Mùa hè về cũng là lúc những tai nạn đuối nước ở trẻ em gia tăng. Nỗi đau từ những vụ việc thương tâm lại thêm một lần nhắc nhở cộng đồng về hiểm họa vẫn đang hiện hữu trong đời sống hàng ngày, đe dọa sự an toàn và tính mạng của trẻ nhỏ.
Cảnh báo từ những vụ việc thương tâm
Chỉ trong vài tuần trở lại đây, hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên khắp cả nước khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Tại Thanh Hóa, hai anh em nhỏ gặp nạn khi tắm biển ở Sầm Sơn vào chiều 8/7. Trước đó, ở Tây Ninh, hai trẻ mẫu giáo tử vong khi rủ nhau ra ao tắm. Gần đây nhất, tại Gia Lai, một nhóm bốn em rủ nhau ra khu vực lòng hồ thủy điện An Khê-Ka Nak tắm thì một em bị đuối nước tử vong. Những vụ việc này không chỉ để lại nỗi đau tột cùng cho gia đình mà còn là hồi chuông cảnh báo về an toàn mùa hè cho trẻ em.
Theo báo cáo năm 2024, cả nước ghi nhận hơn 500 vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, khiến 577 em nhỏ thiệt mạng. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ từ 5 đến 14 tuổi. Điều đáng lo ngại là theo điều tra năm 2022, chỉ khoảng 29% trẻ từ 6 đến 15 tuổi biết bơi đạt chuẩn – nghĩa là có thể bơi ít nhất 25m và nổi trên mặt nước tối thiểu 90 giây – vẫn còn cách xa mục tiêu 50% mà Chương trình quốc gia về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đã đề ra.

Hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra khi trẻ em đi tắm biển cùng gia đình. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước và có sự khác biệt giữa các nhóm tuổi. Với trẻ lớn, bản tính hiếu động, tò mò khiến các em dễ mạo hiểm khi vui chơi gần ao hồ, sông suối. Trong khi đó, trẻ nhỏ lại thường bị thu hút do tính thích khám phá, nghịch ngợm. Điểm chung là cả hai nhóm đều dễ gặp nạn nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn. Nhiều trường hợp đau lòng xảy ra ngay tại nhà, khi người thân lơ là trong phút chốc.
Thực tế cho thấy, dù trẻ có biết bơi hay không thì sự chủ quan vẫn là yếu tố nguy hiểm hàng đầu. Trẻ không thể lường trước những tình huống bất ngờ như dòng nước chảy xiết, hụt chân vào hố sâu hay bị chuột rút, đuối sức giữa chừng. Không ít em gặp nạn khi đang bơi hoặc lặn, do ngạt nước, cơ thể đột ngột mất nhiệt hoặc không kịp ngoi lên lấy hơi. Ngoài ra, các trường hợp như ngã úp mặt vào chậu nước, bồn tắm, hay bất ngờ ngất xỉu khi vừa tiếp xúc với nước cũng đều tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Một nguyên nhân khác cũng không thể xem nhẹ là môi trường sống xung quanh trẻ em đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít gia đình vẫn để các vật dụng chứa nước như chậu, chum, vại, bể chứa, giếng nước… không có nắp đậy an toàn. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, sông, hồ, ao, suối vẫn chưa được rào chắn hoặc cắm biển cảnh báo nguy hiểm rõ ràng. Tình trạng xây dựng bừa bãi, khai thác đất đá, cát sỏi tràn lan càng làm tăng thêm nguy cơ, để lại nhiều hố sâu như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch, hố tưới hoa màu… không được rào chắn cẩn thận. Đây chính là những "cái bẫy" có thể cướp đi sinh mạng của trẻ bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Giải pháp từ trường học và cộng đồng
Để ngăn ngừa tai nạn đuối nước, vai trò của nhà trường và cộng đồng là hết sức quan trọng. Cô Nguyễn Phương Liên, Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Khương Hạ (Hà Nội) cho biết, hiện nay công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước tại trường học chủ yếu được lồng ghép trong chương trình giáo dục về "An toàn trường học", thay vì triển khai riêng lẻ. "Thời lượng trong giờ chào cờ mỗi tuần rất hạn chế nên chúng tôi buộc phải lựa chọn cách lồng ghép các nội dung tuyên truyền về an toàn, bao gồm cả phòng chống đuối nước," cô Phương Liên chia sẻ.

Các em nhỏ được huấn luyện viên dạy bơi. Ảnh: Thanh Hòa-TTXVN
Trước kỳ nghỉ hè, học sinh cũng được nhắc nhở về an toàn khi đi du lịch, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng ngừa đuối nước… Tuy nhiên, việc tổ chức lớp học bơi trong trường gặp nhiều khó khăn. Những năm trước, trường từng áp dụng mô hình bể bơi thông minh bằng vật liệu nhựa có thể tháo dỡ sau mỗi mùa hè. "Ban đầu chương trình được phụ huynh hưởng ứng, nhưng sau đó số lượng đăng ký giảm mạnh do nhiều em đã biết bơi và nhu cầu từ phụ huynh giảm sút," cô Phương Liên cho biết. Hơn nữa, do trường tổ chức theo mô hình ba cấp, số lượng học sinh tiểu học ít nên việc duy trì lớp học bơi không hiệu quả về mặt tổ chức và tài chính.
Những khó khăn Trường liên cấp Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Khương Hạ gặp phải cũng là tình trạng chung ở nhiều trường học khác trên cả nước. Việc xây dựng bể bơi hay tổ chức các khóa học bơi gặp trở ngại lớn về kinh phí và cơ sở hạ tầng. Ngay cả mô hình bể bơi di động – giải pháp tạm thời khá linh hoạt – cũng khó triển khai nếu thiếu sự đồng hành của phụ huynh và địa phương.
Theo Tiến sỹ Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, những năm gần đây, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em. Ngoài việc đẩy mạnh công tác truyền thông, Việt Nam cũng tích cực tiếp cận và áp dụng hiệu quả các kinh nghiệm quốc tế. Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, các mô hình dạy bơi cơ bản và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ đã được triển khai, đặc biệt tại các tỉnh có tỷ lệ đuối nước cao và điều kiện kinh tế khó khăn.
Để ngăn ngừa tai nạn đuối nước, WHO đưa ra một loạt khuyến nghị can thiệp dựa vào cộng đồng như: lắp đặt hàng rào chắn quanh khu vực có nước, tạo không gian an toàn cho trẻ nhỏ chơi đùa, phổ cập kỹ năng bơi và an toàn nước trong trường học, tổ chức các lớp dạy kỹ năng cứu hộ và hồi sức tim phổi cho cộng đồng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý rủi ro liên quan đến lũ lụt, thiên tai.
Thống kê của WHO cho biết, tỷ lệ tử vong do đuối nước trên toàn cầu đã giảm 38% kể từ năm 2000. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá, sự sụt giảm đáng kể này là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của các biện pháp can thiệp đơn giản và thiết thực mà WHO đã khuyến nghị. Tuy vậy, đuối nước vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng, với hơn 30 người thiệt mạng mỗi giờ và khoảng 300.000 ca tử vong được ghi nhận mỗi năm trên phạm vi toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, công tác quản lý xây dựng tại nhiều địa phương hiện nay – đặc biệt ở nông thôn và ngoại thành cần được siết chặt. Những công trình như hố đào, bể chứa, giếng nước… phải được rào chắn hoặc dỡ bỏ kịp thời. Mỗi tổ dân phố, khu dân cư cần tổ chức tuyên truyền kỹ năng an toàn cho trẻ và phụ huynh, vận động người dân tự giác rào ao hồ, đóng nắp bể, loại bỏ vật dụng chứa nước không cần thiết. Các tổ chức đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cần phát huy vai trò giám sát cộng đồng và phản ánh kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn.
Tai nạn đuối nước ở trẻ em là bi kịch hoàn toàn có thể phòng tránh nếu có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc bảo vệ trẻ không chỉ là trách nhiệm của người làm cha mẹ, còn là nghĩa vụ của toàn cộng đồng trong việc kiến tạo một môi trường sống an toàn cho các em.
Tags