Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 1.

Tại đây, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam kể những chuyện đau lòng từng chứng kiến: Sữa giả được bán cho những em nhỏ cần dinh dưỡng để phát triển hay những cụ già ốm yếu, không ăn được cơm. Rồi, có những người bệnh bỏ nhiều tiền mua thuốc với tâm lý đầy hi vọng, nhưng lại gặp cảnh ngộ nguy hiểm hơn vì thuốc giả.

Ông nhấn mạnh, đó là điều vô cùng độc ác. Chúng ta phải tuyên chiến với loại tội phạm này.

Với những chia sẻ ấy, chúng ta đã chứng kiến Tổng Bí thư Tô Lâm nói về một vấn đề tưởng như "của thị trường" bằng những ngôn từ mạnh mẽ và đầy cương quyết.

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các Đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri 11 phường, thành phố Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 3.

"Vô cùng là độc ác", "không thể chấp nhận", "đau khổ lắm" - những nhận xét đó không chỉ dừng ở sự bộc lộ cảm xúc. Xa hơn, đó là sự định vị trực diện và dứt khoát từ Tổng Bí thư về bản chất của hàng giả: Không còn là hành vi gian lận thương mại mà là tội ác đối với cộng đồng, là sự xâm phạm thô bạo quyền được sống an toàn, khỏe mạnh của mỗi cá nhân.

Ở đó, những câu chuyện từ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam về các em nhỏ cần từng giọt sữa để lớn lên, hay những cụ già, người bệnh coi viên thuốc là điểm tựa cuối cùng, không chỉ đơn thuần là các ví dụ thực tế. Từ tầng sâu hơn, chúng cho thấy những lỗ hổng đáng lo ngại trong hệ thống bảo vệ những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương như người già, người bệnh, trẻ em. Và khi sự an toàn của họ bị xâm phạm, nỗi đau không chỉ dừng lại ở từng cá nhân, mà còn lan rộng thành cảm giác bất an, day dứt trong lòng cộng đồng.

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

Với góc nhìn này, những chia sẻ của Tổng Bí thư cũng là sự gợi mở về sự tiến bộ cần có của một xã hội hiện đại.

Nhìn hậu họa của hàng giả xa hơn là những thiệt hại kinh tế thuần túy và đặt nó vào nội hàm nhân bản - đó là bước đi cần thiết để khơi dậy sức đề kháng và sự đồng lòng của toàn xã hội trong cuộc chiến bảo vệ những giá trị thật, niềm tin và quyền được sống an toàn, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 6.

Một chi tiết nhỏ: Trước khi nói tới hàng giả, cũng trong cuộc tiếp xúc với cử tri ngày 2/7, Tổng Bí thư nhắc tới việc những em bé sinh năm 2025 này cho đến năm 2045 - khi kỷ niệm tròn 100 năm Quốc khánh - sẽ trở thành lực lượng cơ bản để gánh vác, chèo lái đất nước.

Ông đặt câu hỏi: "Vậy sức khỏe, chiều cao, trí tuệ, học hành... của các cháu phải thế nào để đủ sức đảm nhận trọng trách đó? Nếu chúng ta không chăm lo giáo dục, y tế từ bây giờ thì 20 năm sau vẫn như thế, trẻ vẫn thấp bé, học hành không cơ bản..."

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 7.

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Khi đặt những băn khoăn đó bên cạnh vấn đề hàng giả, chúng ta thấy rõ sự kết nối xuyên suốt về quan điểm của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam: Nền tảng thể chất, trí tuệ của thế hệ mới thực chất bắt đầu từ những điều cơ bản nhất như một hộp sữa, một viên thuốc - những thứ mà xã hội hiện nay vẫn chưa thể bảo vệ tuyệt đối khỏi sự xâm nhập của hàng giả.

Và nếu như một quốc gia không thể đảm bảo an toàn, sức khỏe cho trẻ em, cho người già, thì liệu có đủ cơ sở để đặt kỳ vọng vào tầm vóc và năng lực cạnh tranh của dân tộc trong tương lai?

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 8.

Bởi thế, lời khẳng định "phải tuyên chiến với loại tội phạm này" của Tổng Bí thư không dừng lại ở một lời kêu gọi thông thường. Đó là mệnh lệnh chính trị với thái độ dứt khoát, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị lẫn toàn xã hội.

Cuộc chiến chống hàng giả sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả nếu chỉ dựa vào những khẩu hiệu hoặc chiến dịch bề nổi, nhất thời. "Tuyên chiến" phải được cụ thể hóa bằng một hệ thống giải pháp đồng bộ, chấm dứt mọi giải pháp nửa vời dễ dãi, đồng thời xóa bỏ các "vùng xám" trong quản lý. Khi đó, mọi hành vi làm ngơ hay tiếp tay cho hàng giả cần được nhận diện là đồng lõa với tội ác.

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 9.

Cử tri Hà Nội dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Và xa hơn, đây là cuộc chiến đòi hỏi sự chuyển biến căn bản trong ý thức xã hội. Khi hàng giả bị soi rọi dưới ánh sáng của lương tri và trách nhiệm, mỗi người sẽ nhận ra: Bảo vệ từng cốc sữa, từng viên thuốc khỏi nguy cơ bị đánh tráo không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, mà là bổn phận chung của cả cộng đồng đối với tương lai.

Việc người đứng đầu đất nước lên tiếng quyết liệt về hàng giả, đó không chỉ là mệnh lệnh hành pháp, mà còn là lời gửi gắm niềm tin: Chúng ta quyết không cho phép cái ác khoác áo thương mại lặng lẽ lan rộng, và càng không đánh đổi ngày mai bằng sự thờ ơ của hôm nay.

Bởi, giá trị của một quốc gia không chỉ được đo bằng những thành tựu vĩ mô, mà còn nằm ở việc cả cộng đồng luôn kiên định bảo vệ sự thật trong những điều bình dị và căn bản nhất của cuộc sống đời thường - như một cốc sữa hay viên thuốc.

Thực phẩm giả, thuốc giả - “vô cùng độc ác” - Ảnh 10.


Trí Uẩn
Bách Việt
Thể thao và Văn hóa