Qua là một loại vũ khí bổ cán ngắn, khá phổ biến trên thế giới và cũng thường thấy trong văn hóa Đông Sơn, đặc biệt xuất hiện nhiều trong khối Đông Sơn Tây Âu (hay Tây Vu).
1. Khác với rìu chiến đôi khi có thể dùng để chặt chẻ, đẽo gọt, băm bổ trong đời sống hàng ngày, chiếc qua được sản xuất ra là một vũ khí chuyên dùng trong chiến đấu. Lưỡi qua đúc phẳng dẹt, không có họng tông mà chỉ là một phần đốc dẹt, có các khe thủng để xuyên dây khi được cài ngang trên đầu một cán gỗ.
Trong văn hóa Đông Sơn các vũ khí chém bổ thường dùng cán ngắn như rìu chiến. Qua Đông Sơn cũng vậy, cán gỗ ngắn được kẹp vào đầu cán và dùng dây và keo nhựa níu chặt. Lưỡi qua nằm ngang gần vuông góc với tay cầm cán gỗ, đầu nhọn của qua và gờ lưỡi sắc bên dưới tạo sát thương cho đối thủ.
Trống Đông Sơn khai quật ở vùng Yên Bái, trên thân tang có nhiều hình chiến binh cầm qua hành quyết tử tù và trâu bò trong lễ hiến tế. Hình bên phải là trích đoạn trên thân trống với hình một thủ lĩnh Đông Sơn mặc giáp trụ cầm qua bên tay trái (Sưu tập Nguyễn Đình Sử, Hà Nội)
Những hình mô tả chiến binh Đông Sơn mà tôi đã gom nhặt và giới thiệu dưới đây được thợ đúc đồng xưa thể hiện trên một trống đồng Đông Sơn khai quật ở vùng Yên Bái - Lào Cai cho thấy cách sử dụng qua để chém đầu tù binh trên thuyền hay dùng để giết trâu trong lễ hiến tế.
Qua Đông Sơn có nhiều loại xoay quanh ba kiểu dáng lưỡi và cách tra cán chính: Kiểu lưỡi thẳng với đốc, kiểu lưỡi vát xiên và kiểu lưỡi vuông hoặc xiên góc với đốc buộc.

Một số kiểu lưỡi qua khác nhau phát hiện trong khoảng thời gian Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (sưu tập CQK, California, Mỹ)
2. Buổi "rì rầm" hôm nay tôi dành riêng cho kiểu thứ nhất: Kiểu lưỡi thẳng với đốc.
Hiện tại tôi đã thu thập được hai chục tiêu bản thuộc loại này. Tiêu bản Gò De là tiêu bản đầu tiên phát hiện trong khung cảnh khai quật khảo cổ học. Các tiêu bản còn lại thường do người dân vớt sông hoặc phát hiện ngẫu nhiên.
Đặc điểm chung của loại này là lưỡi thẳng với đốc, trông tựa một dao găm dẹt, cán ngắn và rộng. Trên phần cán ngắn và rộng đó thường đúc hình cụm thần hộ mệnh, đầu hai sừng hay đầu củ hành ở cả hai mặt. Lưỡi qua trông cơ bản là thẳng, nhưng thực ra không cân đối mà hơi lệch nhẹ về một bên, lưỡi sắc lệch so le.

Lưỡi qua thuộc loại đốc nẹp buộc nằm xiên vuông góc với lưỡi qua phát hiện ở Núi Voi (Hải Phòng). Sưu tập Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Trên phần lưỡi có một lỗ tròn cỡ ngón tay được viền trang trí, kèm theo một khung ô nhỏ sát đốc lưỡi trang trí hình người đầu củ hành.
Về nội dung hình trang trí trên đốc và lưỡi qua loại này, tôi đã có dịp nói kỹ khi bàn về các vị thần hộ mệnh thời Đông Sơn. Những nội dung đó khá ổn định và thống nhất, tạo thành một đặc trưng rõ nét của loại qua này, phân bố trên một vùng khá rộng, từ Quý Châu, Vân Nam (Trung Quốc) đến miền Bắc Việt Nam, gắn với các nhóm tộc người Tây Âu và sự ra đời nhà nước Âu Lạc ở nước ta.
Về mặt truyền thống, từ 3.500 năm trước, loại hình qua này bằng đá đã xuất hiện trong một ngôi mộ khai quật ở Lũng Hòa (Vĩnh Phúc). Gần đây chúng cũng thấy nhiều trên trục sông Lô do khai thác cát đáy sông.

Một lưỡi qua đốc lưỡi thẳng chôn trong mộ Đông Sơn. Phần lưỡi qua bẻ cong, thường của người thân mang viếng tặng
3. Tôi sẽ nói kỹ hơn dưới đây hiện trạng phát hiện qua đồng loại này ở Gò De (Phú Thọ) trong mối liên hệ với khu mộ ở Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc) và đặc tả lưỡi qua đồng cùng loại trong sưu tập Đông Sơn trong và ngoài nước (CQK, PHT, Sơn Đặng, Paul Paris, Barbier-Mueller…).
Địa điểm Gò De thuộc Lâm Thao (Phú Thọ), cách không xa địa điểm Làng Cả (Chính Nghĩa, Việt Trì, Phú Thọ) và Đền Hùng hiện nay. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện và khai quật một số mộ táng Đông Sơn. Và một trong số đó có mang theo lưỡi qua đồng trục lưỡi - họng thẳng, có trang trí thần hộ mệnh ở phần đốc và bản lưỡi. Đây là bằng chứng khảo cổ cùng với hàng chục lưỡi qua cùng loại phát hiện ngẫu nhiên trong phạm vi phân bố văn hóa Đông Sơn về một loại hình qua là vũ khí đặc trưng của chiến binh Đông Sơn.

Hình trái: Nguyên trạng khi phát hiện lưỡi qua Gò De (Lâm Thao, Phú Thọ) và bên phải là những lưỡi qua Đông Sơn đốc lưỡi thẳng trong sưu tập của Đặng Tiến Sơn (Hà Nội)
Phát hiện ở Gò De gợi ý liên tưởng đến hàng chục ngôi mộ có chiến binh tay phải cầm qua, tay trái cầm kiếm, đầu gối trong lòng nồi dáng trống… có đá kè trên nấm mộ khai quật ở bờ Nam sông Khả Lạc (Quý Châu, Trung Quốc) - nơi được coi như ranh giới cuối cùng của quý tộc Thục cổ sau khi bại trận trước quân Tần giữa thế kỷ 4 trước Công nguyên...
Chúng ta bắt gặp loại qua này khá nhiều ở khu vực Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ… Sưu tập qua của Đặng Hữu Sơn (Hà Nội, 2007), của bảo tàng Barbier-Muhler (Geneva, Thụy Sĩ), của Martin Dustar (Paris, Pháp) và CQK (California, Mỹ)… đều phát hiện ở các tỉnh này. Điểm phát hiện xa nhất loại qua này về phía Nam hiện biết là ở sông Mã, hiện đang lưu tại bảo tàng khảo cổ học tiền sử Phạm Huy Thông (Kim Bôi, Hòa Bình).
"Những hình mô tả chiến binh Đông Sơn mà tôi đã gom nhặt và giới thiệu dưới đây được thợ đúc đồng xưa thể hiện trên một trống đồng Đông Sơn, cho thấy cách sử dụng qua để chém đầu tù binh trên thuyền hay dùng để giết trâu trong lễ hiến tế" - TS Nguyễn Việt.
(còn tiếp)
Tags