'Thời điểm vàng' cho mục tiêu World Cup của bóng đá Việt Nam

Thứ Tư, 09/07/2025 05:45 GMT+7

Google News

Đội tuyển Việt Nam đang hướng đến giấc mơ tham dự VCK World Cup 2034. Với sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn chiến lược được xác định rõ ràng, giai đoạn từ năm 2025 đến 2030 được đánh giá là "thời điểm vàng" để hiện thực hóa mục tiêu lịch sử này.

Ngày 5/7, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương đã ký ban hành Quyết định số 2368/QĐ-BVHTTDL, phê duyệt Đề án phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trọng tâm của đề án là thay đổi nền tảng phát triển bóng đá quốc gia, trong đó World Cup 2034 được xác định là đích đến lớn nhất.

Theo định hướng chiến lược, mục tiêu của các đội tuyển Việt Nam được phân chia theo lộ trình: từ khu vực Đông Nam Á, vươn ra châu lục và tiến tới đấu trường thế giới. Cụ thể, từ nay đến năm 2034, đội tuyển quốc gia cần đạt mục tiêu lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2030, làm nền tảng để cạnh tranh suất dự VCK World Cup 2034.

Tín hiệu lạc quan đã từng xuất hiện dưới thời HLV Park Hang Seo, khi Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trong bối cảnh FIFA đã mở rộng số đội dự World Cup lên 48 đội kể từ năm 2026, cơ hội dành cho các đội tuyển châu Á gia tăng đáng kể. Sự kiện Jordan và Uzbekistan lần đầu tiên góp mặt tại World Cup 2026 cũng là minh chứng cho khả năng hiện thực hóa mục tiêu của bóng đá Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng giai đoạn từ 2025 đến 2030 sẽ đóng vai trò then chốt trong hành trình tiến ra thế giới. Đây là khoảng thời gian để đội tuyển quốc gia hoàn thiện bộ khung lực lượng, tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao và xây dựng bản lĩnh cần thiết. Bên cạnh mục tiêu World Cup, đội tuyển cũng cần đảm bảo góp mặt tại Asian Cup 2031 để duy trì vị thế ở đấu trường châu lục, điều từng được chứng minh với thành tích lọt vào tứ kết Asian Cup 2019.

Tiêu điểm: “Thời điểm vàng” cho mục tiêu World Cup của bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam luôn phải lấy nền tảng từ bóng đá trẻ. Ảnh: Minh Hoàng

Tuy nhiên, giấc mơ lớn chỉ có thể thành hiện thực nếu được xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Đề án của Bộ VH, TT&DL đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc phát triển bền vững. Theo đó, bên cạnh việc nâng cao thành tích, bóng đá Việt Nam cần đầu tư dài hạn vào công tác đào tạo trẻ, phát triển phong trào bóng đá rộng khắp và nâng cao chất lượng các học viện, trung tâm huấn luyện.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực như Malaysia hay Indonesia đẩy mạnh nhập tịch cầu thủ để tăng cường sức mạnh ngắn hạn, Việt Nam xác định không đi theo con đường đó. Dù một số cầu thủ nhập tịch như Xuân Son hay Hendrio có thể đóng góp tích cực, nhưng việc sử dụng tràn lan cầu thủ nhập tịch không phù hợp với điều kiện văn hóa, kinh tế và đi ngược lại định hướng phát triển tổng thể của bóng đá nước nhà.

Các nhiệm vụ cụ thể trong đề án bao gồm: đầu tư hệ thống học viện, CLB theo tiêu chuẩn hiện đại; khuyến khích đào tạo cầu thủ trẻ tại các địa phương; tăng cường vai trò của các trung tâm huấn luyện quốc gia trong việc chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu quốc tế.

Trước khi nghĩ tới World Cup, điều kiện tiên quyết là bóng đá Việt Nam phải duy trì được sự ổn định tại Asian Cup và từng bước tiệm cận nhóm 10 đội mạnh nhất châu Á. Khi nền móng đủ vững, khát vọng vươn ra thế giới sẽ không còn là điều quá xa vời.

Lâm Chi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›