Từ chiến khu tôi về Sài Gòn, và những ấn tượng
Ngày 30/4/1975, tôi còn ở chiến khu bên sông Vàm Cỏ Đông. Sau đó 5 ngày tôi mới có mặt tại Sài Gòn.
Nhà thơ Thanh Thảo, tác giả bài viết
Điều tôi ấn tượng đầu tiên với "cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ đó" (thơ Lê Anh Xuân) là Sài Gòn gần như không ngủ suốt đêm. Những anh bộ đội giải phóng chúng tôi đứng trên ban công tầng ba một đường phố lớn nhìn ngắm những dòng xe nối đuôi nhau như một dòng ánh sáng bất tận, điều mà chúng tôi chưa bao giờ thấy ở Hà Nội. Xe thì có ô tô và xe máy Honda, đèn bật sáng, không bấm còi, cứ lặng lẽ chạy để vẽ lên những đường sáng ngoằn ngoèo.
Ấn tượng thứ hai về Sài Gòn, là tại sao cái "Hòn ngọc Viễn Đông" này lại có nhiều người nghèo khổ đến như vậy? Tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh được một cậu em học Đại học Vạn Hạnh tình nguyện đưa đi khắp Sài Gòn, đi bộ. Với chúng tôi thì chuyện đi bộ đã quá bình thường. Đi bộ ở Sài Gòn còn sướng hơn đi bộ trong rừng hay trên bưng biền Đồng Tháp nhiều. Đi bộ mới nhìn thật rõ cảnh những bà con nghèo Sài Gòn sống như thế nào.
Ở những con hẻm quận Năm, chúng tôi đã quá ngạc nhiên khi thấy những "cái gọi là ngôi nhà" của bà con nghèo phiêu dạt từ quê lên Sài Gòn. Họ ở trong những "ngôi nhà" làm bằng các-tông, nhà liền kề, cái nào cũng giống cái nào. Mọi sinh hoạt diễn ra trong những ngôi nhà ấy, thật quá sức tưởng tượng.
Ấn tượng thứ ba là những cuộc "xuống đường mừng hòa bình thống nhất" diễn ra suốt ngày đêm trên các đường phố Sài Gòn. Có trống dong cờ mở, có cả múa lân, thành phần tham gia rất phong phú, từ người già tới thanh niên tới trẻ nhỏ. Sài Gòn bật tung cửa mọi ngôi nhà, chào đón những cuộc diễu hành cảm động ấy.
Ấn tượng thứ tư là sách. Sách bán "xon" trên các vỉa hè Sài Gòn sao mà nhiều, lại toàn là sách hay. Cái này thì quá hấp dẫn với tôi và nhà thơ Ngô Thế Oanh. Chúng tôi cứ la cà ở vỉa hè đường Lê Lợi, những người bán sách "đại hạ giá" bày sách trên các tấm ni-lông, bán mua rất nhanh, rất vui vẻ, nhưng cứ thấy các "trật tự viên" tới là túm gọn ni-lông sách và chạy biến.
Có hôm chúng tôi đang ngồi chọn mua sách, thì ở quán cà phê gần đó có một nhóm người ngồi uống cà phê. Họ có vẻ là những trí thức. Nhìn chúng tôi mặc quân phục, họ biết ngay là "Việt Cộng", chuyện chúng tôi mua sách là nỗi ngạc nhiên đối với họ. Có người trong nhóm anh em họ ra giúp chúng tôi gói sách, nhưng kỳ thực là xem chúng tôi mua loại sách gì. Khi nhìn bìa các quyển sách chúng tôi mua, họ thật sự ngạc nhiên, vì toàn là sách dịch, sách kinh điển. Họ mời chúng tôi uống cà phê, thái độ tỏ ra rất quý trọng. "Các anh cũng đọc các loại sách này à?". Họ hỏi chúng tôi, giọng rất tò mò. Chúng tôi vui vẻ nói, có một số sách chúng tôi đã đọc, có nhiều cuốn chúng tôi biết mà chưa được đọc, sách hay mà rẻ quá. Chuyện trò thân tình, họ nói mình là những trí thức Sài Gòn, và chân thành mời chúng tôi đến nhà chơi, lai rai bia rượu, nói chuyện tâm tình.
Nhà thơ Thanh Thảo ( bên trái) và nhà văn Lưu Kiểng Xuân, rừng Tây Ninh, sát nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Ảnh chụp tháng 4 năm 1974
Ấn tượng thứ năm là chuyện tôi không có đồng tiền nào trong túi vẫn sống tươi vui cả tháng tại Sài Gòn. Thực ra thì khi về Sài Gòn, cơ quan binh vận của tôi hết việc làm, coi như giải thể. Tôi được giải quyết chế độ cho ra Bắc, được thanh toán một món tiền nhỏ đủ cho tôi uống vài ba cuộc bia với bạn bè. Thế là hết.
Nhưng ở Sài Gòn cả tháng Năm, tôi không hề bị đói, kể cả "đói" bia rượu, vì đi tới đâu cũng được bà con Sài Gòn hồ hởi mời ăn cơm, uống bia, uống rượu… Trên cả ấn tượng, đó là điều khiến tôi ngạc nhiên.
Ấn tượng thứ sáu là chuyện "Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng", câu nói mang tính tổng kết thực trạng những tháng đầu giải phóng. Miền Bắc nhận hàng thế nào thì tôi không biết, chứ miền Nam nhận họ thì tôi biết. Đi tới đâu, bà con Sài Gòn gặp tôi đều kể mình có bà con ở miền Bắc thế nào, nếu là bà con miền Bắc của họ vừa vào Sài Gòn thì niềm tự hào càng dâng cao.
Có lần, tôi đi chơi lang thang, gặp bạn ở chiến khu, và được kéo vào một bàn nhậu vỉa hè. Ở đó, tôi gặp một anh lái xe lam. Anh nói mình có họ hàng với chị Quyên (chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Anh rất vui và tuyên bố sẽ bao chúng tôi nhậu bia thả ga, mừng cuộc "nhận họ" rất quan trọng này.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy, trưa 30/4/1975. Ảnh: Lâm Hồng – TTXVN
Chơi cả tháng Năm ở Sài Gòn thật là vui. Nhưng vì tôi mới rời xa chiến khu chưa bao lâu, nên nỗi "nhớ rừng" thỉnh thoảng lại cuộn về. Tôi nhớ chiến khu của chúng tôi ở sát đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông, nơi tôi từ chiến trường Nam lộ Bốn (Mỹ Tho) về đã sống hai năm trước khi cuốn tăng võng "tiến về Sài Gòn" như lời một bài hát. Khi xa rừng, thì nỗi nhớ rừng là có thật, mình mới thông cảm nỗi nhớ rừng của con hổ trong thơ Thế Lữ. Hai anh em chúng tôi trong tấm ảnh này chẳng phải hổ báo gì, chỉ là hai anh bộ đội "Xa quê hương nhớ mẹ hiền" thôi.
Nếu có bạn hỏi tôi: "Thế ấn tượng thứ bảy của anh trong tháng Năm 1975 là gì?". Tôi xin trả lời ngay: Ấn tượng thứ bảy của tôi là câu nói của tướng Trần Văn Trà, Trưởng ban quân quản Sài Gòn - Gia Định. Ông Trần Văn Trà nói với cựu Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh vào ngày 2 tháng Năm 1975, câu ấy thế này: "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ".
Đó là câu nói đã đi vào lịch sử. Tôi rất tự hào là dân Quảng Ngãi, là người đồng hương với tướng Trần Văn Trà. Quê ông Trà ở Tịnh Long, sát bờ sông Trà, thuộc huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.