Cây mận ngọt nhất Trái Đất từng đến vịnh Hạ Long là tác phẩm đầu tay của nữ tác giả Tiểu Phong, tên thật là Phạm Thị Thủy, vừa được Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2025.
Cây mận ngọt nhất Trái Đất từng đến vịnh Hạ Long dày 152 trang, thuộc thể loại truyện thiếu nhi, hướng đến đối tượng từ 6 đến 11 tuổi, nội dung xoay quanh Kỳ Duyên, một cô bé sống cùng mẹ và ông bà ngoại ở miền quê, trong khi cha em đã lập gia đình mới ở vịnh Hạ Long. Suốt 8 năm, cha vắng bóng trong cuộc sống của hai mẹ con. Khi có cơ hội, Kỳ Duyên xin phép mẹ đến vịnh Hạ Long với ý định gặp cha. Chuyến đi này mở ra những cảm xúc phức tạp, có sự tủi thân nhưng cũng có sự chấp nhận tự đáy lòng về sự vắng mặt hiển nhiên của người cha. Câu chuyện cho thấy nỗ lực bền bỉ của hai mẹ con trong việc xây dựng cuộc sống đầy yêu thương và tự tại.
Bìa cuốn sách "Cây mận ngọt nhất Trái Đất từng đến vịnh Hạ Long"
Tác giả Tiểu Phong mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN):
- Cảm hứng để tôi viết Cây mận ngọt nhất Trái Đất từng đến vịnh Hạ Long đến từ chính con gái tôi - Tiểu Kỳ. Những câu hỏi hồn nhiên nhưng sâu sắc của con khiến tôi bắt đầu suy nghĩ, trăn trở và muốn kể một câu chuyện đời thường - giản dị, vui nhộn nhưng cũng đầy cảm xúc, về con và các cháu của mình.
Tôi rất may mắn khi có hơn 6 năm làm việc tại báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), trong đó có cơ hội đồng hành cùng Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn - nơi tôi được gặp gỡ nhiều nhà văn viết cho thiếu nhi như Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… Chính họ cùng các anh chị lãnh đạo trực tiếp cũng là những nhà thơ, nhà văn… đã truyền cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tác.
Tôi vẫn nhớ mình đã xúc động thế nào khi đọc Chuyện anh em nhà Mem và Kya của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Tôi chợt nhận ra: "À, thì ra những câu chuyện riêng tư, gần gũi đến thế, vẫn có thể trở nên cuốn hút nếu được kể chân thành bằng trái tim".
Trong suốt quá trình viết, tôi đã nhiều lần nản lòng, nhưng may mắn được các anh chị động viên, thậm chí gợi ý cả cách viết. Tôi trân trọng những điều đó vô cùng.
* Câu chuyện xoay quanh cô bé Kỳ Duyên và gia đình có nhiều tình tiết rất chân thật và xúc động. Chị có thể kể thêm về quá trình xây dựng nhân vật và cốt truyện không?
- Khi có con gái, tôi thường viết những câu chuyện nhỏ vui vui trên trang cá nhân. Chị bạn tôi làm việc ở nhà xuất bản đọc những câu chuyện đó có gợi ý tôi viết sách về hành trình nuôi và dạy con. Tôi thích viết và nghĩ đó là một ý tưởng rất hay.
Tuy nhiên, với văn chương tôi là một "kẻ ngoại đạo", say mê nhưng chưa dám nghĩ mình có thể đặt chân vào "vùng đất" đó. Có lẽ không còn cách nào tốt hơn, tôi cứ hồn nhiên ghi chép lại từng điều thú vị nhỏ bé xoay quanh cuộc sống của mình và con gái. Cho đến một ngày tôi sắp xếp lại tất cả những điều đó và kể cho mọi người.
* Chị đã lựa chọn thể loại truyện thiếu nhi cho tác phẩm đầu tay của mình. Theo chị, những thông điệp nào trong sách sẽ đặc biệt ý nghĩa với độc giả nhỏ tuổi?
- Mỗi đứa trẻ đều đặc biệt, chúng đáng yêu và đáng được yêu thương. Mỗi đứa trẻ có cá tính, suy nghĩ riêng và các bạn nhỏ đều rất nhạy cảm. Cũng giống như những bậc phụ huynh khác, có Tiểu Kỳ, tôi cũng tìm hiểu nhiều về cách dạy con và phát hiện không có cha mẹ hoàn hảo và cũng không có cách dạy con hoàn hảo. Tôi chọn cách lắng nghe và yêu thương con mình nhiều hơn. Tôi muốn ôm cả những điều vụn vỡ nếu có của con bằng sự tôn trọng và dịu dàng.
Với độc giả nhỏ tuổi, tôi mong những bạn có hoàn cảnh giống Tiểu Kỳ, xa bố hoặc mẹ thì cũng bớt cảm giác thiếu thốn tình cảm, nhìn theo hướng tích cực là xung quanh con có rất nhiều người yêu thương. Các bạn nhỏ trong gia đình ấm áp, đủ đầy thì cũng có cái nhìn lạc quan, để thấu hiểu, sẻ chia nhiều hơn với những bạn có hoàn cảnh khác mình.
Tôi mong rằng, qua từng trang sách, mỗi bạn nhỏ sẽ nhận ra rằng: ai trong chúng ta cũng có một điều gì đó đặc biệt và ai cũng xứng đáng được lắng nghe, được yêu thương. Tôi hy vọng nó có thể là một người bạn nhỏ - đồng hành, an ủi, và thắp sáng một góc nhỏ trong tâm hồn các em, dù chỉ trong khoảnh khắc.
Với trẻ con, đôi khi chỉ cần một câu chuyện giống mình, một nhân vật để tin tưởng, hay một chi tiết bé xíu khiến các em thấy mình không đơn độc - thế là đủ để các em mỉm cười. Nếu được như vậy, tôi thấy may mắn lắm.
* Cuốn sách cũng phản ánh những góc khuất trong gia đình hiện đại, như sự vắng mặt của người cha và nỗ lực của người mẹ. Chị có gặp khó khăn gì khi viết về những chủ đề "nhạy cảm" này dành cho trẻ em?
- Cuốn sách là những thắc mắc của Tiểu Kỳ và rất nhiều câu hỏi Tiểu Kỳ nhận được từ những người xung quanh. Tôi nghĩ, không riêng Tiểu Kỳ mà rất nhiều người trong hoàn cảnh này cũng nhận được những câu hỏi tương tự. Lúc đầu, chính tôi cũng khá chạnh lòng khi nghe những câu hỏi về hoàn cảnh của mình. Nhưng tôi nghĩ, không có cách nào tốt hơn là đối diện thẳng thắn.
Khi viết cuốn sách, tôi cũng lo lắng nhiều điều và phải cân nhắc kỹ liệu câu chuyện tôi kể có ảnh hưởng đến con hay chính bản thân mình - bởi dù viết khéo thế nào thì tôi vẫn phải nhắc tới chuyện quá khứ. Sau cùng, tôi đã quyết định viết bằng sự chân thành, bằng cái nhìn lạc quan và hài hước mà tôi có được sau nhiều nhiều giông bão. Tôi không cố tô hồng nhưng cũng không để bóng tối lấn át. Những mất mát, thiếu vắng nếu được đặt trong ánh sáng của tình yêu, của sự sẻ chia sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và đó là điều tôi muốn Tiểu Kỳ cảm nhận được, cũng như các bạn nhỏ đang cầm cuốn sách trên tay.
Với tôi, viết về chủ đề nhạy cảm không phải để kể lể, càng không phải để gây chú ý, mà là để mở ra đối thoại. Tôi mong những gia đình có hoàn cảnh giống Tiểu Kỳ sẽ tìm thấy sự đồng cảm và những gia đình đủ đầy sẽ có thêm lòng thấu hiểu để sống với nhau tử tế và dịu dàng hơn, trân trọng hạnh phúc hiện tại.
* Chị từng chia sẻ rằng cuốn sách là món quà dành tặng cho "Tiểu Kỳ" - có phải đây là câu chuyện có phần dựa trên "một câu chuyện có thật" nào đó của chị?
- Thú thật tôi đã nhiều lần bỏ cuộc bởi nhiều suy nghĩ trăn trở như đã nói trên, cuốn sách được viết từ chính câu chuyện của tôi và con gái. Nhưng mỗi lúc thấy Tiểu Kỳ cùng các anh của mình chơi cùng nhau, vui vẻ hoặc cả tranh cãi cũng đều rất đáng yêu, tôi lại nghĩ nhất định mình phải viết.
Cuốn sách còn là tình cảm, lời cảm ơn của tôi dành cho bà, cho bố mẹ, anh chị - những người yêu thương tôi, che chở tôi bằng tất cả sự bao dung. Không phải ai cũng may mắn có gia đình tình cảm, yêu thương như tôi có được.
* Chị nghĩ gì về vai trò của văn học thiếu nhi trong việc giáo dục và hình thành nhân cách cho thế hệ tương lai?
- Hồi nhỏ tôi được mẹ mua cho 1 cuốn truyện nhỏ tôi không nhớ rõ tên, kể câu chuyện của một cô đẩy xe rác bị 1 bạn nhỏ rải đinh hỏng lốp xe và bạn nhỏ rất hối hận khi biết hoàn cảnh của cô và con gái của mình. Câu chuyện ấy khiến tôi nhớ mãi là mình không được làm điều xấu với người khác, dù chỉ là một trò nghịch dại.
Tôi nghĩ văn học thiếu nhi là hạt giống âm thầm gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ về lòng nhân ái, sự tử tế, cách nhìn thế giới và cả cách các em suy nghĩ về chính mình. Những cuốn sách tuổi thơ có thể đi theo một đứa trẻ suốt cả đời, như người bạn đồng hành, như ánh sáng le lói trong lúc các em cảm thấy lạc lõng hay tổn thương.
Văn học thiếu nhi có một vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách trẻ, giúp trẻ em học cách đặt câu hỏi, học cách đồng cảm, hiểu về nỗi buồn, niềm vui, hiểu cả những khác biệt trong gia đình, trong xã hội - mà không nhất thiết phải rơi vào cảm giác sợ hãi hay bi lụy. Một cuốn sách tốt không chỉ kể chuyện thú vị mà còn mở cánh cửa cho đối thoại giữa cha mẹ và con cái, giữa trẻ em và thế giới xung quanh.
* Chị có lời nhắn nhủ nào dành cho các bậc cha mẹ và những người đang nuôi dạy con cái trong xã hội hiện đại qua câu chuyện của Kỳ Duyên và mẹ em?
Không có cha mẹ hoàn hảo, dù cố gắng nhưng chúng ta vẫn có thể mắc sai lầm. Đừng đắm chìm trong tội lỗi hay những lời trách móc, chúng ta hãy cứ sống yêu thương, trọn vẹn từng khoảnh khắc. Dẫu thế nào, chúng ta đều xứng đáng được hạnh phúc sau tất cả sự nỗ lực và cố gắng. Đó là điều tôi muốn gửi gắm tới những người làm cha mẹ qua cuốn sách!
Xin cảm ơn Tiểu Phong!