Dự thảo "Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài" lần đầu tiên xác lập một khung nội dung truyền thông thống nhất với trọng tâm là hình ảnh quốc gia năng động, sáng tạo, giàu bản sắc.
Có 4 trụ cột nội dung then chốt được xác định là nền tảng để định vị hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, tạo nên "bộ khung" cho mọi hoạt động truyền thông, từ sản xuất phim ảnh đến tổ chức sự kiện, từ truyền thông số đến các chiến dịch quảng bá truyền thống.
Trụ cột đầu tiên theo Dự thảo chiến lược được ông Phạm Anh Tuấn (Cục Thông tin cơ sở và thông tin đối ngoại, Bộ VH,TT&DL) trình bày, đó là: Việt Nam - quốc gia hòa bình, đối tác tin cậy thành viên tích cực, có trách nhiệm tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Thông điệp then chốt được xác lập là "Việt Nam - Kiến tạo hòa bình", nhấn mạnh vai trò thành viên tích cực tại Liên Hợp Quốc và ASEAN, đồng thời khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng hợp tác vì hòa bình, phát triển bền vững. Để lan tỏa thông điệp này, chiến lược đề xuất lồng ghép nội dung vào các chương trình đào tạo tiếng Việt Nam cho người nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, đồng thời tăng cường truyền thông về các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế trên các nền tảng truyền thông đa ngôn ngữ.
Trụ cột 2: Việt Nam là một đất nước phát triển, là trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và quốc tế. Theo số liệu của Brand Finance, Việt Nam thuộc nhóm 30 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới và nằm trong top 10 toàn cầu về thương mại điện tử. Mục tiêu đến năm 2030 là đưa Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) vào top 40 thế giới.
Để quảng bá hình ảnh này, Chiến lược đề xuất phối hợp với các nền tảng truyền thông quốc tế như Netflix sản xuất phim tài liệu "Vietnamese Innovation", giới thiệu các trung tâm R&D (Research and Development: nghiên cứu và phát triển), hệ sinh thái khởi nghiệp, các thành tựu về chuyển đổi số, công nghệ cao của Việt Nam. Đồng thời, truyền thông về môi trường kinh doanh minh bạch, cởi mở, cơ sở hạ tầng hiện đại, điểm đến hấp dẫn, an toàn cho đầu tư, kinh doanh và sinh sống lâu dài.
Trụ cột 3: Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, thống nhất trong đa dạng. 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc mang trong mình bản sắc văn hóa đặc trưng, từ tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật dân gian… Tính đến nay, Việt Nam có 9 di sản văn hóa vật thể cùng nhiều di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh, bên cạnh đó là hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia tiêu biểu.
Trụ cột cuối cùng: Việt Nam là một đất nước hiếu khách, thân thiện, đáng sống, giàu yếu tố trải nghiệm. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Việt Nam được định vị là "Nơi kết nối cảm xúc" thông qua ẩm thực, di sản và thiên nhiên. Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu đón 35 triệu khách du lịch quốc tế vào năm 2030, nâng đóng góp du lịch lên 14% GDP. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương được khuyến khích phát triển các tour "Trải nghiệm bản địa" như học nấu phở tại làng quê Bắc Bộ, khám phá văn hóa thổ cẩm Tây Nguyên, chèo thuyền trên vịnh Hạ Long, trekking rừng quốc gia Cúc Phương…
Tiến sỹ Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) nêu quan điểm: Việt Nam không muốn chỉ thuần túy dừng lại ở việc được thế giới biết đến nữa mà phải trở thành địa chỉ để quốc tế lựa chọn và yêu mến. Đó là một tư tưởng mang tính chiến lược và là bước ngoặt để Việt Nam đề ra những việc làm, những hành động mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn so với trước đây.
Ông Đức chỉ ra rằng trên thế giới có rất nhiều mô hình để Việt Nam có thể áp dụng cho chiến lược quảng bá hình ảnh quốc gia đến với quốc tế. "Tuy nhiên, cần phải đề cao vai trò của cộng đồng, bởi bất kể một chiến dịch nào mà không có sự đồng thuận của người dân, người dân không ủng hộ, không thấy có mình ở trong đó thì chắc chắn sẽ thất bại".
Góp ý cho Dự thảo Chiến lược truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, ông Đức cho rằng cách đặt vấn đề rất hay, nhưng chưa mới. "Chẳng hạn Việt Nam là quốc gia hòa bình. Rồi sao nữa?" - ông Đức đặt câu hỏi, đồng thời gợi ý thêm: "Cần phải cho thế giới thấy được giá trị của hòa bình, sự chính nghĩa mà Việt Nam chúng ta đã có được bằng sự hy sinh xương máu của bao nhiêu thế hệ. Đó mới là điều quan trọng. Bên cạnh đó, chúng ta nói nhiều về bề dày truyền thống văn hóa của đất nước, rất phong phú, đa dạng nhưng làm thế nào để biến chuyển những giá trị đó thành những giá trị mới trong thời đại ngày nay thì cần phải làm. Tôi tin rằng trong một tương lai gần, thế giới sẽ sợ công nghệ để tìm về những giá trị nhân bản nhất của con người".
Ông Đức dẫn chứng bằng việc ông đi phỏng vấn người nước ngoài từng đến Việt Nam thì rất ngạc nhiên là phần lớn họ đều "mê mẩn" nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam với nhiều lý do khác nhau, nhưng nhiều nhất là bởi trong loại hình múa rối nước độc đáo này toát ra sự hồn nhiên, chất phác mà xã hội công nghiệp đã đánh mất.
"Một mặt chúng ta phát triển công nghệ để phát triển đất nước là đương nhiên. Nhưng mặt khác chúng ta có một thế mạnh của một nền văn hóa trọng tình, trọng nghĩa và trọng những giá trị tập thể thì hãy nhấn mạnh những giá trị ấy với quốc tế để chứng minh rằng Việt Nam phát triển nhưng Việt Nam vẫn giữ gìn, vẫn đóng góp cho nhân loại những giá trị tốt đẹp về cộng đồng, về tình làng nghĩa xóm..." - ông Đức nhấn mạnh.
BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ: