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Sản phẩm văn hóa có bản sắc rõ nét sẽ dễ dàng chinh phục thị trường quốc tế, tạo dấu ấn riêng và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Ông Vương Duy Biên nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không giữ được bản sắc thì sẽ đánh đồng nền văn hóa của chúng ta với các nước khác. Giá trị kinh tế có thể là của thế giới, nhưng giá trị văn hóa là của từng quốc gia. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy bản sắc ấy".

Ông Vương Duy Biên, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển công nghiệp văn hoá Việt Nam phát biểu nhận nhiệm vụ. Ảnh: Thành Phương - TTXVN
Về trụ cột thứ 3 - lan tỏa, là khả năng truyền tải, phổ biến các giá trị văn hóa ra cộng đồng trong nước và quốc tế. Trong thời đại số, với sự hỗ trợ của công nghệ, các sản phẩm văn hóa có thể tiếp cận hàng triệu người trên toàn cầu chỉ trong thời gian ngắn. Lan tỏa không chỉ là mục tiêu mà còn là thước đo thành công của công nghiệp văn hóa: một sản phẩm, tác phẩm chỉ thực sự có giá trị khi được công chúng đón nhận, chia sẻ và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Lan tỏa còn giúp xây dựng "sức mạnh mềm" quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế thông qua các sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội.
Tóm lại, sáng tạo là động lực, bản sắc là nền tảng, còn lan tỏa là mục tiêu và kết quả cuối cùng. Một sản phẩm văn hóa sáng tạo nhưng thiếu bản sắc sẽ khó tạo dấu ấn; có bản sắc nhưng không sáng tạo sẽ dễ bị lạc hậu; có cả sáng tạo và bản sắc nhưng không lan tỏa thì giá trị cũng không được phát huy tối đa.
NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI
Công nghiệp sáng tạo đang là một động lực kinh tế toàn cầu quan trọng, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế khổng lồ mà còn thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm và góp phần vào sự đa dạng văn hóa trên toàn thế giới.
• Quy mô thị trường công nghiệp sáng tạo toàn cầu được định giá 2,9 nghìn tỷ USD năm 2024, dự kiến sẽ đạt 3 nghìn tỷ USD năm 2025. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 4,2 nghìn tỷ USD năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,29%.
• Mỗi 1 USD chi tiêu trong ngành công nghiệp sáng tạo có thể tạo ra 2,5 USD của cải cho nền kinh tế.
• Doanh thu hằng năm của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là gần 2,3 nghìn tỷ USD trên toàn cầu.
• Ngành công nghiệp sáng tạo tạo ra khoảng 50 triệu việc làm trên toàn thế giới (theo ước tính của UN và UNESCO), chiếm 6,2% tổng số việc làm toàn cầu.
• Nền kinh tế sáng tạo đóng góp từ 0,5% đến 7,3% GDP ở các quốc gia khác nhau.
• Có thể chiếm 10% GDP toàn cầu trước năm 2030.
(Theo tham luận của ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Bros, CSMO Vietnam, VCE Club)
Tags